Quyết tâm đưa thành phố Thanh Hóa phát triển lên tầm cao mới

Địa phương
04:55 PM 10/04/2023

Thành phố Thanh Hóa là "trái tim" của cả tỉnh, đã và đang có những bước tiến dài trong sự nghiệp phát triển với nhiều dấu ấn nổi bật. Hướng đến hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, thành phố tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh sẵn có để hiện thực hóa mục tiêu: Xây dựng, phát triển thành phố đến năm 2030 trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, là một trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước, một động lực quan trọng đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.

Điểm nhấn dịch vụ - thương mại

Đã từ lâu, dịch vụ thương mại được khẳng định là ưu thế vượt trội trong cơ cấu kinh tế của TP Thanh Hóa. Các loại hình dịch vụ - thương mại phát triển nhanh chóng; mạng lưới bán lẻ truyền thống và hiện đại tiếp tục được "phủ sóng" khắp các phường, xã, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Chuỗi các nhà hàng, khách sạn, trung tâm tổ chức sự kiện quy mô ngày càng lớn, hiện đại lần lượt ra đời. Đặc biệt là sự xuất hiện của những nhà đầu tư tên tuổi với hệ thống các siêu thị lớn như: BigC, Co.opmart, Vinmart, Sài Gòn Nguyễn Kim, HC… đã tạo nên hoạt động thương mại nhộn nhịp và sôi động, đồng thời cũng tạo ra bước đột phá, phù hợp với xu hướng mua sắm hiện đại của người dân thành phố.

Quyết tâm đưa thành phố Thanh Hóa phát triển lên tầm cao mới - Ảnh 1.

Một góc TP Thanh Hóa

Để đưa hoạt động dịch vụ - thương mại trở thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã lựa chọn "Phát triển các ngành dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch và các loại hình dịch vụ có giá trị tăng cao" là 1 trong 3 chương trình trọng tâm để thực hiện. 

Ông Lê Trọng Anh, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Thanh Hóa, cho biết: "Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện khâu đột phá, thành phố đã tập trung nghiên cứu, rà soát, cập nhật, bổ sung các quy hoạch trên địa bàn bảo đảm thống nhất, đồng bộ và kết nối, làm cơ sở để kêu gọi, thu hút đầu tư các trung tâm thương mại lớn, tạo nên vóc dáng mới cho thành phố. Trong đó, điểm nhấn là việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Dịch vụ thương mại hỗn hợp trên địa bàn phường Quảng Thành. Dự án có quy mô lớn hơn 10ha, tổng vốn đầu tư khoảng 170 triệu USD hứa hẹn sẽ đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng cung ứng hàng hóa và dịch vụ cho người dân thành phố cũng như của cả tỉnh, đồng thời có tác động lan tỏa, thúc đẩy các ngành nghề liên quan trong chuỗi cung ứng phát triển mạnh mẽ.

Các dịch vụ có thế mạnh như dịch vụ du lịch; dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; dịch vụ giáo dục - đào tạo; dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe…cũng phát triển nhanh về quy mô, phong phú, đa dạng về loại hình đã đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của thành phố. Vượt qua "cơn bão" COVID-19, năm 2022, lĩnh vực thương mại - dịch vụ của thành phố phục hồi nhanh chóng ở tất cả các ngành với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 90.025 tỷ đồng, tăng 38,2% so với cùng kỳ, trở thành động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. 

Kết quả đó là nền tảng để thành phố Thanh Hóa tiến những bước vững chắc để trở thành trung tâm lớn về dịch vụ - thương mại của cả khu vực Nam đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ vào năm 2030 như mục tiêu Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Xây dựng và phát triển TP. Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã đề ra…

Quyết tâm đưa thành phố Thanh Hóa phát triển lên tầm cao mới - Ảnh 2.

Hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Nhiều người dân xứ Thanh đi xa sau thời gian dài trở về thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay kỳ diệu, vóc dáng mới của thành phố bên bờ sông Mã. Vẫn là những con đường Công viên Thanh Quảng, Công viên Hội An, Quảng trường Lam Sơn, hồ Đồng Chiệc, vẫn là đại lộ Lê Lợi…, nhưng mọi thứ xung quanh thì đã khác trước nhiều lắm. 

Nếu như trước đây nhiều khu dân cư còn nghèo nàn, lụp xụp với hạ tầng thấp kém, các vùng ven đô đã trở thành khu dân cư mới đồng bộ, hiện đại, tạo điểm nhấn về kiến trúc đô thị cho thành phố. Tọa lạc tại vị trí đắc địa, Khu đô thị - thương mại Vincom Plaza Thanh Hóa với tòa khách sạn - trung tâm thương mại cao nhất xứ Thanh và 38 Shophouse, tương đương 152 căn hộ hiện đại, đẳng cấp. Vinhomes Star City Thanh Hóa với khu phức hợp đa dạng bao gồm biệt thự, nhà vườn, nhà liền kề, nhà phố thương mại... nằm tiếp giáp với 3 tuyến Đại lộ Lê Lợi nối Quốc lộ 1A. 

