Red Bull: Từ niềm tự hào của người Thái đến biểu tượng của sự bất bình đẳng

Quốc tế
02:56 PM 06/09/2020

Red Bull - từng là niềm tự hào của người dân Thái Lan - đang nhanh chóng trở thành biểu tượng cho sự bất bình đẳng và nổi bật trong các cuộc biểu tình chống chính phủ tại đất nước này.

Red Bull: Từ niềm tự hào của người Thái đến biểu tượng của sự bất bình đẳng - Ảnh 1.

Thức uống nổi tiếng thế giới Red Bull, niềm tự hào của người Thái

Red Bull, thức uống năng lượng bán chạy nhất thế giới, bắt nguồn từ tên và công thức từ một loại đồ uống Thái Lan có tên là Krating Daeng.

Được tạo ra bởi Chaleo Yoovidhya, người sinh ra trong một gia đình nghèo ở miền bắc đất nước, thức uống tăng lực này đã vươn ra thị trường toàn cầu khi nó được phát hiện bởi doanh nhân người Áo Dietrich Mateschitz.

Yoovidhya và Mateschitz đã tạo ra Red Bull GmbH, sau đó tiếp thị thức uống này trên toàn thế giới. Kết quả kinh doanh thành công phi thường đã khiến cả hai người đàn ông này đều trở thành tỷ phú. Con trai của Chaleo là Chalerm Yoovidhya đứng ở vị trí thứ 2 trong danh sách người giàu Thái Lan của Forbes.

Red Bull: Từ niềm tự hào của người Thái đến biểu tượng của sự bất bình đẳng - Ảnh 2.

Một người đàn ông uống một chai Krating Daeng, phiên bản chính gốc của thức uống nổi tiếng Red Bull của Thái Lan. Ảnh: Reuters

Nhưng điều từng là niềm tự hào của người dân Thái Lan đang nhanh chóng trở thành biểu tượng cho sự bất bình đẳng và nổi bật trong các cuộc biểu tình chống chính phủ tại đất nước này.

Cháu trai của Chaleo, Vorayuth Yoovidhaya, bị cáo buộc liên quan đến vụ án giết người nhưng chưa bao giờ phải ra tòa - một vụ án được nhiều người coi là một ví dụ về sự đối xử đặc biệt dành cho giới siêu giàu của đất nước.

"Thế giới, hãy giúp chúng tôi tẩy chay Red Bull và tất cả các sản phẩm liên quan của họ. Con trai của chủ sở hữu đã bị trừng phạt ở Thái Lan", một bài viết được đăng trên Twitter vào tháng 7.

Hashtag "#BoycottRedBull" bắt đầu lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội sau khi được tiết lộ vào tháng đó rằng, các cáo buộc chống lại cháu trai Vorayuth, người có biệt danh "Boss" đã bị bãi bỏ.

Vụ việc xảy ra vào tháng 9/2012, khi một chiếc Ferrari được cho là do Vorayuth cầm lái đã đâm vào một cảnh sát đi xe máy, sau đó bỏ chạy. Cảnh sát Wichean Klunprasert, người bị chiếc Ferrari kéo lê vài mét, đã tử vong do vết thương quá nặng. Rượu và cocaine được phát hiện trong cơ thể của Vorayuth.

Cảnh sát điều tra cho biết, vào thời điểm đó chiếc Ferrari đang lái với tốc độ khoảng 170 km/h thì vụ va chạm xảy ra. Vorayuth đã buộc một người nhận tội thay cho anh ta nhưng sự che đậy sớm bị lộ. Không lâu sau vụ tai nạn, gia đình Vorauth đã trả cho gia đình Wichean khoảng 100.000 USD.

Vorayuth đã bị giam giữ, nhưng khi nộp tiền bảo lãnh, anh ta từ chối tham dự các phiên tòa tiếp theo. Anh ta đã trốn khỏi Thái Lan trên một chiếc máy bay riêng. Mỗi khi lối sống xa hoa của anh ta ở Anh được đưa tin, công dân ở quê nhà lại bày tỏ sự tức giận. Việc anh thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện giải đua Công thức 1 để cổ vũ cho đội Red Bull đã đổ thêm dầu vào lửa.

Vụ án đang bị đình trệ thì bất ngờ xuất hiện một nhân chứng mới vào năm 2016, làm chứng rằng chiếc Ferrari thực sự đã chạy khoảng 70 km/h và xe máy của viên cảnh sát đã đột ngột chuyển làn trước khi vụ tai nạn xảy ra.

Nhóm công tố đã thông báo vào ngày 24/7 rằng, các cáo buộc sẽ được giảm đối với Vorayuth. Điều đó đã khiến sự tức giận của dư luận bùng nổ. Theo một cuộc thăm dò của công ty nghiên cứu Thái Lan Super Poll, 91% người được hỏi cho biết, họ không thể tin tưởng vào hệ thống tư pháp Thái Lan.

Sự thất vọng càng gia tăng khi có thông tin cho rằng TC Pharmaceutical Industries, công ty sở hữu Red Bull ở Thái Lan, đang quyên góp rất lớn cho chính phủ Thái Lan. TC Pharma đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 25/7, nói rằng Vorayuth không tham gia vào việc quản lý của công ty.

Trong một diễn biến khác, nhân chứng mới đưa ra lời khai năm 2016 đã tử vong trong một vụ tai nạn xe máy. 

Trong một bài phát biểu hồi tháng 8, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết, ông không muốn công chúng mất niềm tin vào cơ quan tư pháp hoặc quốc gia. Ông đã đảo ngược quyết định của công tố để đóng vụ án và hứa sẽ có một cuộc điều tra mới. Vào ngày 25/8, có thông tin cho rằng lệnh bắt giữ Vorayuth mới đã được thông qua.

Theo ước tính năm 2019 của Credit Suisse, 1% những người giàu Thái Lan nắm giữ khoảng 50% tài sản của quốc gia. 

P. Thủy
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người của người Hà Nội năm 2010 đạt khoảng 2 triệu đồng/tháng thì đến năm 2022 đạt 6,4 triệu đồng/tháng, tăng gấp 3 lần sau hơn 10 năm.