Sân bay Gia Lâm và Hòa Lạc tương lai sẽ phục vụ cả dân dụng
Bộ Chính trị thống nhất bổ sung chức năng lưỡng dụng cho các sân bay quân sự Gia Lâm, Hòa Lạc và xây dựng sân bay thứ hai ở Hà Nội.
Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Theo Bộ Chính trị, hiện nay hai sân bay Gia Lâm và Hòa Lạc chỉ phục vụ hoạt động quân sự, tương lai sẽ phục vụ cả dân dụng. Bộ Chính trị yêu cầu các cơ quan nghiên cứu thành lập sân bay thứ hai ở Hà Nội, trong đó tính toán kỹ về sự phù hợp và tác động đến kinh tế xã hội của thủ đô, các địa phương lân cận để xác định địa điểm.
TP Hà Nội cần ưu tiên triển khai sớm việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị. Riêng việc đề xuất tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đi xuyên tâm qua khu trung tâm thành phố Hà Nội, qua ga Hà Nội theo đề xuất của Ban Cán sự đảng Chính phủ, đề nghị tiếp tục nghiên cứu cẩn trọng, đánh giá tính khả thi, hiệu quả cũng như sự phù hợp, đồng bộ với Quy hoạch mạng lưới đường sắt.
Bộ Chính trị cho rằng quy hoạch cần có tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội mới, giá trị mới trong phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Hà Nội cần được tăng cường kết nối vùng, nhất là kết nối về giao thông, logistics để phát huy thế mạnh giao thông đường thủy, đường bộ, hàng không, đường sắt, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa Thủ đô với các địa phương trong vùng và cả nước.
Sân bay Gia Lâm được người Pháp xây dựng năm 1935, khánh thành một năm sau, ban đầu vừa là sân bay dân dụng và quân sự. Tháng 10/1954, Việt Nam tiếp quản sân bay và sau đó chỉ cho bay quân sự. Sân bay Hòa Lạc nằm ở huyện Thạch Thất và thị xã Sơn Tây, có 3 đường băng, mỗi đường bay dài khoảng 2.200 m.
Theo Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065, cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô tại khu vực phía Nam của trục cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5B, giữa cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 1A, đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, đường sắt Thống nhất Bắc - Nam và trục giao thông kinh tế phía Nam, thuộc địa bàn một số xã của huyện Ứng Hòa (TP. Hà Nội). Thời gian dự kiến đầu tư xây dựng sân bay thứ 2 vào năm 2040, đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2050.
Nguyên Thứ trưởng Xây dựng Trần Ngọc Chính cho rằng Hà Nội là Thủ đô của đất nước 100 triệu dân, dân số theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung cũng sẽ tăng lên 12-13 triệu nên việc xây dựng sân bay thứ hai là cần thiết. Tuy nhiên, làm sân bay diện tích lên đến 1.300-1.500 ha thì phải quy hoạch từ bây giờ để giữ đất, vì chỉ 5 năm nữa sẽ không còn đất để xây. Trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô cần xác định chính xác vị trí xây dựng sân bay thứ hai.
Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không toàn quốc với 30 cảng đến năm 2030 và hình thành 33 cảng đến năm 2050 công bố tháng 7/2023. Vùng Thủ đô Hà Nội dự kiến bổ sung cảng nội địa thứ hai để hỗ trợ sân bay Nội Bài khi đạt quy mô khoảng 100 triệu hành khách mỗi năm, đáp ứng mục tiêu hình thành hai trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế tầm cỡ khu vực tại vùng Hà Nội và TPHCM.
Huyền My (t/h)Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.