Rủi ro địa chính trị đang kéo giá vàng lên cao
Rủi ro địa chính trị là nguyên nhân chủ yếu khiến nhà đầu tư lạc quan vào đà tăng của kim loại quý tuần này.
Tuần qua, giá vàng thế giới hừng hực tăng, hướng tới mức cao kỷ lục trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông leo thang. Thị trường lắng xuống vào chiều thứ Sáu khi vấp phải làn sóng bán ra sau báo cáo việc làm mạnh hơn của Mỹ được công bố.
Vàng giao ngay bắt đầu tuần giao dịch ở mức 2.661,81 USD/ounce. Giá vàng giảm nhẹ trong phiên thứ Hai, xuống mức 2.626,89 USD/ounce. Thời điểm này rất nhiều nhà đầu cơ giá đã mất bình tĩnh. Tuy nhiên, đây là mức thấp nhất trong tuần, vì giá vàng giao ngay bắt đầu tăng sau đó.
Cuộc khảo sát vàng hàng tuần mới nhất của Kitco News cho thấy các chuyên gia trong ngành ngày càng thận trọng về triển vọng ngắn hạn của vàng. Trong khi đó các nhà đầu tư vẫn lạc quan, tuy nhiên cũng ở mức độ thấp hơn một chút so với tuần trước đó.
Tuần này, 16 nhà phân tích đã tham gia khảo sát vàng của Kitco News. Chỉ một số ít chuyên gia dự báo giá vàng tăng trong tương lai gần. 7 chuyên gia dự kiến giá vàng sẽ tăng trong tuần này. Có 3 chuyên gia dự đoán giá kim loại quý này sẽ giảm. 6 nhà phân tích còn lại tin rằng vàng sẽ giao dịch ngang vào tuần này.
Trong khi đó, 176 phiếu bầu đã được bỏ trong cuộc thăm dò trực tuyến của Kitco. Phần lớn các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vàng sẽ tăng giá. 104 nhà giao dịch kỳ vọng giá vàng sẽ tăng vào tuần này, trong khi 36 người dự đoán kim loại quý sẽ giao dịch thấp hơn. Chỉ có 38 người cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục ổn định trong tuần này.
Sean Lusk - Giám đốc giao dịch phòng trừ rủi ro tại Walsh Trading - cho rằng rủi ro địa chính trị đang kéo giá vàng lên cao.
Mark Leibovit - chủ biên tạp chí VR Metals/Resource Letter cũng cho rằng giá "đang hướng đến mục tiêu 2.700 USD một ounce và đã ở rất gần rồi". Ông kỳ vọng thời gian tới, giá vàng, USD sẽ diễn biến thuận chiều và cùng đi lên.
Leibovit cho rằng có hai lý do chính kéo thị trường lên cao. Một là quan điểm lãi suất sẽ giảm. Hai là kinh tế Trung Quốc có thể cải thiện sau hàng loạt chính sách kích thích tuần qua. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới.
"Trên góc độ kỹ thuật, giá đang có xu hướng tăng trong ngắn hạn. Các vấn đề như bầu cử Tổng thống Mỹ và biến động địa chính trị khác sẽ khiến vàng tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư có nhu cầu trú ẩn", Darin Newsom - nhà phân tích thị trường tại Barchart.com khẳng định.
Marc Chandler - Giám đốc Bannockburn Global Forex - thì cho rằng giá tuần này sẽ giảm. "Nửa đầu tuần, giá có thể đi xuống, về vùng 2.580-2.600 USD. Tác động của báo cáo việc làm Mỹ sẽ kéo dài vài ngày. Nhưng đến cuối tuần, sự tập trung có thể dồn về báo cáo lạm phát, từ đó kéo giá vàng tăng trở lại", ông giải thích.
Lịch tin tức kinh tế tuần này không đặc biệt bận rộn, nhưng các nhà đầu tư vẫn sẽ chú ý đến chỉ số giá tiêu dùng Mỹ trong tháng 9, dự kiến công bố vào sáng thứ Năm. Những người tham gia thị trường sẽ xem xét liệu áp lực lạm phát có tiếp tục giảm hay không, điều này sẽ hỗ trợ cho chu kỳ nới lỏng của FED.
Những dữ liệu kinh tế nổi bật khác có thể tác động đến giá vàng tuần này bao gồm biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ gần đây nhất của FED được công bố vào chiều thứ Tư; báo cáo về tình trạng thất nghiệp hàng tuần vào thứ Năm và chỉ số giá sản xuất của Mỹ và tâm lý người tiêu dùng sơ bộ của Đại học Michigan vào sáng thứ Sáu.
Huyền My (t/h)Theo nghiên cứu về nền kinh tế số Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng, tương đương 74 tỷ USD.