Quyết liệt đấu tranh chống hàng giả
Vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đã và đang ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, cũng như sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng. Do đó các cơ quan chức năng cần tiếp tục quyết liệt đấu tranh loại bỏ.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội).
Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện, xử lý vi phạm kinh doanh hàng giả tại một cửa hàng trên địa bàn thành phố.
- Ông đánh giá thế nào về diễn biến của hoạt động sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng và nguyên nhân của tình trạng này trên địa bàn Thủ đô thời gian qua?
- Với quy mô dân số lớn, kinh tế - xã hội phát triển, lại có tới 13 khu vực giáp ranh với các tỉnh, 55 khu vực giáp ranh giữa các quận, huyện, thị xã, chưa kể các đầu mối bến xe, nhà ga... nên tình trạng sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt, sau giai đoạn cách ly xã hội phòng, chống dịch Covid-19, trong tháng 5 và tháng 6, tình trạng kinh doanh hàng lậu giả nhãn mác nổi tiếng dưới hình thức trực tuyến có chiều hướng gia tăng.
Điều đáng nói, các đối tượng hình thành đường dây có tổ chức, hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi và thường xuyên thay đổi để đối phó với lực lượng chức năng. Trong quá trình vận chuyển, các đối tượng thường trà trộn hàng lậu, hàng giả với hàng hóa có nguồn gốc. Bên cạnh đó, lợi dụng quy định thông thoáng về thành lập doanh nghiệp, các đối tượng thành lập nhiều công ty khác nhau để lấy pháp nhân kinh doanh hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại, khi bị phát hiện thì bỏ trốn… gây khó khăn cho việc xử lý. Mặt khác, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn còn “đất sống” do sự dễ dãi, ham rẻ của người tiêu dùng.
- Trước thực trạng trên, lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đã đấu tranh, ngăn chặn như thế nào, thưa ông?
- Lực lượng chức năng thành phố đã tăng cường kiểm tra, trong đó tập trung vào việc kinh doanh hàng giả, hàng lậu. Điển hình, giữa tháng 6, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp cùng Tổ công tác của Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ số 3, xóm 3, Đại Định, xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai), phát hiện và tạm giữ 10.987 sản phẩm không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu là hàng lậu và giả mạo một số nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 6 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng thành phố đã kiểm tra 13.850 vụ, xử lý 10.404 vụ gian lận thương mại, hàng giả, hàng lậu…; khởi tố 52 vụ, 68 đối tượng. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, giá trị hàng tịch thu hơn 1.352,3 tỷ đồng. Kết quả đó cho thấy, mặt trận chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn Hà Nội chưa bao giờ hết “nóng”, dù các lực lượng đã vào cuộc quyết liệt.
- Từ nay đến cuối năm, nạn buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng thường gia tăng. Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội có những giải pháp gì để kiểm soát, xử lý các vi phạm, thưa ông?
- Từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Để bảo đảm sự lành mạnh của thị trường cũng như quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành thành viên và các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chính sách tạo điều kiện lưu thông hàng hóa nhằm trà trộn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề; theo dõi chặt địa bàn, nhất là đầu mối giao thông, nơi tập kết hàng hóa, hội chợ thương mại. Xây dựng chuyên án đấu tranh với các đường dây sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái nhãn mác…
Đặc biệt, kiên quyết không để xảy ra tình trạng khan hàng hóa giả tạo để đầu cơ, tăng giá nhằm thu lời bất chính; làm tốt công tác tuyên truyền doanh nghiệp, người tiêu dùng hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Bên cạnh đó, lực lượng 389 Hà Nội cũng tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng trung ương và các địa phương để nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
- Qua thực tế đấu tranh với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, ông có điều gì chia sẻ thêm với người tiêu dùng?
- Bên cạnh sự nỗ lực của các lực lượng chức năng, cần có sự chung tay của người tiêu dùng trong đấu tranh với hàng giả, hàng nhái.
Người tiêu dùng nên tìm mua các mặt hàng có nguồn gốc, có nhãn mác thông tin đầy đủ về chất lượng sản phẩm… Khi mua hàng qua mạng, nên chọn lựa những trang web chính thống, đáng tin cậy để đặt mua. Cảnh giác với những trang mạng quảng cáo sản phẩm, hàng hóa giá rẻ.
Đặc biệt, khi phát hiện hàng giả, hàng nhái cần chủ động tố giác với các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
- Trân trọng cảm ơn ông.
Thanh HiềnĐà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.