Sản lượng và tiêu thụ thép trong nước phục hồi mạnh mẽ
Sản xuất và tiêu thụ thép nội địa quý I/2025 ghi nhận mức tăng trưởng tích cực nhờ đà phục hồi kinh tế và giải ngân đầu tư công mạnh mẽ.
Sau giai đoạn trầm lắng của năm 2023 và sự phục hồi chậm trong năm 2024, quý I/2025 ghi nhận một bước tiến đáng kể về sản lượng và tiêu thụ thép nội địa.
Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép thô sản xuất đạt 5,81 triệu tấn, tăng 9,1%; thép thành phẩm đạt 7,464 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ sản xuất tăng, tiêu thụ trong nước cũng cải thiện rõ rệt với tổng lượng thép bán ra đạt 7,5 triệu tấn, tăng tới 12,2% so với quý I/2024.

Ảnh minh họa: Internet
Nhận định về kết quả trên, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng sự hồi phục này đến từ nhiều yếu tố: đầu tư công tăng tốc trở lại sau Tết, nhu cầu xây dựng dân dụng phục hồi tại các đô thị lớn, cùng với động lực từ các khu công nghiệp mới tại miền Trung và phía Nam. Đây là chỉ báo tích cực cho thấy thị trường nội địa đang trở thành điểm tựa cho toàn ngành.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công quý I/2025 ước đạt 17,6%, cao hơn cùng kỳ năm trước 2,8 điểm phần trăm. Các dự án hạ tầng lớn như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, sân bay Long Thành, và các tuyến vành đai Hà Nội, TP.HCM tạo lực cầu thép xây dựng mạnh mẽ.
Trong đó, phân khúc thép xây dựng ghi nhận tăng trưởng vượt trội: Sản xuất đạt 3,003 triệu tấn tăng 10,6%, bán hàng đạt 3,075 triệu tấn tăng 19,9%.
Đứng đầu thị phần thép xây dựng quý I/2025 vẫn là Hòa Phát với 1,191.729 tấn, chiếm 38,76% thị phần, Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP (VNSteel) đứng thứ 2 với 355.660 tấn, chiếm 11,57% thị phần, theo sau là Việt Đức, Vinakyoei và POSCO Yamato Vina.
Ở các phân khúc khác, sản lượng ống thép sản xuất đạt 579 ngàn tấn, tăng 6,9%; bán hàng đạt 626 ngàn tấn, tăng 18,1%. Hòa Phát tiếp tục là nhà sản xuất dẫn đầu về sản lượng với 29,65% thị phần ống thép.
Trái ngược với thị trường nội địa khởi sắc, hoạt động xuất khẩu thép quý I/2025 của Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể, lượng thép xuất khẩu đạt 1,745 triệu tấn, giảm 18,83% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, xuất khẩu thép thành phẩm chỉ đạt 1,414 triệu tấn, giảm sâu tới 37,2% so với cùng kỳ.
Theo phân tích của VSA, nguyên nhân chủ yếu là do: Hoa Kỳ mở rộng phạm vi áp thuế theo Đạo luật 232, EU áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nghiêm ngặt hơn, Ấn Độ ban hành các biện pháp tự vệ đối với thép cuộn mạ và thép cán nguội.
"Áp lực cạnh tranh quốc tế gia tăng trong bối cảnh thị trường tiêu thụ toàn cầu có dấu hiệu chững lại, khiến nhiều doanh nghiệp thép Việt Nam phải điều chỉnh chiến lược xuất khẩu, tập trung hơn vào thị trường nội địa hoặc tìm kiếm các thị trường ngách", VSA đánh giá.
Dù phải đối mặt với không ít thử thách, các chuyên gia vẫn đánh giá cao triển vọng ngành thép Việt trong quý II và nửa cuối năm 2025.
Thứ nhất, đầu tư công được đẩy mạnh với loạt dự án hạ tầng lớn như Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, sân bay Long Thành… sẽ là đầu ra ổn định cho thép xây dựng.
Thứ hai, giá nguyên liệu có khả năng giữ ở mức thấp, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa.
Thứ ba, chính sách trong nước hỗ trợ sản xuất, đặc biệt là về tín dụng ngành vật liệu, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn trong giai đoạn phục hồi.
Tuy nhiên, muốn duy trì tăng trưởng bền vững, VSA khuyến nghị ngành thép cần làm được nhiều hơn: Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu ngoài các nước phát triển đang siết chính sách; Xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm thép Việt nhằm tăng khả năng thương lượng và giảm phụ thuộc vào bên mua; Tiếp tục xanh hóa sản xuất, vì các thị trường lớn đang gắn tiêu chuẩn khí thải vào điều kiện nhập khẩu.
Huyền My (t/h)
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định phê duyệt cập nhật danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị (đợt 5) trong các Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025.