Sa Thầy: Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Với lợi thế cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc và các di tích lịch sử gắn liền với những chiến công vang dội của quân và dân địa phương trong cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước, đã và đang là tiềm năng để huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn.
Nằm về phía Tây Nam tỉnh Kon Tum, cách trung tâm thành phố gần 30 km, huyện Sa Thầy có lợi thế về nhiều mặt để phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh gắn với phát triển và nuôi trồng thủy sản.
Cụ thể, trên địa bàn huyện có 2 lòng hồ thủy điện lớn là Ya Ly, Plei Krông cùng nhiều hồ, đập thủy lợi với nguồn lợi thủy sản dồi dào là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sông nước gắn với nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Khai thác lợi thế đó, trên địa bàn huyện bước đầu đã hình thành một số làng chài như Đăk Wơk Yốp (xã Hơ Moong), làng Chờ (xã Ya Ly) và xây dựng được mô hình chuỗi liên kết giá trị gắn với sản xuất và tiêu thụ, chế biến cá lồng trên lòng hồ thủy điện Ya Ly.
Huyện Sa Thầy có lợi thế vượt trội so với các địa phương khác trong tỉnh và khu vực - đó là rừng nguyên sinh. Huyện có vườn Quốc gia Chư Mom Ray rộng khoảng 56.000ha với nguồn tài nguyên sinh học vô cùng đa dạng, nhiều loại thực vật, động vật quý; hệ thống thác nước hùng vĩ, đẹp lộng lẫy như thác Khỉ, thác Nàng Tiên, thác Hang Dơi, thác Chàng, thác Bêrê Y, thác 7 tầng… phân bố đều khắp trong rừng có sức hút đối với những người thích khám phá, yêu thiên nhiên, là tiềm năng lớn cho các hoạt động du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học.
Ngoài cảnh quan kỳ thú, Sa Thầy còn là địa bàn có nhiều dân tộc anh em sinh sống, trong đó các dân tộc bản địa như Ja Rai, Xê Đăng (nhóm HLăng), Rơ Mâm, Ba Na (Rơ Ngao),… cư trú tại 37/ 68 thôn, làng; chiếm trên 57 % dân số toàn huyện. Đây là các dân tộc có những nét văn hóa riêng vô cùng độc đáo và phong phú, bao gồm hệ thống lễ hội theo vòng đời người, theo mùa, cồng chiêng, múa xoang, dân ca; chữ viết; các phong tục, tập quán; kiến trúc nhà rông, nhà dài, tượng nhà mồ; trang phục, ẩm thực… Rất thuận lợi để phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Đến với nơi đây, du khách được khám phá những giá trị văn hóa từ ngàn xưa của các dân tộc bản địa Tây Nguyên; thăm làng dân tộc ít người Rơ Mâm, ngâm mình trong suối nước nóng Ia Mang.
Sa Thầy là vùng căn cứ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gắn liền nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như: Điểm cao 1015 (Charlie), Điểm cao 1049 (Delta), Khu tưởng niệm liệt sĩ Chư Tan Kra… Thêm vào đó, cách thủy điện Plei Krông 5km thuộc xã Sa Bình có Di chỉ khảo cổ Lung Leng cùng với bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn còn được lưu giữ, bảo tồn. Đây cũng là điều kiện hết sức thuận lợi để huyện Sa Thầy phát triển du lịch, qua đó, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, nâng cao đời sống người dân, đồng thời góp phần bảo vệ được môi trường tự nhiên và gìn giữ văn hóa truyền thống.
Việc đánh thức tiềm năng để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện được Đảng bộ, chính quyền huyện Sa Thầy xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong những năm tới. Trong đó, huyện sẽ tập trung khai thác hiệu quả các hoạt động về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái gắn với phát triển các mô hình đánh bắt cá tự nhiên, nuôi cá lồng, sản xuất con giống nhằm đưa huyện Sa Thầy trở thành vùng cung cấp thủy sản uy tín cho khu vực Bắc Tây Nguyên và phục vụ phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, huyện sẽ tập trung rà soát, quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2030; đầu tư các tuyến đường vào các điểm du lịch, các điểm dừng chân, điểm đến, bến đỗ; trùng tu, sửa chữa các nhà bia tưởng niệm. Địa phương cũng hỗ trợ và vận động đồng bào các DTTS duy trì, phục hồi các lễ hội truyền thống, hình thành và từng bước mở rộng các tour du lịch, các tuyến tham quan tại các làng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, làng đồng bào DTTS kiểu mẫu; vận động, hướng dẫn người dân xây dựng các mô hình du lịch tại cộng đồng, homestay.
Một trong những hướng đi được huyện Sa Thầy chú trọng đó là phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Chư Mom Ray gắn với du lịch nông nghiệp xã Mô Rai; xây dựng "thủ phủ" cây ăn quả và dược liệu tại xã Hơ Moong, làng chài Đăk Wơk Yốp thành khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu để kết nối các điểm du lịch sinh thái trên lòng hồ thủy điện Plei Krông kết hợp tham quan vườn cây ăn trái, vườn dược liệu và điểm du lịch tâm linh Charlie, Delta; xây dựng được vùng nuôi cá lồng tập trung, vùng sản xuất con giống quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao…
Tiềm năng phát triển du lịch của huyện Sa Thầy rất lớn, tuy nhiên sản phẩm du lịch đủ sức hấp dẫn và cạnh tranh chưa có. Mặt khác, điều kiện kinh tế - xã hội của huyện còn khó khăn, ngân sách Nhà nước, nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch chưa tương xứng với tiềm năng du lịch hiện có của huyện.
Do đó, để du lịch Sa Thầy thực sự cất cánh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, bên cạnh việc huyện Sa Thầy và tỉnh Kon Tum tập trung đẩy mạnh xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể để quảng bá tiềm năng, thì rất cần sự chung tay, phối hợp hỗ trợ của các cấp chính quyền, đặc biệt là sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của các doanh nghiệp lớn trên khắp cả nước, qua đó tạo điều kiện sớm đưa Sa Thầy trở thành trung tâm du lịch sinh thái - cộng đồng - lịch sử - tâm linh… của tỉnh Kon Tum.
Phùng SơnKinh tế số Việt Nam tăng trưởng hai con số, thúc đẩy chủ yếu nhờ thương mại điện tử, du lịch trực tuyến với tổng giá trị hàng hóa (GMV) đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 16% và 36 tỷ USD năm 2024…