Rạp chiếu phim, đình chùa mở cửa trở lại
Ngày 9/5, đánh dấu việc mở cửa trở lại của một số hoạt động văn hóa như rạp chiếu phim, sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng tại các đình, chùa. Số lượng người dân tham gia chưa đông như trước khi có dịch nhưng cũng đã tạo thêm nhiều không gian sinh hoạt văn hóa, giúp nhịp sống trở lại bình thường.
Khán giả đến rạp ngay trong ngày đầu mở cửa trở lại.
Người dân hào hứng
Sau quãng thời gian tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 9/5 các rạp chiếu phim bắt đầu mở cửa đón khách trở lại. Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị ngày 9/5 tại hệ thống rạp chiếu phim của CGV, như CGV Vincom Royal City, CGV Nguyễn Chí Thanh, CGV Vincom Bà Triệu… hoặc rạp BHD star Cineplex Phạm Ngọc Thạch, Trung tâm chiếu phim quốc gia (Láng Hạ) đã mở cửa trở lại bằng suất chiếu từ khoảng 8 giờ sáng.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam thông báo các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo trở lại bình thường từ ngày 9/5. Giáo hội yêu cầu phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời yêu cầu tạm thời chưa đón tiếp các đoàn khách quốc tế, các đoàn Phật tử Việt kiều, đặc biệt là các Việt kiều trở về từ các vùng dịch.
Khi mở cửa trở lại, các đơn vị vẫn tuân thủ việc giãn cách tối đa để phòng, chống dịch Covid-19. Tại rạp chiếu phim quốc gia hay rạp BHD Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa, Hà Nội), dung dịch sát khuẩn được trang bị từ khu vực cửa rạp, điểm bán vé, cửa phòng chiếu… Tại hệ thống rạp CGV, khán giả mua vé đứng theo vạch với khoảng cách 2m; ở trong rạp, cứ 2 ghế lại bỏ trống 2 ghế, nhân viên sẽ trực tiếp hướng dẫn người xem để thực hiện đúng với quy định.
Chia sẻ cảm xúc sau một khoảng thời gian không thể tới rạp do dịch bệnh, anh Đặng Đức Hoàng ở quận Hà Đông cho biết: “Ngay khi thấy thông tin các rạp chiếu phim trên địa bàn Hà Nội thông báo mở cửa trở lại, tôi rất hào hứng đặt vé online và cùng bạn đi xem”. Có thể thấy, phần lớn khán giả tới rạp ngay trong những ngày đầu mở cửa là các bạn trẻ. Nhiều người tỏ ra khá vui vẻ và cho rằng đây là khoảng thời gian để xả stress sau những ngày tháng giãn cách xã hội. “Sau thời gian ở nhà khá lâu, mình muốn đến rạp chiếu phim để tận hưởng không khí phòng chiếu.
Nội dung một bộ phim không thay đổi tuy nhiên cảm giác được ngồi cùng bạn bè trước màn hình lớn, âm thanh sống động khiến mình phấn khích hơn” – Minh Hạnh (quận Thanh Xuân) chia sẻ. Theo Giám đốc Trung tâm chiếu phim Quốc gia Nguyễn Danh Dương, để bảo đảm an toàn, việc giãn cách được thực hiện ngay khi đặt vé online không để cho khách hàng ngồi liền kề nhau. Ngoài ra, toàn bộ nhân viên của rạp tuân thủ việc đeo khẩu trang và được trang bị đầy đủ kỹ năng trong trường hợp khách hàng nghi ngờ nhiễm bệnh như ho, sốt, khó thở.
Hệ thống rạp chiếu phim thực hiện nghiêm quy định về giãn cách phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Ngọc Tú
Vẫn hạn chế nhiều hoạt động
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, đại diện Ban quản lý chùa Hà (quận Cầu Giấy), phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ) cho biết, từ ngày rằm tháng 4 âm lịch (tức mùng 7/5) các cơ sở tín ngưỡng đã mở cửa trở lại để phục vụ nhu cầu lễ bái của người dân. Tuy nhiên, ngoài việc mở cửa đón khách thì các di tích không tổ chức hoạt động gì để tránh tụ tập đông người. Cụ thể, tháng 4 âm lịch là dịp lễ Phật đản nhưng chùa Hà chỉ tổ chức tụng kinh với quy mô hẹp, không tổ chức lễ tắm Phật hay các hoạt động tín ngưỡng khác. Tại phủ Tây Hồ, Trưởng tiểu Ban quản lý di tích Trương Tiến Hồi cho biết: “Ngoài ngày rằm, du khách thập phương đến vãn cảnh thưa thớt hơn so với trước. Ban quản lý cũng tuyên truyền hạn chế tiếp xúc đông người để phòng dịch, không tổ chức bất kỳ hoạt động tín ngưỡng nào”.
Ngoài cơ sở tín ngưỡng, các điểm vui chơi văn hóa phục vụ người dân dù đã mở cửa trở lại nhưng cũng gặp những khó khăn. Cụ thể, ngay sau khi mở cửa, các rạp cũng trình chiếu nhiều bộ phim đặc sắc thuộc những thể loại khác nhau, như: “Tháng năm rực rỡ,” “Anh trai yêu quái”… Nhưng chưa thể cung ứng loại hình phim hoạt hình cho trẻ em – một số lượng khán giả đông đảo của các rạp. Lý giải về điều này, Giám đốc Trung tâm chiếu phim Quốc gia Nguyễn Danh Dương cho biết: Trung tâm khá đau đầu về vấn đề cung ứng loại hình phim hoạt hình cho trẻ em vì do nhà phát hành tại nước ngoài chưa cung cấp. “Chúng tôi đang cố gắng đàm phán, cố gắng và chắc chắn trong cuối tháng này sẽ có phim mới phục vụ trẻ em. Để khắc phục, chúng tôi đang dự kiến sẽ lấy lại một vài phim cũ để chiếu nhưng khả năng đón khách là ít do phim cũ không thu hút được người xem” – ông Dương nhấn mạnh.
Theo KTĐT
Theo các chuyên gia, khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão, người dân cần nhớ và tuân thủ một số lưu ý như: kiểm tra thời tiết, giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, sử dụng đèn chiếu sáng… nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro cho bản thân và những người xung quanh.