Samsung Việt Nam nói gì về nguy cơ mất thị trường của các doanh nghiệp?

Doanh nghiệp - Doanh nhân
09:52 AM 15/10/2021

Đại diện Samsung Việt Nam cho biết, việc kiểm soát lưu thông hàng hoá chưa phù hợp, thiếu sự đồng bộ giữa các địa phương đã gây khó cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Ngày 14/10, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị trực tuyến với Samsung Việt Nam và hơn 20 nhà cung ứng của Samsung Việt Nam tại TP. HCM, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai.

Tại đây, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bộ Công thương là đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp tại Việt Nam thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 vừa duy trì sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trong khuông khổ hội nghị, Samsung Việt Nam và các nhà cung ứng tại Việt Nam đã có kiến nghị về một số khó khăn tiêu biểu mà đa số các doanh nghiệp đang phải đối mặt do đại dịch Covid-19.

Cụ thể bao gồm việc hoạt động dưới công suất, thậm chí có doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thiếu nhân lực, di chuyển khó khăn giữa các khu vực, nhiều khoản chi phí mới phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch...

Đáng chú ý, khi chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ, nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nếu giãn cách vẫn tiếp tục kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng. Ngoài ra, quy định, kiểm soát lưu thông hàng hoá chưa phù hợp và thiếu sự đồng bộ giữa các địa phương, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiện nay, một số quy định về phòng, chống dịch thiếu tính khả thi, không còn phù hợp với tình trạng "bình thường mới", khi mà cách tiếp cận về phòng, chống dịch đã thay đổi, và ngày càng có nhiều người tiêm đủ liều vaccine hoặc đã điều trị khỏi Covid-19.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cam kết sẽ tiếp tục phối hợp triển khai, đề xuất, kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp. Đặc biệt, tập trung về các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất hiện nay, như bổ sung nguồn nhân lực sản xuất, nới lỏng quy chế di chuyển giữa các tỉnh, chính sách tiêm vaccine, giảm chi phí đầu vào, hỗ trợ các loại chi phí, thuế…

Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, Bộ sẽ là cầu nối giữa doanh nghiệp và Chính phủ, qua đó kịp thời thông tin các chính sách hỗ trợ, ưu đãi mới được ban hành cũng như tiếp thu các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Đồng thời, Thứ trưởng đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ Công thương giải đáp, xử lý các kiến nghị của Samsung và các nhà cung cấp liên quan tới việc giảm giá điện, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với hoạt động xuất nhập khẩu.

Cuối cùng, tạo thuận lợi cho công tác xuất khẩu tại các cảng biển lớn, cập nhật các quy định mới của Chính phủ liên quan tới quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid 19". Thời gian sắp tới, lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định sẽ tích cực làm việc với các địa phương nhằm tạo điều kiện cho các nhà cung ứng của Samsung tiếp tục duy trì hoạt động và nâng dần công suất.

Anh Vũ
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.