'Rồng lửa' của 'lính' truyền tải điện

Doanh nghiệp - Doanh nhân
04:18 PM 11/05/2021

Đường dây 500 kV thường đi qua nhiều vị trí, địa hình rừng núi hiểm trở khiến cho việc xử lý sự cố của những người “lính truyền tải” gặp rất nhiều khó khăn. Từ đây, thiết bị bay không người lái được ra đời giúp ích rất nhiều cho công việc của “lính truyền tải”.

Từ thiết bị nhập ngoại thí điểm

Với mỗi người "lính truyền tải", công việc của họ phải thường xuyên kiểm tra định kỳ đường dây, vị trí cột nhằm phát hiện, tu sửa những hư hỏng trên hệ thống để đảm bảo cho dòng điện an toàn, thông suốt. Thông thường, công nhân phải kiểm tra định kỳ vào ban ngày ít nhất 2 lần, mỗi quý kiểm tra ban đêm ít nhất 1 lần, mỗi lần 4-5 ngày.

Nhưng câu chuyện không chỉ đơn giản đến vậy, với đặc thù của đường dây 500 kV là nguy cơ phóng điện rất lớn, đường dây đi qua nhiều vị trí, địa hình hiểm trở nên việc xử lý tình huống gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm.

photo-1620723529097

Cán bộ PTC2 đang xử lý chiếc UAV nhập ngoại. Ảnh ĐVCC

Trước tình hình ấy, ông Trần Thanh Phong- Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 (PCT2) cho hay: "Nửa cuối năm 2018, công ty đã cho nhập thiết bị bay không người lái UAV Altura Zenith ATX8 của hãng Aerialtronics (Hà Lan) sản xuất, có giá trị gần 3 tỷ đồng để thí điểm kiểm tra đường dây 220 kV, 500 kV.Trước đó cũng có một doanh nghiệp Singapore mang 4 UAV sang chào hàng nhưng phải rút lui do không khắc phục được tính năng chống nhiễu sóng điện từ đường dây 500 kV".

Thiết bị này được coi là đội bay không người lái đầu tiên của "lính truyền tải", ưu điểm là khả năng bay tối đa 40 phút ở độ cao 600m với camera nhiệt, camera độ nét cao nên dễ dàng phát hiện, nhận dạng thiết bị, mã hóa và tìm điểm sự cố… Cho đến nay, sau khi được Bộ Quốc phòng cấp phép bay (12 tháng), UAV đã bay kiểm tra 1.228 km đường dây 500 kV, 1.613 đường dây 220 kV, phát hiện được rất nhiều tình huống ảnh hưởng đến lưới điện, nhiều tình huống có thể gây nguy cơ chập cháy cao.

Nhưng bên cạnh đó, nhược điểm của thiết bị này chỉ mang tính phát hiện, nhận dạng sự cố chứ không có khả năng xử lý tại chỗ. Khi nhận dạng được sự cố, đơn vị phải thực hiện cắt điện, công nhân phải trèo lên, dùng tay gỡ chướng ngại vật hoặc "vật thể lạ" .

"Mỗi lần cắt điện mất tầm 30 phút. Mà với ngành Điện phải cắt điện là điều không ai muốn", ông Phong nói.

… đến sáng chế thiết bị bay mới

Đầu bài được lãnh đạo PCT2 đặt ra: Liệu có thể chế tạo một thiết bị bay tương đương để kéo, cắt hoặc đốt vật thể lạ mà không cần cắt điện? Ngay sau đó, công việc được giao cho Phòng Kỹ thuật công ty đảm nhiệm. Một nhóm 20 người bao gồm kỹ sư vô tuyến điện, cơ khí được tập hợp lại để hiện thực hóa ý tưởng.

Anh Nguyễn Văn Vinh, nhân viên kỹ thuật cho biết: "Chúng tôi phải lặn lội xuống tận TP. HCM để tìm những thiết bị lắp ráp cho UAV mới. May mắn thay, qua những người chơi flycam, chúng tôi được biết phụ tùng để lắp đặt một thiết bị bay không khó lắm".

Chỉ sau 3 tháng, mô hình được hoàn thiện, với màn ra mắt thử nghiệm là một tình huống con diều có khả năng gây cháy vướng trên đường dây 500 kV: "Các kỹ sư đã dùng hệ thống UAV bay thẳng từ mặt đất lên vị trí con diều. Khi tiếp cận được, hệ thống phun nhiên liệu được kích hoạt và đốt đầu phun, đánh lửa đốt cháy vật thể được phát hiện", ông Trần Thanh Phong- Giám đôc PCT2 cho biết.

photo-1620723540893

Vật thể lạ vướng vào cột điện đang được UAV tự chế xử lý. Ảnh ĐVCC

Theo các kỹ sư Công ty Truyền tải điện 2, UAV mới chế tạo có cấu tạo hai phần chính: Hệ thống bay và bộ nhiên liệu xử lý vật thể lạ. Khác với UAV nhập ngoại, thay vì có camera để phát hiện sự cố, máy bay tự chế có hệ thống bơm áp lực cao để đẩy nhiên liệu từ một bình xăng khoảng 1 lít dưới bụng máy bay, đi kèm với hệ thống đánh tia lửa điện. Hiện UAV có tầm bay khoảng 1 km, thời lượng pin cho hành trình một lần bay khoảng 20 phút liên tục. Điều quan trọng, đường dây 500 kV sẽ không bị ảnh hưởng khi UAV "khạc lửa" để xử lý vật thể lạ.

Sắp tới, các kỹ sư đang trăn trở đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế chống nhiễu cho thiết bị khi bay sát đường dây 500 kV hay việc xử lý những vật thể lớn hơn vắt vẻo trên đường dây điện mà không ảnh hưởng đến độ an toàn của thiết bị và đường dây.

Ra mắt đúng dịp kỷ niệm 25 năm đóng điện đường dây tải điện siêu cao áp Bắc- Nam mạch 1 (27/5/1994- 27/5/2019),cho đến nay, UAV tự sáng chế này đã giúp ích rất nhiều cho công việc của người "lính truyền tải", giúp tinh giản được sức người, đảm bảo an toàn cho đường dây. Trong tương lai, khi được cải tiến nhiều hơn, nó sẽ trở thành "rồng lửa" bảo vệ hiệu quả mạch máu năng lượng quốc gia- đường dây 500 kV.

Minh Đăng
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.