Rộn ràng Lễ hội Vật làng Vĩnh Khê - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Sáng 4/2, hàng nghìn du khách thập phương và người dân đổ về đình làng Vĩnh Khê (phường An Đồng, quận An Dương, TP Hải Phòng) để xem các đô vật tham gia tranh tài tại hội vật truyền thống độc đáo gần 700 năm tuổi.
Lễ hội "Vật làng Vĩnh Khê" phường An Đồng được tổ chức thường niên tại Di tích kiến trúc Nghệ thuật quốc gia Đình Vĩnh Khê. Lễ hội được hình thành từ thời nhà Trần thế kỷ 14, là nơi hội tụ, kết tinh từ việc rèn luyện quân sĩ tinh thông võ thuật cứu quốc của Nhị vị thành hoàng làng. Sau khi dân làng dựng miếu thờ hai vị phúc thần và tổ chức Lễ hội kỷ niệm, tri ân công đức của Nhị vị thành hoàng làng là Ngài Vũ Dao, Vũ Sào - là những vị tướng tài ba, bậc trung quân, ái quốc, thông tuệ, thao lược, có công giúp đỡ dân nghèo, xây dựng làng Vĩnh Khê trở thành vùng quê thái bình, hạnh phúc.
Lễ hội Vật được tổ chức trong 3 ngày đầu xuân hàng năm, ngày mùng 7 tháng Giêng là ngày chính hội, được duy trì thành thông lệ, lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Lễ hội "Vật làng Vĩnh Khê" phường An Đồng, quận An Dương là nét đẹp văn hóa của vùng Đồng Bằng Sông Hồng, thể hiện tinh thần thượng võ và là hình thức cổ vũ tinh thần rèn luyện sức khỏe để xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.
Lễ hội thể hiện rõ nét qua những nghi thức, nghi lễ trang nghiêm, long trọng và những trò chơi dân gian đầy ý nghĩa, gắn liền với tích chuyện về Thành hoàng làng. Đây là nét đẹp văn hóa thể hiện tinh thần nhân văn, độc đáo của dân "làng Vĩnh Khê", thể hiện tình cảm kính trọng của người dân với các bậc tiền nhân có công khai dân, lập ấp, bảo vệ làng xã. Với những nét độc đáo, khác lạ, Lễ hội luôn có sức hút đặc biệt với mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài thành phố đến chiêm ngưỡng, cổ vũ.
Trong Hội không phân biệt lứa tuổi, đẳng cấp (các thanh niên có thể thách đấu với những kiện tướng môn vật quốc gia, khách thập phương có thể đấu vật với người dân bản địa). Lễ hội "Vật làng Vĩnh Khê" làm sống lại những thuần phong, mỹ tục của quê hương An Dương giàu tinh thần thượng võ, giàu truyền thống cách mạng; khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam anh hùng; là Di sản Văn hóa quý hiếm của cộng đồng dân cư, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Với những nét đặc sắc văn hóa, ngày 11/9/2017 Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã chứng nhận Lễ hội "Vật làng Vĩnh Khê" là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Miếng đánh độc đáo của các đô vật. Ảnh Hồng Phong.
Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, Lễ hội "Vật làng Vĩnh Khê" Xuân Ất Tỵ 2025 đã thu hút 10 đoàn vận động viên (trong đó có Câu lạc bộ Võ - Vật Vĩnh Khê), với gần 40 vận động viên đến từ các câu lạc bộ, các trung tâm thể dục thể thao các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng và 5 quận, huyện địa bàn thành phố Hải Phòng tham gia thi đấu, tranh tài.
Lễ hội được duy trì nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp và nét văn hóa truyền thống, tôn vinh mảnh đất thượng võ Vĩnh Khê, là dịp để dân làng tỏ lòng biết ơn đối với các bậc thánh nhân, đồng thời dâng lên các lễ vật, sản vật do công sức lao động của nhân dân, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu cho mọi gia đình sức khỏe, hạnh phúc; cầu mong năm mới an khang, thịnh vượng.
Đến với Lễ hội, du khách được thưởng thức các trò chơi dân gian và các chương trình văn hóa nghệ thuật mang đậm nét bản sắc dân tộc, đồng thời được chiêm bái, vãn cảnh, dâng hương thành hoàng làng cầu sức khỏe, bình an, may mắn.
Thông qua hoạt động Lễ hội, phát huy năng lực sáng tạo và sự đoàn kết trong nhân dân, mở rộng mối quan hệ, giao lưu, quảng bá, giới thiệu hình ảnh, các giá trị văn hóa của quận An Dương với các tỉnh, thành phố trong cả nước và các quận, huyện trong thành phố.
Minh PhươngNgay sau lễ khai mạc Hội xuân với biển người đổ về núi Bà Đen trong mùng 4 Tết, Tây Ninh được dự báo sẽ tiếp tục là điểm đến hành hương hút hàng nghìn trăm ngàn tín đồ cả nước về dự lễ vía Đức Chí Tôn của đạo Cao Đài, lễ vía Thần tài và Tết Nguyên tiêu vào mùng 8-10 tháng Giêng.