Rau quả Việt Nam có nhiều dư địa để xuất khẩu sang Trung Quốc

Thị trường
08:17 AM 13/11/2024

Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên dự báo năm 2024, dự kiến kim ngạch rau quả xuất khẩu của Việt Nam sẽ khoảng 7,5 tỷ USD. Riêng Trung Quốc sẽ đạt trên 5 tỷ USD, chiếm khoảng 70% khối lượng.

Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm rau củ quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, chiều 12/11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Quốc với chủ đề Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm rau củ quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết Trung Quốc có dân số đông 1,4 tỷ người, là nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới nên nhu cầu tiêu thụ rau quả ngày càng rất lớn, nhất là các loại trái cây vùng nhiệt đới mà Việt Nam có lợi thế sản xuất với số lượng lớn, chất lượng tốt.

Hiện Việt Nam đang XK chính ngạch 11 loại trái cây đặc sản như sầu riêng, mít, thanh long, chuối, xoài, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, ngoài ra có thêm khoai lang, cây xạ đen. Năm 2024, dự kiến kim ngạch rau quả XK của Việt Nam sẽ khoảng 7,5 tỷ USD, riêng Trung Quốc sẽ đạt trên 5 tỷ USD, chiếm khoảng 70% khối lượng rau quả XK.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, 10 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc thu về 4,09 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 66% tổng xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Với kết quả này, chỉ trong vòng 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc đã đạt mức cao nhất và vượt giá trị xuất khẩu các năm trong giai đoạn 2013 – 2023.

Rau quả Việt Nam có nhiều dư địa để xuất khẩu sang Trung Quốc- Ảnh 1.

Các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho rau quả Việt xuất khẩu.

Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng quan tâm đến các sản phẩm nông sản rau quả sạch, an toàn, có nguồn gốc tự nhiên, giá thành hợp lý, đây là điểm mạnh của rau quả Việt Nam. Cùng đó, các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc giúp giảm thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho rau quả Việt xuất khẩu.

Các cửa khẩu ở biên giới Việt Nam nằm rất gần các chợ đầu mối bên Trung Quốc nên đã rút ngắn rất nhiều thời gian vận chuyển hàng rau quả từ nơi sản xuất đến chợ tiêu thụ phía Trung Quốc, giảm đáng kể chi phí logistics so các nước khác. Các cảng biển ở Trung Quốc cũng rất gần các cảng của Việt Nam, giúp tăng thêm tính cạnh tranh cho ngành hàng rau quả Việt Nam.

Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc có rất nhiều đối thủ cạnh tranh từ các nước khác như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Australia và một số nước ở Nam Mỹ như Chi Lê, Peru, Ecuador. Đặc biệt, một số loại như chuối, thanh long, vải, nhãn, bưởi, gừng, tỏi…, XK còn phải cạnh tranh với hàng nội địa Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của Trung Quốc ngày càng nghiêm ngặt, đòi hỏi các DN Việt Nam phải cập nhật và đáp ứng được các yêu cầu này; quy định về phytosanitary (vệ sinh thực vật) và kiểm dịch động thực vật của Trung Quốc khá phức tạp mất thời gian… Hàng rau quả XK của Việt Nam phải có mã số vùng trồng do hải quan Trung Quốc (GACC) kiểm tra cấp. Các cơ sở chế biến, đóng gói cũng phải đăng ký xin mã số của hải quan Trung Quốc cấp sau khi kiểm tra nghiêm ngặt.

“Việc tìm kiếm khách hàng và xây dựng kênh phân phối tại Trung Quốc cũng là một thách thức không nhỏ bởi đa số hàng rau quả Việt Nam được bán cho thương lái nhỏ lẻ của Trung Quốc tập trung nhiều ở biên giới phía Bắc Việt Nam. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt chưa thâm nhập sâu vào thị trường sâu trong nội địa và các tỉnh, khu vực phía Bắc Trung Quốc”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Để tận dụng tối đa tiềm năng và vượt qua các thách thức, ông Đặng Phúc Nguyên khuyến nghị doanh nghiệp cần nắm bắt thời vụ sản xuất hàng rau quả nội địa của Trung Quốc. Qua đó, có biện pháp đối phó hoặc điều chỉnh lịch sản xuất xuất khẩu hàng của Việt Nam, tránh bị cạnh tranh như thanh long, chuối, xoài, nhãn, vải, dưa hấu.

Đồng thời, cần đầu tư vào công nghệ sản xuất, chế biến, áp dụng kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc tế để bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tạo dựng hình ảnh tốt cho sản phẩm rau quả Việt Nam trên thị trường Trung Quốc nhằm chiếm trọn niềm tin người tiêu dùng vào chất lượng sản phẩm rau quả Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên - chuyên viên Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho các loại nông, thủy sản của Việt Nam nhằm mở rộng quy mô thương mại song phương theo nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao đã đạt được.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, DN nên chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu, tránh trường hợp mất thương hiệu ở thị trường nước bạn; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang hình thức thương mại điện tử chính quy; hướng tới sản xuất, XK các mặt hàng chất lượng cao, bền vững; giảm phụ thuộc, tiến tới dừng hình XK “tiểu ngạch”; theo dõi cập nhật xu hướng, thị hiếu mới của thị trường; tăng cường tiếp cận vùng.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Nhiều cơ hội để Phú Quốc trở thành điểm đến biểu tượng của châu Á Nhiều cơ hội để Phú Quốc trở thành điểm đến biểu tượng của châu Á

“Với hạ tầng, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện và khả năng tiếp cận thuận tiện, Phú Quốc có thể trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới như APEC. Phú Quốc đang ở giai đoạn vàng để phát triển toàn diện”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lữ hành G7 đánh giá.