Rực rỡ làng nghề hoa giấy Phù Đổng
Nhờ được bao bọc bởi dòng sông Đuống nên đất đai ở xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) quanh năm tươi tốt. Tuy mới được hình thành cách đây hơn 30 năm, nhưng làng nghề cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng đã phát triển rất nhanh và là làng duy nhất trên địa bàn Thủ đô có nghề trồng loại hoa này.
Hoa giấy "nhuộm" sắc thắm một làng nghề
Quãng đường từ trung tâm Thủ đô về làng nghề trồng hoa, cây cảnh Phù Đổng chỉ khoảng 20km và khá thuận tiện trong việc di chuyển. Không ít người thích thú với những cánh đồng hoa giấy bạt ngàn dọc hai bên đường liên xã Phù Đổng - Trung Mầu.
Nhìn một cây hoa giấy nở với 5 - 7 loại màu khác nhau như: đỏ, hồng, trắng, cam, tím… mọi người không khỏi ấn tượng với khả năng sáng tạo của người dân Phù Đổng. Họ còn uốn tỉa tạo dáng, tạo thế tròn, tay bông làm tăng thêm giá trị của cây. Điều đặc biệt hơn, người dân Phù Đổng còn có bí quyết làm cho hoa nở quanh năm, bông to và sắc thắm.
Đến với làng hoa Phù Đổng, du khách được thỏa thích ngắm nhìn một không gian yên bình, lãng mạn, đủ sắc màu các loài hoa. Hoa bao trùm khắp xóm làng, hoa ngoài cánh đồng, hoa trong vườn, hoa trước cửa, hoa trang trí trong nhà. Đến tham quan làng hoa giấy Phù Đổng, được đắm mình trong một khuôn viên sinh thái thơ mộng, đầy ắp tình người, được ngắm chụp ảnh và khoe sắc cùng những bông hoa, mua sắm sản phẩm, sản vật làng quê và thưởng thức những món ẩm thực độc đáo của vùng quê ven sông Hồng là những trải nghiệm khó quên của du khách khi đến nơi đây.
Đến tham quan làng hoa giấy Phù Đổng, dù bất cứ tháng nào trong năm bạn cũng có thể ngắm hoa và chụp ảnh thỏa thích. Đặc biệt, khi vào xuân, khí trời mát mẻ, muôn hoa bắt đầu đua nở. Cả làng hoa như ngập tràn trong muôn sắc thắm của nghìn hoa khoe sắc.
Sắc hoa giấy rực rỡ. Ảnh: Phụ nữ Thủ đô
Bên cạnh đó, khi đến làng hoa giấy Phù Đổng, du khách sẽ được ghé thăm những mô hình nhà vườn, được chiêm ngưỡng những tác phẩm hoa, cây cảnh với đa dạng kích cỡ, thế dáng đặc sắc, độc đáo, là hội tụ những tinh hoa của nghệ thuật và giá trị cao.
Đó là cả quá trình, công sức được những bàn tay khéo léo của hàng trăm nghệ nhân làng nghề như phù phép, thổi hồn vào mỗi tác phẩm bằng tất cả tâm huyết yêu nghề, yêu cái đẹp của nghệ thuật.
Không chỉ vậy, khi tới làng hoa giấy Phù Đổng, du khách còn được tham gia trải nghiệm thực tế vào quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, cắt tỉa các loại hoa, cây cảnh để cảm nhận được sự tỉ mỉ, công phu, sự rèn luyện kham khổ và ý chí kiên trì thông qua những tác phẩm. Những tác phẩm đó có thể phải trải qua rất nhiều năm tháng, cũng có thể đồng hành theo suốt cả cuộc đời của những người đã cống hiến cho nghệ thuật cây cảnh. Những tác phẩm hoa, cây cảnh được tạo tác theo thế tự nhiên như: cây dáng đổ, dáng trực, dáng hoành, dáng huyền… và theo các thế cây như: thế phụ tử nghinh phong, thế ngũ phúc, thế mẫu tử, phụ tử, thế huynh đệ…
Những ngày cuối năm, làng Phù Đổng nổi bật trong không gian bát ngát của những vườn hoa sắc thắm, cây cảnh, cây thế, bonsai chen nhau nối liền từ trong làng ra tới tận chân đê. Người làng nghề tất bật trong những gánh cây cảnh dọc đường đê là những ấn tượng khó có thể nào quên cho du khách khi tới nơi đây.
