Quyết tâm bứt phá, vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Tỉnh Thanh Hóa khép lại năm 2024 với nhiều thành tựu kinh tế nổi bật, điển hình là tốc độ tăng trưởng đạt 12,16%, đứng thứ 2 cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt trên 54.000 tỷ đồng, đứng thứ 8 cả nước. Đây là nền tảng, động lực quan trọng để Thanh Hóa tiếp tục vững bước trên hành trình hiện thực hóa khát vọng trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030.
Tiềm năng - lợi thế - nền tảng vững chắc cho phát triển
Thực tiễn đã chứng minh, Thanh Hóa là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; là tỉnh đất rộng, người đông, địa hình đa dạng, với núi cao, biển rộng, sông dài và vùng đồng bằng rộng lớn. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, kinh tế, quân sự; được coi là "phên dậu" của đất nước, "vùng đất căn bản", nơi khởi nghiệp của nhiều triều đại quân chủ.
Trên vùng đất "Địa linh, nhân kiệt" này, thời nào cũng có những danh nhân, vùng nào cũng có nhiều bậc anh hùng tài cao chí lớn, có nhiều đóng góp, cống hiến vẻ vang cho Tổ quốc và làm rạng rỡ quê hương, đất nước. Tiếp nối truyền thống đó, ngày nay, Thanh Hóa đã và đang chứng minh sức sống mãnh liệt, mang trong mình khát vọng phát triển và sự tự tin vươn xa, vững tin đồng hành cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Thanh Hóa không chỉ là một vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa mà còn là nơi hội tụ của thiên nhiên trù phú và con người tài hoa. Thanh Hóa đang tiếp tục ghi tên mình trên bản đồ kinh tế quốc gia với sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoan (2021-2025) ước đạt hơn 10,13 %/ năm. Đặc biệt, năm 2024, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh đạt 54.341 tỷ đồng, vượt 52,8% dự toán và tăng 25,9% so với cùng kỳ, đây là con số cao nhất từ trước đến nay. Thanh Hóa hiện dẫn đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và xếp thứ 8 cả nước về thu ngân sách, khẳng định sự bứt phá ngoạn mục.
Những cuộc gặp gỡ với các Tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư và hợp tác, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa những nhiệm kỳ gần đây đều tập trung nêu bật những tiềm năng, lợi thế của tỉnh để kêu gọi, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Trong đó, điển hình là Khu Kinh tế Nghi Sơn- Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là một trong 8 KKT trọng điểm của cả nước với những ưu đãi đầu tư hấp dẫn. Nghị quyết 58-NQ/TW, ngày 5.8.2020, của Bộ Chính trị, "Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", cũng định hướng mục tiêu tiếp tục đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh các công trình hạ tầng thiết yếu trong KKT Nghi Sơn, sớm đưa KKT này trở thành một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước.
Đến nay, KKT Nghi Sơn đã thu hút được 332 đầu tư 159.595 tỷ đồng và 12.827 triệu USD; một số dự án quy mô lớn đã hoàn thành, đưa vào hoạt động, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung.
Bên cạnh KKT Nghi Sơn, một trong những thế mạnh mang tính cạnh tranh cao của Thanh Hóa so với các tỉnh, thành khác chính là vị trí địa lý thuận lợi và mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại. Với Cảng Hàng không Thọ Xuân kết nối các tỉnh phía Nam và trong tương lai là quốc tế; hệ thống đường sắt Bắc - Nam; các tuyến đường bộ huyết mạch của đất nước chạy qua; đường thủy quốc tế.
Cùng với đó, giao thông nội tỉnh ngày càng phát triển và có tính kết nối cao với các khu vực Tây Bắc, sang thượng Lào, tạo hành lang phát triển quốc tế. Bởi vậy, khi nói về định hướng xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, Thanh Hóa có đầy đủ tiềm năng, lợi thế và nền tảng vững chắc để có thể thực hiện mục tiêu này và thậm chí sẽ đạt được kết quả lớn hơn kỳ vọng.
Khát vọng vươn xa, đồng hành cùng dân tộc
Như trên đã đề cập, nhờ tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế, những năm gần đây, Thanh Hóa đã gặt hái nhiều thành tựu phát triển kinh tế- xã hội với mức tăng trưởng bình quân hai con số, luôn thuộc nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Vừa qua, tại kỳ họp lần thứ 24, HĐND tỉnh khóa XVIII, một lần nữa ghi nhận những thành tựu đột phá, điển hình là tốc độ tăng trưởng đạt 12,16%, đứng thứ 2 cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt 54.000 tỷ đồng, đứng thứ 8 cả nước; nhiều dự án giao thông quan trọng được đầu tư cơ bản hoàn thành; hạ tầng thương mại, đô thị được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại....
Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đưa ra mục tiêu tổng quát là đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước. Trên cơ sở quan điểm nhất quán đó những thành tựu trong năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tăng tốc, bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt 11% trở lên.
Khát vọng vươn xa, vững tin đồng hành cùng dân tộc
Trong kỷ nguyên mới, Thanh Hóa không chỉ là một tỉnh giàu tiềm năng mà còn là biểu tượng sống động cho ý chí vươn lên và khát vọng phát triển của dân tộc Việt Nam. Những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc mở rộng hợp tác quốc tế đã giúp Thanh Hóa thu hút thành công hàng loạt dự án đầu tư quy mô lớn từ các quốc gia như Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Hà Lan, Australia và New Zealand. Tỉnh cũng đón tiếp và làm việc hiệu quả với nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn, tích cực tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm.
Kết quả là tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn năm 2024 ước đạt 138.856 tỷ đồng, vượt 102,9% kế hoạch, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Tỉnh thu hú thành công 108 dự án mới, trong đó có 19 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đạt 13.321,6 tỷ đồng và 422,9 triệu USD, tăng 15,9%...
Tuy nhiên, tài nguyên quý giá nhất của Thanh Hóa không chỉ nằm ở nguồn lực đầu tư hay những dự án lớn, mà chính là con người. Những người lao động miệt mài, những nhà quản lý có tầm nhìn chiến lược và thế hệ trẻ tràn đầy hoài bão chính là trái tim, là động lực cho sự phát triển bền vững.
Và cũng chính sự đồng lòng và nỗ lực không ngừng nghỉ ấy đã giúp Thanh Hóa xây dựng một nền tảng vững chắc, sẳn sàng tiến bước xa hơn trong hành trình phát triển, khẳng định vị thế của mình trên bản đồ quốc gia và quốc tế. Thanh Hóa không chỉ là vùng đất, mà còn là câu chuyện về ý chí, niềm tin và khát vọng chinh phục những đỉnh cao mới.
Triều NguyệtTP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng là 5 địa phương có quy mô kinh tế (GRDP) lớn nhất cả nước trong 2024.