Sách hay: Đường hoà nhập của một người Việt
Cuốn sách là những dòng hồi ký, chiêm nghiệm của tác giả Nguyễn Đình Lộc về con đường mình đã đi trong mười năm xa xứ. Đó là hành trình của sự hòa nhập. Nhưng dù hòa nhập ở bất cứ đâu, tại bất cứ chặng dừng chân nào, tác giả vẫn mang trong mình tâm thế của một người Việt.
Đường hòa nhập của một người Việt thể hiện niềm mong mỏi của tác giả: “Hy vọng rằng trang viết của tôi có thể gợi ý cho các bạn một con đường hòa nhập vào những xã hội bên kia đường biên giới. Đó là con đường chất chứa những giá trị Việt Nam”.
Bà Đặng Thị Hải Tâm - Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Phần Lan (2020 - 2023) cho biết: “Tôi hy vọng cuốn sách sẽ đến tay nhiều bạn trẻ có dự định du học, cho dù là Phần Lan, Thụy Điển, hay bất kỳ một quốc gia nào khác. Những trang viết này có nhiều gợi mở về việc liên tục trau dồi kiến thức, kỹ năng khi mới đi làm, từ các vấn đề ngoại ngữ, công nghệ cho đến cách giao tiếp và xây dựng mạng lưới quan hệ cá nhân.
Cuốn sách chính là một chuỗi câu chuyện học tập của tác giả, qua đó các bạn trẻ hiểu hơn tầm quan trọng của việc tự học khi rời xa giảng đường. Trang sách của Lộc cũng giải thích thỏa đáng những khác biệt trong lối sống và suy nghĩ giữa người Việt Nam và các quốc gia Bắc Âu, đem tới một cách nhìn giúp các thế hệ học sinh, sinh viên tiếp theo tham khảo để biết cách hòa nhập vào xã hội sở tại”.
Theo lời tác giả, trong cuộc đua marathon, kiến thức chuyên môn giống như thể lực và sức bền của vận động viên, không có nền tảng thì khó mà vượt qua 10km đầu tiên được. Ai có thể lực tốt, sức bền tốt vẫn có thể hoàn thành chặng đường, nhưng để vươn lên vào nhóm dẫn đầu thì cần nhiều hơn thế. Những người giỏi nhất sẽ thành thạo các kỹ thuật chạy, lên kế hoạch tập luyện tỉ mỉ và có một chiến lược thi đấu rõ ràng cho từng loại địa hình riêng biệt.
Người lao động khởi phát sự nghiệp bằng chuyên môn, nhưng để vươn lên, xuất sắc trong lĩnh vực của mình có lẽ chưa đủ. Những kiến thức sẽ trở nên ít giá trị nếu một chuyên gia kém giao tiếp, khó hợp tác và chẳng thể (hoặc không muốn) truyền thụ kinh nghiệm cho đồng nghiệp, cho thế hệ mai sau. Tôi đã gặp không ít hình ảnh như vậy tại nhiều môi trường quốc tế, trong đó có người Việt Nam.
Bước ra ngoài thế giới, cần làm gì và phải làm gì là những câu hỏi quan trọng. Từ khi bắt đầu sự nghiệp, tôi biết mình phải không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn. Sau nhiều năm, tôi nhận ra bản thân cần giỏi cả ngoại ngữ, có kiến thức về công nghệ và thành thạo các kỹ năng mềm. Đó chính là những điều kiện cần và đủ để một người không bị bỏ lại trong cuộc chạy marathon trên dưới bốn mươi năm trời.
Tôi viết những dòng này cho các bạn trẻ, cũng là để động viên và nhắc nhở chính bản thân mình.
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cà phê tính đến ngày 15/12 đã đạt 5,2 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ USD.