Màu xanh của cây, sắc màu của các loại hoa như làm tan biến đi những lo toan của cuộc sống thường ngày. Và có lẽ, cũng chính những sắc xanh này không chỉ làm đẹp cho khung cảnh làng quê, mà còn tạo ra những sản phẩm, cây cảnh đem lại giá trị kinh tế cao và những tác phẩm nghệ thuật cây cảnh mang đậm nét văn hóa của làng nghề truyền thống Phù Đổng.
Hoa giấy "nhuộm" sắc thắm một làng nghề. Ảnh: Sưu tầm
Đưa thương hiệu làng nghề bay xa
Vào tháng 11/2020, xã Phù Đổng đã nhận được quyết định công nhận "Làng nghề cây cảnh hoa giấy Phù Đổng". Đây là niềm vinh dự, tự hào của bà con trồng hoa giấy xã Phù Đổng.
Cùng với đó, trong năm 2020 - 2021, UBND thành phố Hà Nội đã công nhận Điểm du lịch Phù Đổng. Đó là những điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh việc thực hiện "Đề án phát triển du lịch xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030". Trong đó, làng nghề trồng cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng thuộc dòng sản phẩm du lịch sinh thái.
Cùng với dòng sản phẩm du lịch văn hóa mà trọng tâm là Di tích Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng cùng Lễ hội Gióng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đây sẽ là những sản phẩm du lịch đặc trưng, giúp Phù Đổng thu hút khách du lịch.
Vì vậy, đến với xã Phù Đổng, du khách sẽ được tìm hiểu nhiều kiến thức, giá trị lịch sử gắn với những huyền thoại về thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc, mà tiêu biểu là Thánh Gióng - một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, một nhân vật còn in đậm trong tâm thức người dân.
Ngoài ra, xung quanh xã Phù Đổng còn có nhiều địa danh khác rất thú vị của huyện Gia Lâm để du khách tham quan như cánh đồng hoa cải vàng đang nở rộ ở khu vực đê Phù Đổng, thị trấn Yên Viên, xã Lệ Chi; làng nghề truyền thống dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ…
Từ chỗ chỉ có khách du lịch đến vào dịp mùa lễ hội, tham quan đầu xuân, hiện nay, xã Phù Ðổng đã có khách du lịch đến tham quan quanh năm. Dịp cuối tuần, nhiều khách du lịch kết hợp tham quan các di tích, trải nghiệm ở vườn hoa với nghỉ dưỡng tại khu sinh thái trong làng, tạo thành một tua khép kín.
Mặc dù việc chuyển đổi cơ cấu mới bắt đầu và còn không ít khó khăn, nhưng đây là lựa chọn đúng đắn, nên xã đã chuẩn bị xây dựng ứng dụng du lịch thông minh, thuyết minh bằng nhiều thứ tiếng và cung cấp internet không dây miễn phí cho du khách; tổ chức hoạt động tham quan bằng xe điện, cho thuê xe đạp... để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách tham quan.
Kinh nghiệm bỏ túi
Để đến làng Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội), có nhiều chuyến xe buýt từ trung tâm Hà Nội đến làng như tuyến xe buýt 10A, 15, 17…
Đến Phù Đổng ngoài tham quan các nhà vườn với đủ sắc màu rực rỡ của hoa giấy, du khách còn có thể tham quan nhiều di tích quốc gia như Đền Gióng, miếu Ban…
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.