Rà soát những trường hợp người Hà Nội từ Đà Nẵng về từ ngày 8-7
Chiều 27-7, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp trực tuyến với 30 quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý và đại diện các sở, ngành thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp.
Đề cập tình hình dịch Covid-19, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, đã ghi nhận hơn 16 triệu ca mắc, trong đó có hơn 652 nghìn ca tử vong tại 215 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại nước ta, tính đến 17h ngày 27-7 đã ghi nhận 420 ca mắc Covid-19 tại 36 tỉnh, thành phố.
Còn trên địa bàn thành phố Hà Nội, đã qua 104 ngày liên tiếp không ghi nhận thêm ca bệnh mắc mới tại cộng đồng. Tính đến 15h ngày 27-7, thành phố đã có 121 ca mắc Covid-19 đều đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, hiện dịch đang diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới và một số tỉnh, thành phố khác ở nước ta, đặc biệt là Đà Nẵng.
"Bên cạnh đó, hiện nay đang là mùa hè, việc giao lưu đi lại, nhất là du lịch, nghỉ dưỡng của người dân giữa các tỉnh, thành phố rất lớn và nhiều người dân đã không còn tuân thủ các biện pháp phòng dịch, như: Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay... nên tiềm ẩn nguy cơ dịch có thể xuất hiện và lây lan tại cộng đồng trên địa bàn Hà Nội trong thời gian tới", ông Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết, qua rà soát có khoảng 15-20 nghìn người Hà Nội trở về từ Đà Nẵng nên nguy cơ dịch xâm nhập là rất cao. Do đó, đối với những trường hợp trở về từ vùng có dịch ở Đà Nẵng phải tự cách ly và thực hiện khai báo y tế với chính quyền sở tại. Người dân phải chủ động theo dõi tình hình sức khỏe, trong trường hợp có dấu hiệu bất thường (như ho, sốt, mệt mỏi, khó thở, tức ngực...) phải báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp.
Tại cuộc họp, báo cáo của đại diện 5 quận: Bắc Từ Liêm, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Hoàng Mai cho thấy, qua rà soát có hơn 2.000 người dân về từ Đà Nẵng. Các quận đã tăng cường phổ biến, giám sát những người về từ vùng dịch ở Đà Nẵng, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm những trường hợp nghi ngờ và tính đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận trường hợp mắc.
Công an thành phố đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, quản lý, giám sát chặt chẽ tất cả những trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, nhất là nhập cảnh trái phép. Hiện trên địa bàn thành phố chưa phát hiện trường hợp nhập cảnh trái phép.
Người dân không nên quá lo lắng mà cần chấp hành, tuân thủ quy định phòng dịch
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu, đối với Hà Nội, là địa phương có nhiều người đến Đà Nẵng thời gian qua, do đó, chúng ta phải chủ động, phát hiện kịp thời, ngăn chặn nhanh chóng không để lây lan rộng. Khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống nhưng không nên quá lo lắng. Những người đi về từ Đà Nẵng từ ngày 8-7 đến nay và có liên quan tới các địa điểm mà bệnh nhân đã từng đến (Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, các quận: Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Hải Châu, Trung tâm tiệc cưới For You Palace...) thì phải cách ly và khai báo y tế. Với những người về từ Đà Nẵng nhưng không đến những địa điểm này thì phải chủ động theo dõi sức khỏe.
