Ra mắt Viện Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Việt
Lễ ra mắt Viện Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Việt được tổ chức vào chiều 10/6 tại Hà Nội với sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đánh dấu nỗ lực của Viện trong việc nghiên cứu tinh hoa văn hóa và lịch sử Việt Nam, thực hiện sứ mệnh: “Tiếp nối tri thức, hội tụ niềm tin, lan tỏa giá trị Việt”.
Tham dự Lễ ra mắt, có PGS. TS Phạm Văn Huynh - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện; PGS. TS Trần Viết Nghĩa - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện; ông Lê Văn Quỳnh - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Việt.
Ngoài ra, còn có sự tham gia của các nhà khoa học, lãnh đạo các Viện, Nhà xuất bản; các đồng chí cán bộ, nhà nghiên cứu trong các đơn vị lực lượng vũ trang; các đồng chí trưởng, phó phòng, ban chuyên môn của các Sở, ngành các tỉnh, thành như: Lai Châu, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa.

PGS. TS Phạm Văn Huynh - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Việt phát biểu khai mạc buổi lễ.
Phát biểu tại Lễ ra mắt, PGS. TS Phạm Văn Huynh - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Việt khẳng định: Thấm nhuần lời dạy của Bác: Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" và "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", Viện Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Việt ý thức sâu sắc vai trò của tri thức lịch sử và văn hóa dân tộc trong việc góp phần kiến tạo động lực cho đất nước, quê hương vươn tới hạnh phúc, ấm no, thịnh vượng.
"Lời dạy của Người cùng với thực tiễn sôi động trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, các địa phương, các ngành chính là nguồn cảm hứng vô tận thôi thúc đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tâm huyết để đồng hành sáng lập và đẩy mạnh hoạt động của Viện Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Việt; hướng tới giữ vững tôn chỉ và sứ mệnh: "Tiếp nối tri thức, hội tụ niềm tin, lan tỏa giá trị Việt".

PGS. TS Phạm Văn Huynh - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện trao Giấy chứng nhận và con dấu cho Viện trưởng Lê Văn Quỳnh.
PGS. TS Phạm Văn Huynh cho biết, Viện Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Việt (tên tiếng Anh "Vietnamese In - stitute of History and Culture Research, tên viết tắt "VIHC") là tổ chức khoa học và công nghệ thành lập ngày 21/4/2023, số đăng ký chứng nhận hoạt động C-16/2023/ĐK-KH&CN. Viện có trụ sở tại Hà Nội và các văn phòng chi nhánh miền Trung, miền Nam. Hội đồng Quản lý của Viện gồm 03 thành viên, Ban Lãnh đạo và các ban chuyên môn có 27 thành viên. Trong đó, có 02 Phó Giáo sư, Tiến sỹ; 04 Tiến sỹ, 04 Thạc sỹ và 23 Cử nhân.
Viện có chức năng tập hợp các chuyên gia, các nhà khoa học có kinh nghiệm, chuyên môn cao để thực hiện nghiên cứu, ứng dụng và cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực Lịch sử, Văn hóa, góp phần nâng cao tri thức Lịch sử, Văn hóa Việt Nam.

Các thành viên Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Việt chính thức ra mắt.
Viện Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Việt còn thực hiện các nhiệm vụ khác, như: Triển khai các đề tài, dự án, chương trình trong lĩnh vực Lịch sử, Văn hóa; tư vấn, phản biện các đề tài, dự án về Lịch sử, Văn hóa; tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn; tổ chức hội nghị, hội thảo, trao đổi thông tin, phổ biến kiến thức trong các lĩnh vực Lịch sử, Văn hóa; hợp tác với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Viện.
Tại Lễ ra mắt, thay mặt Hội đồng Quản lý, PGS. TS Phạm Văn Huynh - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện đã trao Giấy chứng nhận và con dấu cho Viện trưởng Lê Văn Quỳnh. Trong không khí trang trọng và đầm ấm của buổi lễ, các thành viên của Hội đồng Quản lý và Ban lãnh đạo Viện Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Việt đã chính thức ra mắt, đón nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của các đại biểu, khách mời và toàn thể cán bộ, nhân viên trong Viện.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, ông Lê Văn Quỳnh - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Việt cho biết: Trong thời gian tới, Viện sẽ ổn định bộ máy nhân sự, kiện toàn các Ban Nghiên cứu, Ban Biên tập, Ban Kế hoạch hợp tác và truyền thông. Đồng thời, sẽ tiếp tục tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học có trình độ chuyên môn. Tiếp đó, đưa văn phòng đại diện của Viện tại khu vực miền Trung, miền Nam và các trung tâm trực thuộc đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch.

Ban lãnh đạo Viện đón nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của các đại biểu, khách mời và toàn thể cán bộ, nhân viên trong Viện.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Việt Lê Văn Quỳnh nhấn mạnh: Viện sẽ tiếp tục đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, phấn đấu đến năm 2025, Viện Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Việt có trụ sở mới, đáp ứng tốt hơn yêu cầu kỹ thuật, không gian làm việc, không gian nghiên cứu khoa học. Viện cũng sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác, tổ chức, cá nhân để thực hiện: Nghiên cứu, biên soạn Lịch sử, trong đó có Lịch sử Đảng, Lịch sử ban ngành địa phương; tư vấn, phản bện các đề tài, dự án về Lịch sử và Văn hóa;… Đặc biệt, sẽ triển khai dự án thư viện lưu trữ điện tử, bảo tàng, phòng truyền thống,…
Trên con đường nỗ lực phấn đấu trở thành một cơ sở nghiên cứu, ứng dụng và cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực Lịch sử - Văn hóa có nội lực thật tốt, Viện Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Việt sẽ chú trọng nâng cao tiềm lực, đặc biệt là tiềm lực con người, có cơ chế thu hút nhân tài và các chuyên gia, nhà khoa học giàu kiến thức, kinh nghiệm và tâm huyết để giúp Viện phát triển, góp phần nâng cao tri thức Lịch sử, Văn hóa Việt Nam.
Nguyễn Hạnh
Khi tài sản số đang làm thay đổi diện mạo các giao dịch tài chính toàn cầu và tín chỉ carbon được xem là 'chìa khóa' mở cửa tài chính xanh. Tuy nhiên, hiện khung pháp lý Việt Nam lại đang thiếu những quy định cụ thể để tận dụng lợi thế từ hai loại tài sản mới này.