Rào cản của doanh nghiệp du lịch trong chuyển đổi xanh
Chuyển đổi xanh không chỉ là lựa chọn, mà còn là định hướng chiến lược của ngành du lịch, đặc biệt với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp du lịch vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình chuyển đổi này.
Thời gian qua, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã nhận thức được việc phát triển du lịch xanh chính là con đường khẳng định giá trị thương hiệu trong thị trường du lịch toàn cầu. Các doanh nghiệp du lịch đang từng bước áp dụng các tiêu chí ESG (môi trường - xã hội và quản trị) cùng định hướng kinh doanh bền vững để phát triển toàn diện, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Khu du lịch sinh thái Tràng An, Ninh Bình. Ảnh: TITC
Tại diễn đàn “Phát triển điểm đến xanh - Nâng tầm du lịch Việt Nam”, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí cho biết, 4 vấn đề cốt lõi để du lịch Việt Nam hướng tới tiêu chí “xanh”, đó là: Quy hoạch xanh, quản lý điểm đến hiệu quả, du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp, du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên.
Tương tự, Chủ tịch Công ty du lịch LuxGroup Phạm Hà cho rằng, du lịch Việt Nam phát triển dựa trên 4 trụ cột: Văn hóa, thiên nhiên, ẩm thực và con người. Để phát triển du lịch xanh thì cả 4 trụ cột trên cũng phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc sử dụng năng lượng sạch, hiệu quả; giảm thải rác thải nhựa, không có lợi cho môi trường; bảo tồn văn hóa bản địa; ý thức của cộng đồng và du khách.
Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp triển khai hoạt động du lịch bền vững, hầu như đáp ứng đầy đủ các tiêu chí "xanh" như: Tràng An - Ninh Bình; KDL sinh thái Thung Nham - Ninh Bình; Mũi Né Bay Resort - Bình Thuận; Furama Resort - Đà Nẵng, H’Mong Village Resort - Hà Giang....
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp triển khai sẽ gặp một số khó khăn. Thứ nhất, mặc dù đã nhận thức được tầm quan trọng cũng như chủ động ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy chuyển đổi xanh, nhưng việc tiếp cận với nguồn lực tài chính là thách thức của hầu hết các doanh nghiệp.
Thứ hai, các doanh nghiệp còn hạn chế về kiến thức kỹ thuật. Họ gặp khó khăn trong việc xác định vật liệu thay thế phù hợp, cách thực hiện chuyển đổi, hay cần tìm kiếm nguồn cung cấp đáng tin cậy ở đâu.
Chính sách quản lý chưa hiệu quả cũng là lý do khiến doanh nghiệp gặp khó khi thực hiện chuyển đổi xanh. Hay sự thiếu minh bạch và công bằng trong cách quản lý điểm đến cũng làm giảm động lực của doanh nghiệp trong việc đầu tư vào hoạt động du lịch bền vững.
Trước đó, báo cáo thống kê từ khảo sát "Mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh" do Ban phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện với hơn 2.734 doanh nghiệp cũng cho thấy, 46,8% doanh nghiệp thiếu nhân sự có chuyên môn về giảm phát thải, chuyển đổi xanh.
Chỉ có 5,9% doanh nghiệp cho biết không gặp khó khăn gì về vốn, trong khi đó 50% doanh nghiệp còn lại đang phải loay hoay với việc huy động tài chính để chuyển đổi xanh. Các doanh nghiệp ngành công nghiệp; nông, lâm và thủy sản gặp khó khăn nhiều hơn nhóm còn lại với tỷ lệ lần lượt là 53,7% và 52,9%. Doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về nguồn vốn nhiều hơn so với FDI (50,3% so với 46,6%).
Bên cạnh đó, có tới 44,2% doanh nghiệp chưa tìm được giải pháp công nghệ phù hợp. Chỉ có 6,3% doanh nghiệp được khảo sát cho biết không gặp khó khăn gì.
Nhận diện những khó khăn, thách thức mà các địa phương, doanh nghiệp còn đang phải đối diện, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động chuyển đổi xanh trong du lịch trên với 5 trụ cột: Tham gia xây dựng cơ chế, chính sách về chuyển đổi xanh trong du lịch; phát triển các sản phẩm điểm đến xanh trên cơ sở Bộ tiêu chí du lịch xanh của Hiệp hội; xúc tiến, quảng bá xanh; đào tạo xanh; ứng dụng công nghệ xanh, chuyển đổi số.
Các đối tác trong ngành du lịch cần hợp tác với nhau để tích cực tham gia vào chương trình phát triển các điểm đến xanh của du lịch Việt Nam, xác định rõ trách nhiệm của mình đối với mục tiêu phát triển chung của đất nước.
An Mai (t/h)
Đằng sau vẻ đẹp độc bản của Thành phố Vịnh Trung tâm Xanh Island là sự kết hợp hài hòa giữa tầm nhìn quốc tế và chiều sâu văn hóa bản địa, giữa lý thuyết phong thủy Á Đông và tinh thần đương đại của kiến trúc thế giới.