Sầm Sơn: Thời cơ mới – Vận hội mới
Những ngày cuối tháng tư, dưới cái nắng nóng oi bức của những ngày đầu hè, đoàn làm báo chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với các vị lãnh đạo Thành phố Sầm Sơn, được nghe các anh chia sẽ về thời cơ, vận hội mới của Thành phố với biết bao tâm huyết. Cuộc trò chuyện diễn ra rất cởi mở, chân tình, thể hiện cái nhìn nhân sinh quan sâu sắc về cả những mặt tốt và mặt chưa tốt, để từ đó đưa ra quyết sách phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.
Từ Nghị quyết đến thực tiễn
Những tâm tư, trăn trở của lãnh đạo Thành phố đã được cụ thể hóa bằng Nghị Quyết số 07-NQ/TU được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành ngày 26-11-2021 về "Xây dựng và phát triển TP Sầm Sơn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045". Đây có thể xem là động lực để thành phố biển " Bay cao, vươn xa" trong tương lai gần.
Để đạt được các mục tiêu trên, nhiệm vụ đặt ra cho chính quyền thành phố là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thu hút đầu tư nhất là nhà đầu tư chiến lược, có năng lực và tiềm năng tài chính lớn... Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển đô thị và dịch vụ du lịch trên địa bàn.
Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, các dự án trọng điểm, mở rộng không gian đô thị và tăng tính kết nối với các địa phương khác, đặc biệt tại các khu vực kinh tế động lực. Xây dựng và phát huy tiện ích của hệ thống điều hành đô thị thông minh, gắn với xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế và xã hội số.
Xây dựng Sầm Sơn đến năm 2025 đạt tiêu chí hạ tầng đô thị loại II, trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước. Đồng thời bám sát Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa để lập, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng phát triển thành phố Sầm Sơn đến năm 2045 có tầm nhìn chiến lược và tính khả thi cao.
Theo số liệu thống kê từ UBND TP Sầm Sơn, trong 2 ngày UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ kỷ niệm 115 năm du lịch Sầm Sơn và Khai mạc du lịch biển năm 2022 (23-24/4), thành phố đã đón gần 300 nghìn lượt khách, trong đó khách nghỉ qua đêm là khoảng 130 nghìn người, doanh thu ước đạt hơn 130 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Tú, Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn cho biết: đêm khai mạc chỉ mới là bước mở màn của du lịch biển Sầm Sơn. Xuyên suốt mùa du lịch 2022, Sầm Sơn còn có rất nhiều các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc như: Lễ hội Carnival đường phố, Diễu hành mô tô phân khối lớn, Lễ hội thả diều, các chương trình nghệ thuật thứ 7 hàng tuần – SunFest Thanh Hóa kéo dài trong 4 tháng, quy tụ nhiều tên tuổi nghệ sĩ được khán giả yêu mến… hứa hẹn một mùa du lịch sôi động.
Chỉ trong các ngày nghỉ lễ dịp 30/4 -1/5, tỉnh Thanh Hóa đón 898.000 lượt khách về tham quan, du lịch mang lại doanh thu 1.960 tỷ đồng tăng 123,2% so với năm 2021, thuộc diện cao nhất cả nước. Riêng Thành phố Sầm Sơn đón 650.000 lượt khách, bãi biển ken đặc người xuống tắm, phòng nghỉ luôn trong tình trạng không đủ để phục vụ du khách từ khắp nơi đổ về.
Để Sầm Sơn " bay cao và vươn xa"
Ông Lương Tất Thắng – Bí Thư Thành phố chia sẻ: Sầm Sơn trước đây, chỉ làm du lịch một mùa, đón khách được ba tháng, nay nâng lên hơn 5 tháng. Phải thẳng thắn thừa nhận, chất lượng phục vụ, văn hóa ứng xử, trình độ, khả năng làm du lịch chưa theo kịp với xu thế. Trong khi đó, hạ tầng thương mại yếu kém, khách đến không có gì mua sắm, không có khu vui chơi, giải trí... Điều này Thành phố trăn trở rất nhiều. Chỉ còn cách là thu hút đầu tư. Chúng tôi xác định rõ nội lực là quan trọng. Nhưng làm du lịch mà không có ngoại lực thì không giải quyết được vấn đề căn cơ nhất, ngoại lực mang đến cho địa phương vốn, kinh nghiệm và tư duy "bài bản, hệ thống".
Cuối năm 2020, dự án Quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn trị giá hơn 1 tỷ USD do Sun Group đầu tư đã chính thức khởi công. Đây là tổ hợp du lịch vui chơi, nghỉ dưỡng cao cấp, với tổng diện tích 500 ha. Khi dự án này hoàn thành sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề cốt thiết cho Sầm Sơn: ngoài khu vui chơi giải trí cao cấp, Sun Group còn đầu tư hệ thống khách sạn hạ tầng thương mại dịch vụ đẳng cấp, một trung tâm lễ hội quốc tế quanh năm. Biến Sầm Sơn thành trung tâm thương mại mua sắm vui chơi và giải trí, bổ sung cho Sầm Sơn thêm 2000 phòng nghỉ cao cấp (trước đó Sầm Sơn có 9000 phòng nghỉ). Chắc chắn sẽ mang lại doanh thu cao có giá trị gia tăng lớn.
