RCEP: Cơ hội "cất cánh" của nền kinh tế Việt

Đầu tư và Tiếp thị
04:14 PM 03/02/2021

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP vừa được ký kết gần đây sẽ hình thành nên khu vực thương mại lớn nhất thế giới về kinh tế và dân số. Điều này có ý nghĩa gì lớn với Việt Nam và các nước thành viên trong khu vực.

Một phần ba GDP toàn cầu - đó là tổng GDP của các quốc gia hiện tại trong khối RCEP. RCEP là thỏa thuận thương mại lớn nhất từng được ký kết bao gồm tất cả các quốc gia ASEAN và Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, chiếm hơn 30% dân số thế giới. Đây được coi là cơ hội lớn cho Việt Nam để đẩy mạnh các hoạt động thương mại với các quốc gia trong khối khi giao thương giữa Việt Nam và các quốc gia ký kết RCEP đạt 240 tỷ USD Mỹ, chiếm gần 54.6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tính đến hết tháng 10 năm 2020.

Sau 8 năm đàm phán, hiệp định RCEP dự kiến sẽ được các bên phê chuẩn và có hiệu lực từ cuối năm 2021. RCEP mang một ý nghĩa quan trọng đối với khu vực, thậm chí là toàn cầu, trở thành động lực chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế thế giới vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Thỏa thuận góp phần gỡ bỏ những rào cản thương mại trong phạm vi khu vực, từ đó mở rộng cơ hội tăng trưởng cho mọi quy mô doanh nghiệp toàn châu Á.

RCEP: Cơ hội cất cánh của nền kinh tế Việt - Ảnh 1.

RCEP - Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới

Tại sao doanh nghiệp và nền kinh tế hưởng lợi từ hiệp định RCEP?

Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng chỉ riêng trong năm 2030, RCEP sẽ tăng thêm 186 tỷ USD thu nhập cho nền kinh tế toàn cầu. Thông qua việc giảm thiểu đáng kể những rào cản thương mại giữa các quốc gia thành viên, thỏa thuận này sẽ mở đường cho việc hợp tác và hội nhập khu vực dễ dàng hơn, tạo điều kiện để các quốc gia phát huy điểm mạnh của họ, đồng thời rút ngắn khoảng cách về năng lực khi hợp tác với các thị trường khác.

Ông Russell Reed - Giám đốc điều hành UPS Thái Lan và Việt Nam nhận định: "Một hệ thống điều luật và quy định nhất quán sẽ giúp các doanh nghiệp hạn chế được những thủ tục rườm rà, rời rạc, thậm chí là chồng chéo khi thực hiện giao dịch với các quốc gia khác nhau trong khu vực – một điều đặc biệt quan trọng cho các quốc gia hoạt động thương mại trong khối châu Á".

Ngoài việc xúc tiến các hoạt động kinh doanh, ông Russell Reed cho rằng RCEP cũng thúc đẩy việc hình thành các chuỗi cung ứng mới trong khu vực, đồng thời củng cố hơn nữa các chuỗi cung ứng hiện có. Đây không phải là một xu hướng mới, mà chính là kết quả tất yếu của những xung đột thương mại trong thời gian gần đây cũng như việc phục hồi chuỗi cung ứng hậu đại dịch đang cần những bước tiến mới.

RCEP: Cơ hội cất cánh của nền kinh tế Việt - Ảnh 2.

Ông Russell Reed - Giám đốc điều hành UPS Thái Lan và Việt Nam.

"Trước xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu về thị trường trong nước, đặc biệt trong phân khúc công nghệ cao, Việt Nam đang chứng kiến những lợi ích từ xu hướng này, với thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 5 lần kể từ năm 2010. Đối với một thị trường vốn đã hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nhờ sự ổn định chính trị và môi trường thân thiện cũng như những hỗ trợ thiết thực từ chính phủ, RCEP được kỳ vọng sẽ mang đến lợi ích bổ sung cho nỗ lực không ngừng của Việt Nam nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm, tăng cường quản lý chuỗi cung ứng và nâng cao sức hút cho các sản phẩm của Việt Nam trong khu vực. Đặc biệt đối với Việt Nam, RCEP là cơ hội lớn để đầu tư phát triển và thúc đẩy chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao - một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ ​​hiệp định này đối với khu vực và thế giới", vị chuyên gia nói.

Thông qua khuôn khổ RCEP, các doanh nghiệp có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch thương mại mà chỉ cần tuân thủ theo một hệ thống nguyên tắc duy nhất. Bên cạnh đó, các chuỗi cung ứng RCEP đạt tiêu chuẩn có thể giúp đơn giản hóa và giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, củng cố nguồn cung sản phẩm đáng tin cậy.

Vậy, thỏa thuận này là gì?