Đây là một trong những dự án hiếm hoi hội tụ cả 3 yếu tố "Cận lộ - cận giang - cận thị", trở thành nơi lý tưởng cho nhiều cư dân đô thị và tạo nên hình ảnh ấn tượng về TP Thanh Hóa đang phát triển năng động. Khu đô thị Đông Hải kề bên Đại lộ Nam sông Mã được xây dựng với lối kiến trúc hiện đại cùng không gian sống xanh, thân thiện với môi trường đã hiện hữu với vẻ đẹp hấp dẫn. Tiếp đó là khu đô thị Nam TP Thanh Hóa chỉ sau vài năm đã trở thành một vùng dân cư mới trù phú, phát triển, làm nên giá trị của một khu đô thị mới.

Trong một tương lai gần, giai đoạn phát triển mới, TP Thanh Hóa có nhiều cơ hội để phát triển nhanh về mọi mặt và sẽ trở thành một thành phố "đáng sống", khi nhiều dự án "tầm cỡ" đang tiếp tục được quy hoạch và đầu tư. Nổi bật là Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu đô thị mới tại 2 xã Hoằng Quang và Hoằng Long. 

Dự án có tổng diện tích 292ha với ý tưởng xây dựng nơi đây trở thành trung tâm đô thị mới, dịch vụ - tài chính và thương mại của dải đô thị phía Bắc sông Mã; hình thành phố hai bên bờ  sông với núi Rồng và sông Mã là điểm nhấn cảnh quan trọng tâm. Quy hoạch 1/500 khu dân cư, tái định cư số 2 xã Hoằng Đại với diện tích 40,95ha, tổng chi phí hơn 918 tỷ đồng, kỳ vọng sẽ đáp ứng được yêu cầu của cư dân TP Thanh Hóa và huyện Hoằng Hóa về một không gian sống đẳng cấp, thoát khỏi sự chật chội của đô thị. Ngoài ra, hàng loạt các mặt bằng quy hoạch ở nhiều địa điểm khác cũng đồng thời được thực hiện sẽ mang đến sự phát triển hài hòa, cân đối, bền vững cho thành phố…

Hiện nay, thành phố đã, đang phối hợp chuẩn bị đầu tư một số dự án trọng điểm giao thông giai đoạn 2023-2025 như: Mở rộng Đại lộ Đông Tây đoạn từ Cầu Cao đến thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn); cầu vượt đường sắt Bắc - Nam và đường hai đầu cầu thuộc tuyến Đại lộ Nam sông Mã giai đoạn 2: cầu Hoằng Đại… nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông cấp đô thị bảo đảm đồng bộ, khớp nối, thuận lợi cho lưu thông giữa TP Thanh Hóa với các vùng phụ cận.

Quyết tâm đưa thành phố Thanh Hóa phát triển lên tầm cao mới - Ảnh 3.

Quảng trường Lam Sơn, phường Điện Biên

Đầu tàu về kinh tế

Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" xác định: TP Thanh Hóa đóng vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, một "đầu tàu" đưa Thanh Hóa thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội. Sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, bằng sự đồng tâm, đồng sức, đồng lòng, TP Thanh Hóa đã có những "bứt tốc" về tăng trưởng để ghi dấu ấn đậm nét lên bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về phục hồi kinh tế nhanh nhất tỉnh.

Năm 2022, tốc độ tăng giá trị sản xuất của thành phố đạt 18,4 %, đứng trong nhóm địa phương có tốc độ tăng giá trị sản xuất cao nhất cả tỉnh. Sau khi hoạt động du lịch mở cửa trở lại, TP đã đón 2,5 triệu lượt khách, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ; tổng thu từ du lịch đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 3,3% lần so với cùng kỳ. 

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp cũng có nhiều khởi sắc với tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 2,15 tỷ đồng, tăng 15,4% so với năm 2021. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao nhất (tăng 14,5%); sản phẩm giày da, quần áo là điểm sáng nhất và cũng là nhóm hàng chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị xuất khẩu của thành phố. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, mang đến những tín hiệu vui sau đại dịch COVID-19, với tổng giá trị sản xuất đạt 51.242, 9 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ.

Có thể khẳng định, những con số ấn tượng trên là minh chứng về một TP rất khác trong định hướng, tư duy, tầm nhìn phát triển. Cũng chính bởi tiềm năng, lợi thế và sức bật mạnh mẽ của TP thể hiện qua những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội là cơ sở để năm 2022 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về "Xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và gần đây nhất được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt "Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040".

Với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt và bằng lộ trình rõ ràng, khoa học, bài bản  cùng với những bước đi chắc chắn, TP Thanh hóa tự tin sẽ phát triển xứng tầm, góp phần cùng cả tỉnh hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước, theo tinh thần Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị./.

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.