Rủi ro từ trái phiếu doanh nghiệp
Trái phiếu doanh nghiệp luôn là kênh huy động vốn ưa thích của doanh nghiệp bởi huy động nhanh và ít thủ tục. Do đó, càng trong điều kiện kinh tế khó khăn thì thị trường trái phiếu doanh nghiệp càng sôi động hơn. Lợi nhuận cao luôn đi kèm với rủi ro lớn.
- DN bất động sản vẫn hút mạnh 85.500 tỷ đồng trái phiếu trong quý 3/2021
- Thị giá gấp 4 lần kể từ đầu năm, Đạt Phương đem 19 triệu cổ phiếu DPG đảm bảo phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu
- Dòng tiền từ trái phiếu đổ vào nhóm bất động sản tăng hơn 60% trong quý 3 với 52.287 tỷ đồng, Bộ Xây dựng lên tiếng cảnh báo
Lợi lớn, rủi ro lớn
Thống kê từ số liệu của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty Chứng khoán SSI trong 9 tháng năm 2021, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 443.100 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ 2020.
Lãi suất phát hành bình quân của các trái phiếu doanh nghiệp (loại trừ trái phiếu ngân hàng) trong quý III/2021 là 9,3%, giảm 1,1% so với cuối năm 2020. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay chỉ giảm khoảng 0,6 - 0,7% trong cùng giai đoạn.
Mặt bằng lãi suất thấp là động lực chính cho các doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp để có thể huy động vốn được nhanh chóng và giảm áp lực lên chi phí tài chính, khi mặt bằng lãi suất cho vay từ ngân hàng không có mức giảm tương ứng.
Nhưng khi lãi suất lên cao thì rủi ro càng lớn. Nếu như dòng tiền của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu bị hao cạn do gặp khó trong kinh doanh, khi đó khả năng thanh khoản sẽ mất, doanh nghiệp không có khả năng thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.
Một vấn đề khác khiến các nhà đầu tư lưu ý hơn tới tài sản đảm bảo cho trái phiếu doanh nghiệp là câu chuyện về "bom nợ Evergrande".
Theo chuyên gia từ SSI Research, trong thời gian qua, các loại trái phiếu doanh nghiệp được phát hành tại Việt Nam đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, nhiều loại không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán; một số doanh nghiệp công bố huy động vốn với lãi suất cao, nhưng không có phương án kinh doanh khả thi rõ ràng do vậy không đảm bảo cho khả năng trả nợ gốc và lãi sau này.
Trong ngắn hạn, rủi ro vỡ nợ đến từ các doanh nghiệp này là chưa nhiều khi thời điểm đáo hạn sẽ rơi nhiều vào năm 2023 - 2024, tuy nhiên dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện tại sẽ đẩy nhanh nguy cơ vỡ nợ từ các doanh nghiệp này, khi không thể kiểm soát được dòng tiền khiến dòng tiền bị mất cân đối.
Cụ thể, với thị trường bất động sản, thanh khoản của thị trường này có xu hướng giảm cho thấy sức hấp thụ đang suy yếu dần; các hoạt động triển khai dự án, sự kiện mở bán bị gián đoạn do dịch bệnh; hoạt động đầu tư công các dự án cơ sở hạ tầng đang chậm hơn dự kiến.
Các yếu tố này làm tăng chi phí vốn do ứ đọng, ảnh hưởng đến kế hoạch dòng tiền trả nợ gốc lãi trái phiếu của doanh nghiệp. Ngoài ra, tình trạng sẽ ngày càng tệ hơn khi nhiều trường hợp các doanh nghiệp phải phát hành thêm để có thể thanh toán nợ gốc và lãi của các khoản trái phiếu phát hành trước đó.
Bên cạnh đó, trong báo cáo về trái phiếu doanh nghiệp do FiinRatings vừa công bố cho thấy, năng lực trả nợ của doanh nghiệp bất động sản đang rất yếu, ở mức đáng lo. Các chỉ số đánh giá năng lực trả nợ vay và đòn bẩy đều đang ở mức đáng báo động.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2021, hơn 80% giá trị trái phiếu doanh nghiệp của ngành bất động sản dân cư phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết. Các doanh nghiệp này có sức khỏe tài chính rất yếu.
Trong bối cảnh nhu cầu vốn dài hạn rất lớn, và kênh tín dụng truyền thống bị siết chặt, kênh trái phiếu sẽ tiếp tục đóng vai trò là nguồn vốn trung dài hạn cho các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới. Đặc biệt, rất nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản là doanh nghiệp chưa niêm yết.
Cần kiểm soát chặt hoạt động của trái phiếu doanh nghiệp
Mới đây, Bộ Tài chính đã thực hiện một số biện pháp kiểm tra mạnh tay hơn nhằm giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ Tài chính đã chỉ đạo kiểm tra 10 công ty chứng khoán về tình hình cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, trong bối cảnh thị trường thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng các nhà đầu tư “lách” các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với mục đích mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thông qua phân phối của công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính hiện đang xây dựng Dự thảo Thông tư về hướng dẫn hoạt động tổ chức giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, có quy định công ty không phải công ty đại chúng phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm thanh toán toàn bộ gốc, lãi khi đến hạn. Theo các chuyên gia tài chính, với các biện pháp này của Bộ Tài chính, nguy cơ vỡ nợ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ được giảm thiểu tối đa.
Hoài ThươngĐể kịp thời hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất kinh doanh, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay.