Rào cản nào khiến ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chậm lại?

Kinh doanh
03:11 PM 16/02/2023

Sau gần 30 năm phát triển, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn với mục tiêu cả về tham gia chuỗi cung ứng thị trường thế giới cũng như việc tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm trong nước.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có khoảng trên 40 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô. Tổng công suất lắp ráp theo thiết kế khoảng 755.000 xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 35%, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 65%.

Ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước đang vừa phải cạnh tranh với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, vừa cố gắng duy trì sản xuất. Riêng doanh số bán hàng tháng 1/2023 của xe lắp ráp trong nước chỉ đạt 8.086 xe, giảm 54% so với tháng 12/2022. Với riêng các thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng tháng 1/2023 được công bố là 13.998 xe, giảm 53% so với doanh số bán tháng 1/2022 và giảm 54% so với doanh số bán tháng 12/2022. Các thành viên ngoài VAMA cũng ghi nhận tình trạng bán hàng không khả quan trong tháng đầu năm.

Rào cản nào khiến ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chậm lại? - Ảnh 1.

Doanh số bán ô tô lắp ráp trong nước chững lại. Ảnh: zing.vn

Sức mua thị trường sụt giảm nhanh ngoài dự báo khiến hàng tồn kho tại showroom và nhà máy sản xuất ở mức đáng báo động. Trong ngắn hạn, nếu sức mua không được cải thiện và thị trường không tăng trưởng trở lại để giảm áp lực tồn kho, các nhà sản xuất sẽ không thể duy trì nhịp sản xuất ổn định và buộc phải giảm công suất và nhân công. Điều này tác động trực tiếp tới tình hình lao động - việc làm, ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội của người dân.

Theo báo cáo của Công ty SSI Research, sau năm 2022 tăng trưởng mạnh mẽ và với kết quả của tháng đầu năm, dự báo lượng xe bán ra năm 2023 tại thị trường Việt chỉ tăng 5% so với năm 2022. Những thách thức của thị trường như điều kiện kinh tế, các gia đình thắt chặt chi tiêu, lãi suất ngân hàng cao khiến việc trả góp khó khăn và không còn hỗ trợ từ Chính phủ… cũng góp phần khiến doanh số xe năm 2023 sụt giảm so với 2022. Dẫu vậy, có thể kì vọng là tình trạng thiếu chip và gián đoạn chuỗi cung ứng làm nhiều hãng xe gặp khó trong năm 2022 sẽ không ảnh hưởng tới thị trường vào nửa cuối năm 2023.

Theo các chuyên gia, với tình hình khó khăn hiện tại, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vốn đã khó khăn, nay lại càng gặp khó khăn hơn.

Có nhiều rào cản khiến ngành ô tô "Made in Vietnam" giảm tốc, đặc biệt là khó có thể cạnh tranh với ô tô nhập khẩu như mức giá, chính sách thuế phí, công nghiệp hỗ trợ...

Theo VAMA, một chiếc ô tô có khoảng 30.000 linh kiện, nhưng có đến 80% loại phục vụ cho sản xuất lắp ráp xe trong nước là nhập khẩu, số còn lại sản xuất trong nước chủ yếu vẫn là chi tiết cồng kềnh, giản đơn... Việc cạnh tranh khó khăn trong nước khiến các doanh nghiệp lại càng không mặn mà việc đầu tư để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Hơn nữa, Việt Nam có khoảng hơn 350 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô, nhưng phần lớn có quy mô nhỏ, khó khăn trong tiếp cận vốn, khó có điều kiện đầu tư cho công nghệ và việc liên kết giữa các doanh nghiệp này khá yếu... Khi thị trường gặp khó khăn, rất cần các biện pháp hỗ trợ mạnh hơn từ Chính phủ.

Không chỉ vậy, cần có biện pháp hỗ trợ kích cầu áp dụng riêng với ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước. Điều này vừa tạo điều kiện hỗ trợ sản xuất trong nước, vừa giúp đỡ các doanh nghiệp trong thời gian khó khăn hiện tại, giải quyết được nhiều bài toán về an sinh xã hội. Về lâu dài, việc này sẽ hỗ trợ cho việc phát triển công nghiệp ô tô ở Việt Nam.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn