Rác "đè", nỗi lo và giải pháp

Xã hội
01:43 PM 06/08/2020

Mới đây, hàng ngàn tấn rác tại bãi rác Cam Ly đã trượt từ độ cao hơn 60m xuống khu vực dân cư, vùi lấp đường giao thông, nương rẫy làm dấy lên lo ngại vấn nạn rác thải và giải pháp xử lý.

Rác "đè", nỗi lo và giải pháp - Ảnh 1.

Núi rác Cam Ly đổ ập xuống ruộng vườn người dân Đà Lạt (Ngày 13/08/2019)

Rác đầy lên mỗi ngày

Nhân loại đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng rác thải ngày càng nghiêm trọng. Cứ mỗi ngày, trên thế giới lại có 3,5 triệu tấn rác được thải ra. Con số này cao gấp 10 lần so với 100 năm trước và dự kiến sẽ tăng lên 11 triệu tấn vào cuối thế kỷ XXI.

Ở Việt Nam, báo cáo gửi Bộ Tài nguyên của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho biết: Mỗi ngày, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại Việt Nam khoảng 70.000 tấn. Chất thải rắn công nghiệp phát sinh khoảng 25 triệu tấn. Trong đó theo tính toán của Bộ Công Thương, riêng lượng tro, xỉ tích lũy của các nhà máy nhiệt điện hiện nay là 61 triệu tấn, dự kiến đến năm 2020 là 109 triệu tấn, đến năm 2025 là 248 triệu tấn và đến năm 2030 sẽ là 422 triệu tấn.

Hoạt động nông nghiệp phát sinh mỗi năm khoảng 76 triệu tấn rơm rạ, 85 - 90 triệu tấn chất thải chăn nuôi, hơn 14.000 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật, phân bón các loại sau sử dụng.

Trong khi đó, tổng lượng chất thải rắn y tế thông thường phát sinh tại các bệnh viện, cơ sở y tế khoảng 147.095 tấn/năm. Đó là chưa kể, lượng rác nhập khẩu của Việt Nam lên tới hàng trăm ngàn tấn mỗi năm.

Có thể nói, rác đang đầy lên mỗi ngày nhưng lượng rác thải được thu gom mới đạt khoảng 85,5% (khu vực đô thị), 45,5% (khu vực nông thôn).

Theo tin từ Tổng cục môi trường, trung bình mỗi năm, có tới 17,5 triệu tấn trong tổng số 25 triệu tấn rác thải rắn sinh hoạt được chôn lấp. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, tỷ lệ chôn lấp chiếm tới 90%, trong khi con số này ở Tp.Hồ Chí Minh là 69%.

Nước ta hiện có 660 bãi chôn lấp có quy mô lớn hơn 1 ha nhưng chỉ có 120 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Những bãi chôn rác tại các thành phố luôn trong tình trạng quá tải, thường trực nguy cơ gây ô nhiễm nước và không khí.

Để khắc phục tình trạng hết quỹ đất dành cho chôn lấp rác thải, những năm gần đây, tại hầu hết các tỉnh, thành phố, thậm chí cả các tuyến huyện, xã ở nhiều địa phương đã chủ động xây dựng lò đốt rác.

Cả nước hiện có gần 300 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (chủ yếu cỡ nhỏ, quy mô cấp xã, công nghệ sơ sài). Các lò đốt này vì thế có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn, khả năng phát thải dioxin từ các lò đốt rất cao.

Rác đang gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Những bãi rác khổng lồ bốc mùi hôi thối ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân gần đó. Việc phát thải CH4 từ các bãi chôn lấp chất thải rắn được thu gom; từ nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt; phát thải N2O từ bùn cống nước thải sinh hoạt; phát thải CO2 và N2O từ quá trình đốt chất thải gây ô nhiễm nặng nề đến môi trường không khí, đặc biệt là khí CO2 và CH4 gây ảnh hưởng đến khí hậu do "Hiệu ứng nhà kính".

Rác còn làm cho nguồn nước mặt và nước ngầm ô nhiễm khiến xuất hiện nhiều loại vi sinh vật gây nên các bệnh về đường ruột như khuẩn Ecoli, làm tăng hàm lượng tạp chất, các kim loại nặng, như: Sắt, chì, nhiễm asen, dioxin, nhiễm amoni, nitrit … Nếu sử dụng nước sinh hoạt nhiễm tạp chất với hàm lượng cao và lâu dài thì có thể gây nên các bệnh về đường ruột, gan, thận, hệ thần kinh và nguy hiểm nhất là căn bệnh ung thư quái ác đến nay chưa có thuốc chữa.

Rác đang làm cho đất bị thoái hóa, xuống cấp trầm trọng, tác động xấu đến ngành sản xuất nông nghiệp, khiến mùa màng thất bát, cây trồng thiếu chất dinh dưỡng nên chậm phát triển, chất lượng nông sản giảm sút nghiêm trọng, làm mất cân bằng sinh thái, đe dọa sự sống còn của hệ sinh vật và loài người.

