Sầm Sơn: Chạm tay vào giấc mơ du lịch bốn mùa
Với con số 7,05 triệu lượt khách trong năm 2022, so với tất cả các thành phố trực thuộc tỉnh thành trên cả nước thì TP Sầm Sơn là thành phố đứng đầu cả nước về số lượt khách du lịch… Hàng nghìn tỷ đồng đã được đầu tư cơ sở hạ tầng cùng nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí hấp dẫn, năm 2023 Sầm Sơn đã sẵn sàng bước vào mùa du lịch mới với tinh thần và khí thế mới.
Để Sầm Sơn vươn tầm
Trong chiến lược phát triển chung của tỉnh, Sầm Sơn luôn được xác định là đô thị du lịch đặc biệt quan trọng. Vì vậy, ngày 19/4/1963, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 50-CP về việc thành lập thị trấn Sầm Sơn trực thuộc tỉnh Thanh Hóa.
Năm 2017 theo Nghị quyết số 386/NQ –UBTVQH 14, ngày 19/4/2917 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14, Sầm Sơn được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Thanh Hóa. Đây là dấu mốc quan trọng nhất để Sầm Sơn chuyển mình mạnh mẽ.
Những năm gần đây, du khách đến với Sầm Sơn nghỉ dưỡng, tắm biển đều bày tỏ sự ngỡ ngàng trước sự "lột xác" ngoạn mục, nhất là về hạ tầng du lịch. Sầm Sơn đã, đang thay đổi từng ngày và là điểm đến lý tưởng luôn được các du khách lựa chọn.
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, với vị thế là trung tâm du lịch của tỉnh, nhằm xây dựng và phát triển Sầm Sơn đến năm 2030 trở thành thành phố du lịch biển thông minh, hiện đại, hấp dẫn, thân thiện; đến năm 2045, Sầm Sơn là đô thị du lịch vui chơi, giải trí độc đáo hàng đầu của cả nước; kết nối chặt chẽ với TP Thanh Hóa về không gian đô thị, không gian phát triển kinh tế, du lịch và dịch vụ, năm 2021, Sầm Sơn tự hào được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành một nghị quyết chuyên đề riêng về "xây dựng và phát triển TP Sầm Sơn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045". Nghị quyết đã xác định rõ đường hướng để Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế.
Năm 2022, thành phố hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch 31/31 chỉ tiêu chủ yếu mà nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đề ra; đặc biệt, thành phố đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất cao nhất từ trước đến nay với 32,2%; đón gần 7,05 triệu lượt khách, 14,4 triệu lượt ngày khách; doanh thu ước đạt 14,134 tỷ đồng, bằng 182% kế hoạch, tăng 173% so với cùng kỳ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên.
Sầm Sơn biển gọi...
Để rút ngắn câu chuyện du lịch một mùa, Sầm Sơn đã có những cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư khai thác. Chỉ trong thời gian ngắn đã có nhiều "đại bàng" về "làm tổ", đầu tư, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế khi đến với Sầm Sơn. Cùng với việc khai thác, phát huy thế mạnh phát triển du lịch nghỉ dưỡng, thành phố đã và đang phát triển sản phẩm du lịch mới, như: lễ hội Tình yêu - hòn Trống Mái, Lễ hội ánh sáng; lễ hội canival đường phố…
Sức hấp dẫn, thu hút khách của Sầm Sơn không chỉ là cảnh sắc thiên nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn. Việc phát huy tiềm năng, lợi thế phụ thuộc vào năng lực quản lý, quy hoạch, mức độ đầu tư, thu hút đầu tư, sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm - dám đột phá của vùng đất ấy. Thành phố Sầm Sơn đã và đang đổi thay từng ngày, nêu cao tinh thần nỗ lực, quyết tâm tạo dựng dáng vóc đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến hấp dẫn, thân thiện với du khách trong nước và quốc tế.
Trong chiến lược phát triển du lịch Thanh Hóa, Sầm Sơn luôn được xác định là đô thị du lịch quan trọng, cần được ưu tiên đầu tư phát triển… Vậy điều gì đủ sức hấp dẫn, mời gọi du khách ở khắp nơi đi tới và "chịu chi"? Đáp án nằm ở ngay câu trả lời cho câu hỏi: Vùng đất ấy có gì làm nên sự mới mẻ, khác biệt và quyến rũ hay không? Cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ ra sao? Văn hóa, văn minh, tình hình an ninh trật tự nơi ấy như thế nào? Đặt vấn đề như vậy để nhận ra một điều: Để du lịch phát triển bền vững, vươn tầm lớn lao cần hội đủ nhiều yếu tố, nội và ngoại lực cùng hòa quyện, thăng hoa, kết trái. Để có được một đô thị Sầm Sơn tỏa sáng, rực rỡ sắc màu như hôm nay là biết bao tâm huyết, nỗ lực, trăn trở, quyết sách, nguồn lực qua các thời kỳ.