Tương lai, Sầm Sơn sẽ là thủ phủ giải trí mới, nơi diễn ra các show diễn nghệ thuật hoành tráng, những lễ hội quốc tế sôi động, sẽ là trải nghiệm thú vị để du khách mê mải cả bốn mùa trong năm. Mục tiêu của nhà đầu tư hướng tới là xóa bỏ việc kinh doanh mang tính mùa vụ, manh mún của du lịch Xứ Thanh nói chung và du lịch Sầm Sơn nói riêng, biến đô thị biển Sầm Sơn trở thành "Thành phố không ngủ", trung tâm du lịch sôi động suốt 4 mùa, từng bước vươn tầm Quốc tế.
Với tham vọng đưa Thanh Hóa trở thành "ngôi sao mới" trên bản đồ du lịch Việt Nam. Quan điểm của các nhà lãnh đạo Sun Group luôn nhất quán rằng: Phát triển du lịch phải mang tính chuỗi liên kết - chuỗi du lịch và chuỗi kết nối liên ngành. Cần có tầm nhìn về không gian và trục thời gian, về đẳng cấp phát triển, không chỉ riêng đối với du lịch Sầm Sơn mà còn với nhiều nghành nghề khác, nhiều địa phương khác. Trong quy hoạch phát triển du lịch, phải có định hướng phát triển ẩm thực, dịch vụ … Nghĩa là phải có sự liên kết chặt chẽ, lấy du lịch làm cột trụ. Với chúng tôi: Đã làm là phải "đẳng cấp", không làm "thông thường", có như vậy mới làm cho du lịch trở thành ngành mũi nhọn theo đúng nghĩa của nền kinh tế.
Có thể nói Sun Group là "đại bàng" Việt họ không hay khoe về hoạt động của mình, họ lặng lẽ làm với tư cách là người khai mở. Đó là những phẩm chất quý. Những doanh nghiệp đầu tàu như Sun Group, Vingroup… đang góp phần thay đổi tư duy về phát triển kinh tế, cũng như định hình đẳng cấp phát triển du lịch - dịch vụ cho Sầm Sơn nhiều hơn, đúng hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Khai phá "mỏ vàng" kinh tế đêm
Bên cạnh việc đưa du lịch thoát khỏi hình ảnh mùa vụ, giá rẻ, cần định hướng phát triển mạnh kinh tế đêm, "chớp" thời cơ hậu Covid–19 để phát triển du lịch. Để tận dụng thời cơ "thoát nguy" và "bứt phá", cần khẩn trương xây dựng một chương trình phát triển kinh tế đêm tổng thể, trong tổng thể chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn tới của Thanh Hoá như một nội dung ưu tiên. Kinh tế đêm có thể đóng góp tới 20 – 30% doanh thu du lịch. Đây thực sự là mỏ vàng, nếu biết cách khai thác thì kinh tế đêm Sầm Sơn sẽ bùng nổ. Lãnh đạo Thành phố nhận thấy nếu không tạo lập một môi trường du lịch "đáng tận hưởng", thì du khách sẽ không vào Sầm Sơn, không đến Thanh Hóa. Nhất là khi Thanh Hóa đang có đà, có thế, có đủ điều kiện bứt phá thì càng phải tranh thủ, tận dụng mọi nguồn lực để phát triển.
Kinh tế đêm không chỉ là hoạt động giải trí ban đêm mà là tổ hợp phát triển liên ngành, liên tuyến, phải có những điều kiện bảo đảm. Kinh tế đêm phải có sân khấu, có các show diễn và hoạt động văn hoá, giải trí đẳng cấp. Phải có chính sách đặc thù, phù hợp với kinh tế đêm chứ không phải chỉ là những luật lệ sẵn có.
Hiện tại, Sun Group đang đóng vai trò là lực lượng chủ công thúc đẩy phát triển kinh tế đêm tại Sầm Sơn với cách triển khai bài bản, đẳng cấp. Từ tầm nhìn và tư duy mới, cộng thêm xung lực từ các nhà đầu tư tầm cỡ, Sầm Sơn - Thanh Hóa đang có cơ hội "cất cánh" trỗi dậy mạnh mẽ trong thập niên tới.
Sầm Sơn đang đứng trước nhiều vận hội mới để phát triển. Hy vọng rằng, với những định hướng chiến lược của Tỉnh Thanh Hóa về phát triển Đô thị Sầm Sơn cùng nhiều dự án đang được các Tập đoàn, các nhà đầu tư lớn hàng đầu trong nước triển khai, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Sầm Sơn sẽ từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa vùng biển này sớm trở thành đô thị du lịch trọng điểm Quốc gia, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và Quốc tế./.
Yến HoàngTheo đề xuất mới, hộ cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm sẽ được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT).