Rưng rưng nước mắt… hướng về miền Tây xứ Nghệ
Hoàn lưu sau bão số 3 cộng với nước từ thượng nguồn đổ về đã và đang để lại hậu quả tàn phá hết sức nặng nề, vô cùng đau xót đối với nhân dân các xã miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An.
Nhà cửa, tài sản… của người dân bị cuốn trôi theo dòng nước lũ, nhiều xã nơi miền Tây xứ Nghệ bị cô lập, ngập lụt trên diện rộng. Đau xót hơn, còn có thiệt hại về người trong trận lũ lụt lịch sử này. Được biết, Nghệ An là tỉnh rộng lớn thuộc khu vực Bắc Trung Bộ với diện tích hơn 16.000km2, nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, hàng năm liên tục phải đối mặt với các loại hình thiên tai, mưa bão, lũ lụt và sạt lở đất....

Khung cảnh tan hoang nơi miền Tây xứ Nghệ sau trận lũ lụt lịch sử.
Tan hoang vùng rốn lũ…
Sau những ngày tháng nắng rát da rát thịt, vùng đất gió Lào lại phải hứng chịu cảnh đau thương, mất mát về người và tài sản khi nước lũ tràn về. Hoang tàn, đổ nát trong cảnh mất điện, mất nước, nhà cửa, đồ đạc, của cải… bỗng chốc không còn, chỉ còn lại sự thất thần, bàng hoàng hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người dân miền núi Nghệ An.
Đến thời điểm này, số liệu thiệt hại thống kê chưa đầy đủ do nhiều địa phương, đơn vị đang bị cô lập, mất điện, mất liên lạc, chưa báo cáo được. Bước đầu ghi nhận trên địa bàn tỉnh đã có 3 người chết, 1 người mất tích, 4 người bị thương, 417 nhà bị thiệt hại, 3.237 nhà bị ngập nước do ảnh hưởng bởi bão số 3 và mưa lớn gây ra.

Hàng ngàn ngôi nhà ngập trong biển nước, tài sản bị cuốn trôi, hư hỏng nặng nề.
Tính đến 13h ngày 24/7, các xã và lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã di dời hàng ngàn hộ dân đến nơi trú tránh an toàn. Tuy nhiện, hiện vẫn còn 30 xã đang bị cô lập hoàn toàn và cô lập một phần với 22.394 hộ/102.182 khẩu, như: Nhôn Mai với 19 thôn, bản; Tương Dương với 21 thôn, bản; Mường Xén với 22 bản; Hữu Kiệm 22 bản; Na Ngoi với 19 bản và đặc biệt là Mỹ Lý 12 bản; Bắc Lý 13 bản…
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 66 điểm sạt lở taluy; 1.702m chiều dài đường sạt lở, hư hỏng; 49 điểm sạt lở, ách tắc; 99 điểm giao thông bị ngập nước, ách tắc; 5 cầu treo bị cuốn trôi và nhiều thiệt hại khác về nông nghiệp, công nghiệp, thuỷ sản, chăn nuôi, giáo dục, y tế...

Sau khi lũ quét, nước rút tại Mường Xén - Ta Đo - Mường Ải (thuộc huyện Kỳ Sơn cũ), chỉ còn lại bùn lầy và đổ nát.
Những số liệu vừa nêu trên là minh chứng rõ ràng nhất cho sự hoang tàn, cám cảnh đầy đau thương và mất mát của người dân các xã miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An. "Nước lên nhanh lắm, không biết nước ở đâu về mà nhiều kinh khủng…Mọi đồ đạc trong nhà chưa kịp sơ tán thế là hư hỏng và trôi mất hết" – một người dân tại vùng tâm lũ xã Tương Dương buồn bã nói.
Được biết, hiện tỉnh Nghệ An đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại. Cùng với đó là các hoạt động khắc phục mưa lũ, khẩn trương huy động mọi lực lượng, phương tiện hỗ trợ di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn với quan điểm bảo vệ tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân sự để sử dụng máy bay trực thăng tiếp tế nhu yếu phẩm, lương thực, thuốc men, nước uống cho người dân ở những vùng chia cắt, cô lập, chưa thể tiếp cận bằng đường bộ.

Bộ Quốc phòng huy động 2 máy bay trực thăng tham gia cứu trợ, đưa nhu yếu phẩm, lương thực đến bà con đang kẹt trong vùng cô lập.
Đối với những địa bàn nước rút, tỉnh chỉ đạo các lực lượng nhanh chóng đến hỗ trợ người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường. Chỉ đạo ngành Y tế phải triển khai ngay các biện pháp tiêu độc khử trùng, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, không để phát sinh dịch bệnh; đồng thời đề nghị người dân chấp hành nghiêm túc hướng dẫn của chính quyền để đảm bảo an toàn tính mạng trong lũ lụt.