Ngoài gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe con người, tiêu tốn hàng ngàn ha đất để chôn lấp mà không thể bán hay canh tác, xây dựng, thì rác thải còn là gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Theo Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, mỗi năm thành phố này phải chi 2.848 tỷ đồng cho xử lý rác. Có thể nói, rác thải với những hệ lụy về kinh tế, xã hội và môi trường đặt ra thách thức lớn đối với nước ta.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Trước vấn nạn rác thải và những hệ lụy đối với nguồn tài nguyên, môi trường, sức khỏe con người, ngân sách, việc tìm ra giải pháp để xử lý được quan tâm hàng đầu.

Phân loại rác tại nguồn là giải pháp căn cơ. Hơn chục năm trước, chúng ta đã thí điểm dự án phân loại rác thải tại nguồn trong 3 năm (từ 2006 -2009). Kết quả cho thấy lượng rác đưa đi chôn lấp giảm tới 30%, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xử lý rác, kéo dài tuổi thọ các bãi chôn lấp.

Mặc dù đây là giải pháp rất tốt và không khó thực hiện, thế nhưng, hầu hết các địa phương đều ì ạch trong triển khai. Những địa phương đi đầu như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh đang cố gắng thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao.

Thực ra, dù áp dụng giải pháp xử lý nào đi chăng nữa, kể cả chôn, đốt hay tái chế thì vẫn cần phân loại rác tại nguồn. Việc phân loại nếu chỉ một nhóm công nhân môi trường làm sẽ không hiệu quả bằng việc ai thải ra người đó tự làm.

Điều quan trọng, phải khiến việc phân loại rác thành thói quen trong dân, thành nhiệm vụ và trách nhiệm của Công ty Môi trường. Nếu các địa phương làm quyết liệt, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống để tuyên truyền, vận động, giám sát, cải tiến công nghệ xử lý, thu gom, vận chuyển, bãi tập kết, nâng cao nhận thức, ý thức và gắn trách nhiệm người dân bằng chế tài, bằng luật hóa thì giải pháp này chắc chắn sẽ thành công.

Để giải pháp này đạt hiệu quả, hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã ra quy định xử phạt hành chính lên tới hàng chục triệu những ai cố tình không phân loại rác tại nguồn. Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi quy định người gây ô nhiễm phải trả tiền và khuyến khích người dân phân loại rác thải theo 5 nhóm trước khi mang đi bỏ.

Áp dụng phương pháp đồng xử lý, một giải pháp đem lại nhiều lợi ích. Đồng xử lý chất thải là việc kết hợp một quá trình sản xuất sẵn có để tái chế, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải trong đó chất thải được sử dụng làm nguyên vật liệu, nhiên liệu thay thế hoặc được xử lý.

Trước nay, do chúng ta thường coi rác là thứ bỏ đi, bởi vậy, một nguồn tài nguyên lớn có trong rác bị vứt bỏ rất lãng phí. Theo Giám đốc Chương trình OPTOCE, Tiến sĩ - nhà khoa học Kåre Helge Karstensen: Rác thải nhựa là một loại nguyên liệu hóa thạch và thậm chí còn chứa nhiều năng lượng hơn than. Nếu rác nhựa có thể được dùng để thay thế một phần than trong quá trình sản xuất thì đây cơ hội mà các bên đều có lợi, góp phần giải quyết mối đe dọa từ nhựa và giảm phát thải khí nhà kính.

Nếu sử dụng phương pháp đồng xử lý, biến rác thành nguyên liệu đầu vào hay nhiên liệu thay thế thì hiệu quả về chi phí, sử dụng tài nguyên hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn nhiều so với phương pháp đốt rác hoặc chôn lấp. Với phương pháp này, hiệu quả năng lượng thu hồi là 100% so với 20% của các nhà máy đốt rác; đồng thời không để lại chất tồn dư, so với khoảng 30% tồn dư tại các nhà máy đốt rác.

Khởi động nền kinh tế tuần hoàn để xử lý rác triệt để. Kinh tế tuần hoàn là xu hướng nhắm đến 2 mục tiêu chính: Khắc phục tình trạng cạn kiệt của tài nguyên đầu vào, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở đầu ra.

Theo đó toàn bộ các công đoạn của quá trình sản xuất đều được thiết kế sao cho rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác, hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp. Do đó, góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm ô nhiễm môi trường./.


PV
Ý kiến của bạn
Thương mại di động dần trở thành xu hướng chủ đạo tại Việt Nam Thương mại di động dần trở thành xu hướng chủ đạo tại Việt Nam

Hiện nay, sự phát triển thương mại di động (M-Commerce) đang được coi là tất yếu của thương mại điện tử và dần trở thành xu hướng chủ đạo tại Việt Nam khi số lượng người sử dụng điện thoại thông minh và internet phát triển mạnh mẽ.