Sách lậu, sách giả "tung hoành" - hậu quả khôn lường

Lực lượng Quản lý Thị trường Hà Nội vừa tạm giữ gần 2,3 tấn bìa và ruột sách bán thành phẩm không rõ nguồn gốc có dấu hiệu là sách in lậu.

 Sách giáo khoa lậu bị lực lượng QLTT Hà Nội phát hiện. Ảnh: Tổng Cục QLTT 

Đột nhập công ty chuyên cắt, đóng quyển sách thành phẩm không rõ nguồn gốc

Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường về việc tăng cường công tác phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với hoạt động in ấn, phát hành, lưu thông xuất bản phẩm, sách giáo khoa chuẩn bị phục vụ năm học mới 2020-2021, lực lượng QLTT Hà Nội cũng đã nhanh chóng kiểm tra, rà soát và bước đầu đã có kết quả. Cụ thể, sau khi nhận được nguồn tin báo từ cơ sở, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Phòng Nghiệp vụ 3, Cục Nghiệp vụ QLTT, tổ 304 thuộc Tổng cục QLTT tiến hành kiểm tra Công ty CP dịch vụ Chính Nghĩa, do bà Nguyễn Thị Hữu làm Giám đốc tại địa chỉ A2-6 TT Bảo tàng hậu cần, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Tại hiện trường kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận, công ty trên đang tiến hành cắt, đóng quyển sách các loại sau in. Làm việc với cơ quan chức năng, đại diện Công ty CP dịch vụ Chính Nghĩa là bà Nguyễn Thị Hữu chỉ xuất trình cho Đoàn kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Qua kiểm tra, lực lượng Quản lý Thị trường phát hiện trong xưởng của công ty có 1.033 kg bìa và ruột sách bán thành phẩm mang tên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ngoài số hàng bên trong xưởng của Công ty, lực lượng QLTT còn phát hiện bên ngoài xưởng Công ty có 1.245 kg bìa và ruột sách bán thành phẩm mang tên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Toàn bộ số sách bán thành phẩm là bìa và ruột sách bà Hữu không xuất trình được hóa đơn, chứng từ và cũng không có hợp đồng kèm theo của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Trình bày với cơ quan chức năng, bà Hữu cho biết, số sách bán thành phẩm là bìa và ruột sách bên ngoài xưởng có số lượng 1.245 kg là ông Dũng gọi điện xin gửi nhờ, trong khi bà Hữu chưa đồng ý và để xem xét thì ông Dũng vẫn chở đến và để ngoài xưởng.

Kết quả, lực lượng QLTT đã phát hiện, tạm giữ 2.278 kg bìa và ruột sách bán thành phẩm chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu in lậu. Hiện, vụ việc đang được các cơ quan chức năng phối hợp làm rõ, xử lý vi phạm theo quy định.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 17 kiểm tra cơ sở kinh doanh thuộc Công ty TNHH Phú Hưng Phát, địa chỉ số 87 ngõ 1141 Giải Phóng, quận Hoàng Mai phát hiện, tạm giữ số xuất bản phẩm gồm 27.200 cuốn sách giáo khoa các loại chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu in lậu. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng phối hợp làm rõ, xử lý vi phạm theo quy định.

Hậu quả khôn lường 

Theo lực lượng chức năng, hiện tượng làm sách giả, sách lậu là vấn nạn của ngành xuất bản Việt Nam trong những năm gần đây. Giới làm lậu tung ra nhiều chiêu thức mới đẩy giá bìa lên cao rồi bán với giá rất thấp, tạo cảm giác được mua rẻ. Tuy nhiên, người mua sách giả bị thiệt hại vì chất lượng của giấy, chữ, nội dung. Do đối tượng làm lậu scan và copy mà không hiểu biết nên nội dung sách bị sai nhiều, lỗi dày đặc.

Về phía công ty sách và nhà xuất bản nơi “sản xuất” ra những cuốn sách thật cũng bị thiệt hại về kinh tế và uy tín. Họ bỏ tiền mua bản quyền, dịch, hiệu đính, biên tập, trình bày và cho ra đời những đứa con tâm huyết với bao công sức và trí tuệ và tự nhiên họ bị cướp trắng trợn. 

Cũng theo lực lượng chức năng, trên thế giới nhiều quốc gia đã có chính sách tịch thu hàng lậu, hàng nhái, đồng thời xử phạt cả những người tiêu dùng. Chúng ta cũng biết rất rõ, những bạn đọc mua sách lậu, sách giả tức là tiếp tay cho trộm cắp, là dùng hàng trộm cắp. Vô hình chung, chính các sinh viên, những nhà trí thức đang biến mình thành người tiêu thụ hàng giả, hái nhái, hàng kém chất lượng.

An Dương
Ý kiến của bạn