Sầm Sơn - Động lực phát triển của xứ Thanh

Địa phương
10:41 AM 20/10/2021

Trong chiến lược phát triển, tỉnh Thanh Hóa chủ trương xây dựng 4 trung tâm kinh tế động lực "Tứ Sơn", làm nhiệm vụ đầu tàu thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, gồm: Trung tâm động lực TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn; trung tâm động lực phía Nam (Khu kinh tế Nghi Sơn), trung tâm động lực phía Bắc (Thạch Thành - Bỉm Sơn), và trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn - Sao Vàng). Mỗi Sơn có lợi thế riêng, tạo thành cực tăng trưởng, là điểm nhấn trong bức tranh kinh tế của tỉnh Thanh Hóa.

Hiện các trung tâm kinh tế động lực này đang được xem là đòn bẩy giúp Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ, khai thác lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng, mở ra nhiều cơ hội mới thuận lợi, tạo sức hút cho các nhà đầu tư. Trên tinh thần đó, Phóng viên Doanh nghiệp & Tiếp thị đã có cuộc trao đổi  thẳng thắn, thú vị với ông Lương Tất Thắng - Bí thư Thành ủy Sầm Sơn về  "sức hấp dẫn"  của Sầm Sơn  đã và đang góp phần tạo nên cực tăng trưởng này.

P.V: Thưa ông Lương Tất Thắng, Bí thư Thành ủy Sầm Sơn. Những năm gần đây,  TP Sầm Sơn trỗi dậy mạnh mẽ; được xác định chức năng kết nối với TP Thanh Hóa, là tọa độ du lịch lớn. Sầm Sơn được đầu tư nhiều. Lượng khách đến với TP tăng cao.Tuy nhiên, sức hấp dẫn của Sầm Sơn chưa tương xứng. Sầm Sơn còn nhiều vấn đề phải giải quyết, cũng có nghĩa là còn nhiều dư địa để phát triển. Theo ông, để đạt được mục tiêu này, Sầm Sơn cần thực hiện những giải pháp mang tính chiến lược ra sao?

Ông Lương Tất Thắng - Bí thư Thành ủy Sầm Sơn: Nghị quyết số 58 NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ quan điểm xây dựng và phát triển Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu, một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển kinh tế phía Bắc. Ý tưởng đưa TP Sầm Sơn kết nối với TP Thanh Hóa trở thành một cực phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa là rất hay, cho thấy tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Phải kết nối TP Sầm Sơn với TP Thanh Hóa, vì đây là vùng kinh tế động lực trung tâm. Chỉ riêng điều ấy đã nói lên tất cả nhu cầu và tính cấp thiết, cũng như sự cần thiết phải kết nối TP Thanh Hóa với TP Sầm Sơn.

Thanh Hóa: " Sầm Sơn" - Động lực phát triển của xứ Thanh - Ảnh 1.

Ông Lương Tất Thắng, Bí thư Thành ủy TP. Sầm Sơn

Năm 2019 Sầm Sơn đã đón  4.950.000 lượt khách, tăng 15,5 % so với  cùng kỳ; phục vụ ăn nghỉ 9.750.000 ngày khách; doanh thu đạt 4.600 tỷ đồng, tăng 25,68% so với cùng kỳ, tăng 2,22% so với kế hoạch năm. Lượng khách, doanh thu tăng nhanh, kéo theo sự phát triển vượt bậc về dịch vụ lưu trú, ăn uống. Từ một điểm nghỉ dưỡng phân khúc bình dân, Sầm Sơn đề ra nhiều mục tiêu xa hơn là trở thành một trong những điểm du lịch quốc gia, thu hút lượng lớn dòng khách cao cấp. Đó là quá trình chuyển đổi từ lượng sang chất; đồng thời, thay đổi tư duy phát triển kinh tế du lịch, hướng đến chuyên nghiệp, đẳng cấp và hiệu quả. Nhưng do đại dịch Covid-19 kéo dài và phức tạp nên du lịch Sầm Sơn trở nên một "nốt nhạc buồn". Nói Sầm Sơn sẽ "cất cánh". Nhưng du lịch Sầm, năm 2020- 2021 đã phải "cất cánh" thật, chứ không "bay" lên được như mong muốn. (Bí thư cười vui)!

P.V: Được biết, ngoài FLC, gần đây, Sun Group khởi công tổ hợp siêu dự án Quảng trường biển ở Sầm Sơn. Đây là dấu hiệu tích cực. Ông nghĩ sao về câu chuyện thu hút các "đại bàng" về đầu tư, để định hình đẳng cấp phát triển du lịch ở Sầm Sơn và sức lan tỏa của nó trong tương lai?

