Sản lượng điện thoại di động 9 tháng chỉ đạt 143,6 triệu chiếc
Tính chung 9 tháng, sản lượng điện thoại di động đạt 143,6 triệu cái, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 năm 2023 của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, sản lượng điện thoại di động tháng 9 năm 2023 ước đạt 20,2 triệu cái, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng ti vi ước đạt 975,1 nghìn cái, tăng 5,7%; kim ngạch linh kiện điện thoại ước đạt 61,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9%.
Tính chung 9 tháng, sản lượng điện thoại di động đạt 143,6 triệu cái, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng ti vi đạt 8894 nghìn cái, tăng 10,1%; kim ngạch linh kiện điện thoại đạt 404,2 nghìn tỷ đồng, giảm 3,1%.
Nguyên nhân của sự suy giảm sản lượng một phần do thị trường xuất khẩu chịu ảnh hưởng bởi xu hướng giảm chi tiêu của người tiêu dùng toàn cầu.
Bộ Công Thương đánh giá, mức suy giảm ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có xu hướng ngày càng thu hẹp, cho thấy những tín hiệu tích cực về sự phục hồi của sản xuất cũng như xuất khẩu đối với các sản phẩm của ngành.
Báo cáo xuất nhập khẩu năm 2022 cho biết, trong năm 2022, số lượng điện thoại sản xuất ở Việt Nam ước đạt khoảng 210,5 triệu chiếc. Xuất khẩu điện thoại nguyên chiếc đạt 33,32 tỷ USD, tăng 0,67% so với năm 2021, chiếm 57,4% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng. Trong đó, xuất khẩu điện thoại Samsung đạt trên 31,42 tỷ USD, chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại nguyên chiếc của cả nước.
Theo Tổng cục Thống kê, để hoạt động sản xuất của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện thực sự phát triển bền vững, rất cần các giải pháp hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Cần sự quan tâm đầu tư, xem xét ưu đãi hỗ trợ đối với các DN trong các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm; rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam...
Hơn nữa, các doanh nghiệp sản xuất cần có bước chuyển đổi mạnh về cơ cấu ngành hàng cũng như nâng cao chất lượng, đổi mới quy trình xúc tiến thương mại cho phù hợp với tình hình mới; tăng cường đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; cần có kế hoạch phát triển dài hạn, chú trọng tới sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá; cần bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng cho nguồn nhân lực...
Minh An (t/h)VNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.