Trước khi ký kết hiệp định RCEP, các thành viên ASEAN và một vài quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải thực hiện giao dịch thương mại dựa trên các thoả thuận rời rạc, thiếu nhất quán. Vì thế, dù không thể thay thế toàn bộ các thỏa thuận này nhưng hiệp định đã thống nhất một số thoả thuận thành một hệ thống nguyên tắc duy nhất, tạo ra sự nhất quán trong việc tiến hành thương mại trong khu vực, từ đó giảm thiểu "hiệu ứng tô mì" do các thoả thuận chồng chéo gây ra.

Giám đốc điều hành UPS Thái Lan và Việt Nam cho biết: "Một thay đổi đáng chú ý từ hiệp định RCEP chính là việc cắt giảm thuế ít nhất 92% cho tất cả các sản phẩm, một số sẽ được giảm ngay khi thỏa thuận có hiệu lực, một số sẽ được áp dụng trong những năm sắp tới. Tại Việt Nam, sản phẩm thuộc các ngành viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc cắt giảm thuế này".

Tuy nhiên, lợi ích to lớn nhất của RCEP nằm ở các bộ quy tắc về xuất xứ hàng hóa. Thông thường, để một sản phẩm đủ điều kiện miễn thuế theo một thỏa thuận thương mại cụ thể, sản phẩm đó phải được chứng nhận sản xuất tại quốc gia xuất khẩu. Tuy vậy, việc một sản phẩm được coi là có xuất xứ từ một quốc gia cụ thể hay không phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau xuyên suốt chuỗi cung ứng. Điều này có thể gây khó khăn đối với một hiệp định song phương liên quan đến hai nền kinh tế. Trong khi đó, với RCEP, việc xác định xuất xứ của hàng hoá dễ dàng hơn; miễn là hàng hóa xuất khẩu được sản xuất với nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc từ bất kỳ thành viên nào trong số 15 thành viên của khối, thì hàng hóa đó sẽ đủ điều kiện để được miễn thuế liên quan. Thậm chí, các doanh nghiệp chỉ cần xin một chứng chỉ xuất xứ RCEP duy nhất để vận chuyển đến bất kỳ đâu trong khối, giúp thời gian và chi phí cần thiết để nộp đơn.

Thỏa thuận cũng quy định các điều khoản liên quan đến vấn đề cạnh tranh, đưa ra các quy tắc thiết thực nhằm ngăn chặn hành vi chống cạnh tranh trong toàn khối, đồng thời cho phép các thị trường riêng lẻ duy trì một số miễn trừ nhất định trên cơ sở chính sách công hoặc lợi ích công cộng.

Tương lai ngành logistics sau màn ký kết của hiệp định RCEP

Việc ký kết RCEP mang lại cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp trong khu vực châu Á, trong việc tận dụng tối đa tiềm năng thương mại. Đặc biệt, việc kết nối các thị trường gần gũi về mặt địa lý sẽ là cơ hội quan trọng để các doanh nghiệp có quy mô nhỏ lần đầu tiên thâm nhập vào thị trường thương mại quốc tế.

RCEP: Cơ hội cất cánh của nền kinh tế Việt - Ảnh 3.

Các cam kết mở cửa thị trường sau những hiệp định như RCEP sẽ là động lực bứt phá cho ngành logistics Việt Nam

Mặc dù vậy, việc hưởng lợi từ thỏa thuận này không phải là một điều dễ dàng. Theo ông Russell Reed, để đảm bảo phát huy tiềm năng tối đa của hiệp định, các doanh nghiệp cần phải lập kế hoạch logistics thật chi tiết. Điển hình, dù là một hiệp định mang tính mở rộng, RCEP không quá cởi mở như nhiều thỏa thuận khác trong vấn đề loại bỏ các rào cản thương mại. Do đó, một số doanh nghiệp sẽ chiếm được nhiều ưu thế hơn so với những doanh nghiệp khác, tuỳ thuộc vào hàng hoá sản xuất và nơi dự định xuất khẩu đến.

Sẽ có những trường hợp thỏa thuận thương mại hiện hành giữa hai quốc gia đưa ra các điều khoản tốt hơn so với các điều khoản quy định trong RCEP, vì vậy, một số doanh nghiệp có thể linh hoạt sử dụng các quy định giao dịch khác nhau đối với các lô hàng khác nhau, tùy thuộc vào mặt hàng xuất khẩu và nơi được xuất khẩu đến.

Việc ký kết hiệp định thương mại lớn nhất thế giới chính là những tín hiệu đầy khả quan và tích cực cho các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương sẵn sàng bước vào giai đoạn tăng trưởng mới của năm 2021. Sau khi được chính thức phê chuẩn, RCEP được kỳ vọng là đòn bẩy để các doanh nghiệp thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương mở khoá những tiềm năng thương mại quốc tế mới.

PV
Ý kiến của bạn