 Sầm Sơn trước đây, chúng ta làm du lịch một mùa, chỉ đón khách được ba tháng, nay nâng lên hơn 5 tháng. Phải thẳng thắn thừa nhận, chất lượng phục vụ, văn hóa ứng xử, trình độ, khả năng làm du lịch chưa theo kịp với xu thế. Trong khi đó, hạ tầng thương mại yếu kém, khách đến không có gì mua sắm. Điều này TP trăn trở rất nhiều. Chỉ còn cách là thu hút đầu tư. Chúng tôi xác định rõ nội lực là quan trọng. Nhưng lĩnh vực làm du lịch mà không có ngoại lực thì không giải quyết được vấn đề căn cơ nhất. Vì ngoại lực họ mang đến cho chúng ta vốn, kinh nghiệm và tư duy "bài bản, lớp lang" nữa. Sun Group đã, đang triển khai siêu dự án Quảng trường biển Sầm Sơn. Đây là tổ hợp du lịch vui chơi nghỉ dưỡng cao cấp, với tổng diện tích 500 ha (bao gồm cả đất sông). Khi dự án này thành công, nó sẽ giải quyết được khá nhiều vấn đề cốt thiết cho Sầm Sơn: ngoài khu vui chơi giải trí cao cấp, Sun Group còn đầu tư hệ thống khách sạn hạ tầng thương mại dịch vụ đẳng cấp, một trung tâm lễ hội quốc tế quanh năm. Biến Sầm Sơn thành trung tâm thương mại mua sắm vui chơi và giải trí, bổ sung cho Sầm Sơn thêm 2 ngàn phòng nghỉ cao cấp (trước đó Sầm Sơn có 9 ngàn phòng nghỉ). Chắc chắn sẽ mang lại doanh thu cao có giá trị gia tăng lớn.

Thanh Hóa: " Sầm Sơn" - Động lực phát triển của xứ Thanh - Ảnh 2.

TP. Sầm Sơn có những bước đột phá trong phát triển du lịch những năm gần đây

 Thực tế, du lịch Sầm Sơn rất có sức hút. Nhưng vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định, đó là: phân khúc du lịch cao cấp đang còn yếu và thiếu. Ngoại trừ khu FLC ra và một vài khách sạn lớn đạt tiêu chuẩn 4 sao trở lên, thì không một cơ sở lưu trú nào có khả năng đáp ứng được nhu cầu khách cao cấp và khách nước ngoài. Và đấy là một trong những lí do vì sao giá trị gia tăng và thu ngân sách của du lịch Sầm Sơn đạt thấp.

 Từ tầm nhìn và tư duy mới của lãnh đạo Thanh Hóa, cộng với sung lực từ các nhà đầu tư tầm cỡ, dễ nhận thấy TP Sầm Sơn có cơ hội để trỗi dậy mạnh mẽ trong thập niên tới, thực hiện sứ mệnh tạo cú hích cho cả khu vực TP Thanh Hóa – Sầm Sơn và cho cả "Tứ Sơn" của Thanh Hóa phát triển.

Tôi muốn nói đến vai trò của  Tập đoàn kinh tế Sun Group, về những gì mà Tập đoàn này đã làm được ở Đà Nẳng, Hạ Long, Nha Trang và Phú Quốc. Cần được TP Sầm Sơn đúc kết thành cái gọi là "Lợi thế đi sau". Dấu ấn mà Sun Group tạo ra cho một số địa phương là đặc biệt mạnh mẽ. Có thể nói Sun Group là những "đại bàng" Việt họ không hay khoe về hoạt động của mình, họ lặng lẽ làm với tư cách là người khai mở. Đó là những phẩm chất quý. Những doanh nghiệp đầu tàu như Sun Group, Vingroup… đang góp phần thay đổi tư duy  về phát triển kinh tế, cũng như định hình đẳng cấp phát triển du lịch - dịch vụ cho Sầm Sơn nhiều hơn, đúng hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn.

"Câu chuyện" Sầm Sơn sẽ không dừng lại ở đây, mà phải tiếp tục phát huy phát triển mở rộng hơn nữa. TP tiếp tục giải quyết triệt để khâu vệ sinh môi trường; rác thải, nước thải. Phải làm gì để TP Sầm Sơn phát triển xứng tầm. Phấn đấu trong một tương lai gần TP Sầm Sơn sẽ là một TP biển du lịch hấp dẫn, thân thiện, thông minh. Hiện tại TP Sầm Sơn đã được Hiệp Hội phần mềm và Công nghệ Việt Nam trao tặng danh hiệu "Thành phố thông minh".

Từ một điểm nghỉ dưỡng phân khúc bình dân, Sầm Sơn đang đặt ra mục tiêu xa hơn là trở thành một trong những trọng điểm du lịch quốc gia, thu hút lực lượng lớn dòng khách cao cấp. Đó là quá trình chuyển đổi từ lượng sang chất; đồng thời, thay đổi trong tư duy phát triển kinh tế du lịch, hướng đến chuyên nghiệp, đẳng cấp và hiệu quả.

Có thể nói " Tứ Sơn" – 4 trung tâm kinh tế động lực của tỉnh đã, đang trở thành tâm điểm thu hút đầu tư, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và có tác động lan tỏa đối với các địa phương khác. Thành quả đó đã tiếp thêm sức mạnh to lớn cho Thanh Hóa không ngừng phát triển, là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế. TP Sầm Sơn sẽ trỗi dậy mạnh mẽ trong thập niên tới…

Xin trân trọng cảm ơn ông Lương Tất Thắng - Bí thư Thành ủy TP. Sầm Sơn đã dành cho phóng viên DN&TT cuộc phỏng vấn rất nhiều ý nghĩa này.

Yến Hoàng
Từ khóa: Thanh Hóa
Ý kiến của bạn
Thương mại di động dần trở thành xu hướng chủ đạo tại Việt Nam Thương mại di động dần trở thành xu hướng chủ đạo tại Việt Nam

Hiện nay, sự phát triển thương mại di động (M-Commerce) đang được coi là tất yếu của thương mại điện tử và dần trở thành xu hướng chủ đạo tại Việt Nam khi số lượng người sử dụng điện thoại thông minh và internet phát triển mạnh mẽ.