Hơn một nửa thế kỷ, du lịch Sầm Sơn không ngừng phấn đấu vượt qua những thăng trầm, thử thách để từng bước "chạm tay vào giấc mơ - du lịch 4 mùa". Thành phố Sầm Sơn luôn bám sát định hướng, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "xây dựng và phát triển Sầm Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" với mục tiêu xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến hấp dẫn, thân thiện đối với du khách trong nước và quốc tế.
Trong những năm qua, TP Sầm Sơn thực hiện công tác quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý du lịch được tăng cường; hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại, thu hút đầu tư hiệu quả, tạo tiền đề để phát triển theo hướng thân thiện, hiện đại, văn minh.
Để Sầm Sơn phấn đấu thực hiện tốt 3 chương trình trọng tâm, 3 khâu đột phá đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020- 2025 và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng và phát triển TP Sầm Sơn như Nghị quyết 07-NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra. Trao đổi với phóng viên tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị, ông Lê Văn Tú Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn cho biết, TP Sầm Sơn sẽ phát triển 4 hành lang và 8 phân khu đô thị để tạo không gian mới cho phát triển kinh tế - xã hội, cùng với TP Thanh Hóa tạo thành 1 trong 4 trung tâm động lực kinh tế của tỉnh Thanh Hóa.
Cùng với đó TP Sầm Sơn tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ thu hút đầu tư, nhất là sự xuất hiện của các "ông lớn" tạo nên nguồn động lực to lớn cho những bước chuyển mình mạnh mẽ trên khắp bờ biển của xứ Thanh nói chung. Việc đẩy mạnh bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với xây dựng hình ảnh người Sầm Sơn văn minh, thân thiện, đẹp trong lòng bạn bè và du khách được xác định là nhiệm vụ quan trọng, vừa có tính cấp thiết, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài của TP Sầm Sơn.
Mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng và phát triển TP Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế; đẩy mạnh phát triển dịch vụ thương mại, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp - thủy sản phục vụ dịch vụ; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh phát triển văn hóa, giáo dục, y tế và văn minh đô thị; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân…Tầm nhìn đến năm 2045, Sầm Sơn là đô thị du lịch, vui chơi, giải trí độc đáo hàng đầu của cả nước; kết nối chặt chẽ với TP Thanh Hóa về không gian phát triển kinh tế, du lịch và dịch vụ.
Về vùng đất biển Sầm Sơn hôm nay, du khách sẽ không khỏi say đắm trước một vùng non nước hữu tình, thấm đẫm chiều sâu lịch sử - văn hóa và sự thay da đổi thịt từng ngày của TP biển xinh đẹp này. Phát huy tiềm năng, lợi thế, từng bước vượt qua khó khăn, thử thách, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã và đang nỗ lực phấn đấu, chung sức đồng lòng thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững, du lịch là ngành kinh tế chủ đạo, hướng đến mục tiêu xây dựng TP Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, từ đó từng bước khẳng định vị thế, sức hấp dẫn của du lịch biển xứ Thanh trên bản đồ du lịch trong cả nước và quốc tế.
Mùa du lịch biển năm nay, TP Sầm Sơn chính thức đưa vào hoạt động Quảng trường biển Sầm Sơn. Với tổng diện tích hơn 2ha, quảng trường biển được thiết kế quy mô, hoành tráng với sức chứa lên đến hơn 10 nghìn người. Điểm nhấn của quảng trường là hình ảnh trống đồng Đông Sơn - biểu tượng của nền văn hóa Đông Sơn cùng hệ thống ánh sáng hiện đại. Quảng trường biển được kỳ vọng sẽ là biểu tượng mới của du lịch Sầm Sơn, một điểm đến phồn hoa, đông vui, nhộn nhịp, nơi sẽ diễn ra những sự kiện nghệ thuật, giải trí, lễ hội lớn của khu vực miền Bắc, góp phần đưa TP biển Sầm Sơn chạm tay vào giấc mơ du lịch bốn mùa./.
Triều NguyệtBộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.