Các chuyến bay được duy trì liên tục tuỳ theo diễn biến thới tiết, đảm bảo lương thực, thực phẩm chống đói đến nhân dân bị cô lập trong vùng lũ.
Hướng về miền Tây xứ Nghệ
Trước sự đau thương mất mát của người dân miền núi xứ Nghệ, sáng ngày 24/7, ông Mai Văn Chính - Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác Trung ương tiếp tục đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả lũ lụt tại xã Con Cuông; đồng thời thăm hỏi, động viên và tặng quà chia sẻ với những khó khăn, mất mát của người dân tỉnh Nghệ An.
Tặng quà, chia sẻ với những mất mát, khó khăn của người dân, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính cho rằng, việc đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng của con người là trên hết. Thiên tai là điều không ai mong muốn, vì vậy mong người dân cố gắng, nỗ lực để sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, dù nước đã rút một phần nhưng người dân tuyệt đối không được chủ quan. Trên hết phải đảm bảo an toàn tính mạng; tranh thủ nước rút đến đâu dọn dẹp vệ sinh môi trường đến đó để phòng chống dịch bệnh bùng phát sau lũ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính thăm hỏi, động viên những gia đình có nhà bị ngập sâu tại xã Con Cuông. (Ảnh: Phạm Bằng/BNA)
Tiếp đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính đã đến thăm hỏi, động viên, trao quà đến hơn 300 hộ dân, với gần 1.000 nhân khẩu đang được sơ tán đến Vườn Quốc gia Pù Mát. Tại đây, Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động, tích cực, kịp thời của chính quyền trong việc sơ tán người dân đến nơi an toàn, không để thiệt hại về người; đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân.
Thăm hỏi đời sống, động viên tinh thần, chia sẻ những mất mát về tài sản của người dân, cũng như những thiếu thốn, Phó Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ trước hết, trên hết của chính quyền các cấp là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Vì vậy, Phó Thủ tướng mong và đề nghị người dân tiếp tục chấp hành nghiêm túc hướng dẫn của chính quyền, yên tâm sinh hoạt, sau khi an toàn mới được trở về nhà, không tự ý đi ra sông suối, vùng sạt lở để tránh nguy hiểm đến tính mạng…

Các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An hỗ trợ người dân khắc phục sau mưa lũ.
Chiều cùng ngày, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia tổ chức phiên họp lần thứ nhất về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn năm 2025 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo chủ trì tại điểm cầu Chính phủ.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, ông Lê Hồng Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo, ông Lê Hồng Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định: Nước rút đến đâu, tỉnh tổ chức khắc phục nhanh đến đó. Tỉnh quyết liệt chỉ đạo không để người dân nào lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, thiếu ăn, thiếu mặc.
Trước đó, phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái", "lá lành đùm lá rách" của dân tộc, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đã ra "Lời kêu gọi" ủng hộ đồng bào bị thiệt hại. Thư kêu gọi này do bà Võ Thị Minh Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An ký ban hành.
Tính đến 16h30 ngày 24/7/2025, đã có 12 tổ chức, cá nhân đến trao trực tiếp; hơn 20.000 tổ chức, cá nhân ủng hộ bằng hình thức chuyển khoản qua số tài khoản của Ban vận động quỹ cứu trợ; với tổng số tiền hơn 13,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, về nhu yếu phẩm gồm: 1,3 tấn gạo, 5 thùng sữa, 60 thùng nước khoáng và 65 thùng mỳ tôm.
Hơn bao giờ hết, giờ đây đồng bào miền Tây xứ Nghệ An rất cần sự chung tay giúp đỡ của cả nước. Mỗi đóng góp, dù nhỏ bé cũng sẽ là nguồn động viên to lớn, giúp bà con nhân dân có thể vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống và tiếp tục xây dựng tương lai. Những nghĩa cử cao đẹp, những việc làm nghĩa tình sẽ càng khẳng định giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam: Tinh thần đoàn kết, "tương thân, tương ái" và "thương người như thể thương thân"…
Thái Quảng - Hồng Quang
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trương Việt Dũng chia sẻ, kinh nghiệm của TP. Hà Nội được gói gọn trong 3 yếu tố: Đồng bộ; Dữ liệu và Chủ động trong vận hành thông suốt chính quyền địa phương 2 cấp.