Sầm Sơn: Tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững

Địa phương
06:54 PM 26/02/2023

Năm 2023 có ý nghĩa rất quan trọng và là năm bản lề để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025). Do đó, ngay từ những tháng đầu năm, cấp ủy, chính quyền TP Sầm Sơn đã quyết tâm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 14-12-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

Với quyết tâm xây dựng Sầm Sơn đến năm 2025 trở thành đô thị du lịch thông minh, hấp dẫn, thân thiện; đạt tiêu chí đô thị loại II và là trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Sầm Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định 2 trong 3 chương trình trọng tâm là "Chương trình phát triển du lịch, trọng tâm là nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của dịch vụ du lịch, xây dựng hình ảnh con người Sầm Sơn văn minh, thân thiện" và "Chương trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và xây dựng thành phố thông minh".

Sầm Sơn: Tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững - Ảnh 1.

Thành phố biển Sầm Sơn nhìn từ trên cao.

Theo đó, với "Chương trình phát triển du lịch, trọng tâm là nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của dịch vụ du lịch, xây dựng hình ảnh con người Sầm Sơn văn minh, thân thiện", thành phố tập trung phát triển theo định hướng đô thị du lịch thông minh, hấp dẫn, thân thiện, dẫn đầu khu vực phía Bắc, Trung bộ về du lịch biển, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí cao cấp; xây dựng các sản phẩm du lịch mua sắm, văn hóa, tâm linh, khám phá hệ sinh thái; trở thành trung tâm đầu mối liên kết giữa các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chủ đạo, tạo sức lan tỏa ra các ngành kinh tế khác... 

Còn với "Chương trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và xây dựng thành phố thông minh", thành phố tập trung xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ theo tiêu chí đô thị loại II, triển khai thực hiện quy hoạch hướng tới đô thị loại I; hoàn chỉnh, kết nối hạ tầng giao thông với TP. Thanh Hóa, huyện Quảng Xương, huyện Hoằng Hóa và các vùng phụ cận; tiếp tục đầu tư, phát triển, nâng cấp các cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, hạ tầng bưu chính, viễn thông, ngân hàng, y tế, giáo dục...

Năm 2023, TP. Sầm Sơn tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển ngành dịch vụ, du lịch, phấn đấu được 7,2 triệu lượt khách du lịch. Theo đó, thành phố sẽ phối hợp với Hiệp hội du lịch tỉnh và các địa phương xây dựng các tour, tuyến là lịch xuất phát từ Sầm Sơn đi các huyện và tỉnh lân cận. Tích cực phối hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội và du lịch để thu hút du khách. 

Đồng thời, xây dựng kế hoạch phát triển các loại hình du lịch là thế mạnh của thành phố như tắm biển, nghỉ dưỡng, tâm linh; phát triển các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí; du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, thi đấu thể thao... Bên cạnh đó, chú trọng phát triển một số mặt hàng thủ công, mỹ nghệ và các sản phẩm OCOP của Sầm Sơn để làm quà lưu niệm cho du khách.

Ngoài ra, thành phố cũng tích cực vận động các doanh nghiệp du lịch xây dựng kế hoạch chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị vệ sinh môi trường; khuyến khích doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ hiện có và xây dựng các gói sản phẩm kích cầu với các ưu đãi, cam kết về chất lượng, các sản phẩm du lịch mới theo hướng du lịch xanh, an toàn, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu của du khách. Xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình, lễ hội quan trọng trong năm 2023, mà trọng tâm là các chương trình, sự kiện có quy mô lớn, tính kết nối cao như lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, lễ hội Tình yêu hòn Trống Mái... 

Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, tập huấn cho đội ngũ làm công tác quản lý, kinh doanh du lịch; phối hợp với các trung tâm, các trường có kinh nghiệm trong đào tạo nhân lực du lịch để thường xuyên tổ chức triển khai các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch. Tích cực vận động nhân dân tự nâng cấp hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng và nâng cao chất lượng các dịch vụ. 

Chú trọng phát triển các hoạt động thương mại theo hướng kết hợp hài hòa giữa truyền thống và thương mại, gắn với phát triển du lịch. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhất là các sản phẩm gắn với phục vụ phát triển du lịch...

Sầm Sơn: Tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững - Ảnh 2.

Nhiều khu đô thị mới đang hình thành, góp phần tạo dựng diện mạo đô thị Sầm Sơn văn minh, hiện đại.

Là đô thị du lịch nghỉ dưỡng biển, do đó việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, cũng như chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền TP. Sầm Sơn. Theo đó, thành phố đã và đang tập trung quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên. Tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch giải phóng mặt bằng các dự án sử dụng đất năm 2013 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023.

Hướng đến xây dựng đô thị hiện đại, thành phố thông minh, năm 2023, Sầm Sơn tiếp tục tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong đó, trọng tâm là hoàn thành đưa vào sử dụng dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông, hạ tầng kỹ thuật lớn, trọng điểm của thành phố, như tuyến đường 4C (đoạn từ đường Trần Hưng Đạo đến đường Vành đai phía Nam), tuyến đường trục cảnh quan Thanh Hóa – Sầm Sơn (đoạn từ Quốc lộ 10 đến đường 4C), đường Tây Sầm Sơn 5 (đoạn từ Đại lộ Nam Sông Mã đến Quốc lộ 47), đường Hai Bà Trưng (đoạn từ Đại lộ Nam Sông Mã đến đường Trần Hưng Đạo), cải tạo đường Tây Sơn (đoạn từ Toà án Nhân dân đến đường Lý Tự Trọng), đường Lê Thánh Tông (đoạn từ đường Nguyễn Trãi đến Trần Hưng Đạo, từ đường Tây Sơn 5 đến đường ven biển), đường Nguyễn Du (đoạn từ đường Lê Thánh Tông đến đê sông Mã)...

Cùng với đó, tổ chức lập dự án đầu tư các công trình trọng điểm của thành phố nhằm thực hiện Nghị quyết số 298/2022/NQ-HĐND ngày 13-7-2022 của HĐND tỉnh về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố làm cơ sở cho các bước tiếp theo. Tiếp tục đầu tư, kêu gọi đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng đô thị gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan đô thị như khu trung tâm hành chính mới; xử lý triệt để môi trường bãi rác tại phường Trung Sơn; nhà máy xử lý nước thải tập trung; cụm công nghiệp - làng nghề... 

Ngoài ra, thành phố cũng tiếp tục hoàn thiện, tăng cường cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục đào tạo hiện có gắn với thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại; nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho các bệnh viện trên địa bàn. Tiếp tục đầu tư xây dựng mới các công trình văn hóa, thể thao. Quan tâm trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa trọng điểm như đền Độc Cước, đền thờ An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu...

Có thể khẳng định, với tiềm năng, lợi thế cùng sự quyết tâm trong lãnh đạo, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, Sầm Sơn đang có "điểm tựa" vững chắc để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Từ đó, tiếp tục tạo tiền đề vững chắc để thành phố hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của cả giai đoạn 2021-2025.

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người của người Hà Nội năm 2010 đạt khoảng 2 triệu đồng/tháng thì đến năm 2022 đạt 6,4 triệu đồng/tháng, tăng gấp 3 lần sau hơn 10 năm.