"Quan trọng nhất là phải tuyên truyền để người dân tự giác theo dõi sức khỏe tại nhà và đến cơ sở y tế nếu có biểu hiện ho, sốt, khó thở", Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh. Với người dân thành phố, nếu có biểu hiện ho, sốt, khó thở... cũng cần khai báo với y tế địa phương để kịp thời xét nghiệm. Trong khi chờ kết quả xét nghiệm, những trường hợp này cần tuân thủ nghiêm việc cách ly tại nhà. "Nếu các trường hợp này đã liên hệ với các bệnh viện thì bệnh viện phải theo dõi, lấy mẫu bệnh phẩm và bảo đảm phòng dịch đúng quy định", đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh. Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, bảo đảm chủ động phát hiện, kịp thời ngăn chặn dịch nhanh chóng, không để lây lan ra cộng đồng.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, tình hình dịch trên thế giới vô cùng phức tạp. Nếu như thời gian trước đây, trong 3 tháng, thế giới mới ghi nhận 1 triệu ca mắc mới thì hiện chỉ trong 4 ngày đã có thêm 1 triệu ca mắc mới. Tại nước ta, đã ghi nhận các ca mắc mới trong cộng đồng ở Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Điều đáng nói, các ca mắc này từ nhiều nguồn lây khác nhau, vi rút này cũng là chủng mới khác với vi rút được ghi nhận trước đó trên lãnh thổ nước ta.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, nhận định của ngành Y tế cho thấy, khả năng dịch Covid-19 ở Đà Nẵng đã xuất hiện từ đầu tháng 7-2020. Nơi phát hiện bệnh nhân dương tính là 6 địa điểm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, trong đó có 3 quận: Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Hải Châu và 3 bệnh viện - những nơi người bệnh đã đến. Hiện nay, chúng ta chưa truy tìm ra F0, do đó, không loại trừ nguy cơ lây nhiễm ra các địa phương khác, trong đó có Hà Nội.
Về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, Sở Y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, trang thiết bị... để đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là tập trung nâng cao năng lực xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2. Mặt khác, bảo đảm lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 2 lần đối với các trường hợp từ nước ngoài nhập cảnh vào Hà Nội; tiếp tục theo dõi y tế tại cộng đồng ít nhất 14 ngày sau thời gian cách ly bắt buộc và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 một lần nữa trước khi hết thời gian theo dõi y tế, nếu cần thiết xét nghiệm lại sau 1 tháng.
Khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng, người dân cần tiếp tục thực hiện đeo khẩu trang; nơi công sở, khu vực công cộng cần bố trí thêm nước sát khuẩn, tiếp tục duy trì đội phản ứng nhanh... Trước tình hình hiện nay, người dân không nên quá lo lắng mà cần phải chấp hành, tuân thủ quy định phòng dịch.
Những trường hợp đi về từ các địa điểm có nguy cơ cao ở Đà Nẵng và Quảng Ngãi cần cách ly, theo dõi sức khỏe:
1. Những người đã đến và sử dụng dịch vụ tại 3 bệnh viện:
- Bệnh viện C Đà Nẵng: Từ ngày 20 đến 22-7.
- Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng: Ngày 16-7 và 18-7 tại phòng 506 Khoa Nội hô hấp và ngày 23-7 tại Phòng Hồi sức tích cực.
- Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng: Từ ngày 14 đến 16-7 và 20 đến 21-7 tại căng-tin bệnh viện, nhà thuốc bệnh viện và phòng 401, khu B.
2. Những người đã sử dụng dịch vụ xe khách của nhà xe Thanh Hường:
- Chuyến 15h ngày 17-7-2020 từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Quảng Ngãi.
- Chuyến 3h ngày 20-7-2020 từ thành phố Quảng Ngãi đi thành phố Đà Nẵng, đến Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng lúc 6h30 sáng.
3. Những người đi chuyến tàu 23h ngày 21-7-2020, số hiệu SE7 từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Quảng Ngãi.
4. Chợ đầu mối Hoà Cường, 65 Lê Nổ, Hòa Cường Nam, Hải Châu, Đà Nẵng, vào buổi sáng các ngày từ 8 đến 12-7.
5. Quán bún Cô Nở, đường Nguyễn Thuỵ, Quảng Ngãi, vào buổi sáng ngày 18-7.
6. Dự tân gia tại hẻm 1 Nguyễn Thông, Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, ngày 19-7.
7. Nhà Văn hoá Lao động, đường Hùng Vương, tỉnh Quảng Ngãi, từ 20-21h ngày 23-7.
8. Trung tâm tiệc cưới For You Palace, địa điểm tại Công viên Trung tâm đường 2/9, Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, trong thời gian từ 10h30-12h30 ngày 18-7.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.