Sản phẩm OCOP gắn kết với ngành du lịch để phát triển, tăng thêm giá trị

Tiếp thị
02:00 PM 06/12/2023

Ông Hoàng Hoa Quân - Phó Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, sản phẩm OCOP với hơn 10.000 sản phẩm ba sao trở lên, hơn 5.000 chủ thể đã được khẳng định, đây vừa là cơ hội để phát triển cho kinh tế của các địa phương vừa là giá trị mang lại cho du lịch phát triển.

Chai sẻ tại Hội nghị "Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP" ngày 5/12, tại Hà Nội do Vụ Thị trường trong nước và Tạp chí Công Thương (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức, ông Hoàng Hoa Quân đại diện ngành du lịch nhận định thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế đều có dư địa lớn để tiêu thụ các sản phẩm OCOP.

Theo thống kê ngành du lịch, năm 2022, nước ta chỉ đón được 3,5 triệu lượt khách quốc tế. Đến tháng 8 năm nay, mục tiêu này đã hoàn thành. Chưa bao giờ ngành du lịch trong hơn 60 năm hình thành và phát triển lại điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng cao như năm nay.

"Chúng tôi xin điều chỉnh là tăng lên 12 - 13 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay. Đến hết tháng 11 đã đạt được 11,2 triệu lượt khách quốc tế. Tháng 12 là tháng cao điểm đón khách du lịch quốc tế với khoảng 1,5 triệu khách. Như vậy mục tiêu này sẽ hoàn thành.

Sản phẩm OCOP gắn kết với ngành du lịch để phát triển, tăng thêm giá trị- Ảnh 1.

Ông Hoàng Hoa Quân đại diện ngành du lịch nhận định thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế đều có dư địa lớn để tiêu thụ các sản phẩm OCOP.

Đối với khách du lịch nội địa, chúng tôi đặt mục tiêu năm 2023 sẽ phục vụ khoảng 105 triệu lượt khách. Đến hết tháng 11 đã đạt được 103,2 triệu lượt khách. Như vậy còn khoảng 1 triệu lượt khách. Trong tháng 12 như mọi năm, như thời kỳ trước dịch, chúng ta sẽ đón khoảng 10 % con số của cả năm. Bởi tháng 12 gắn với rất nhiều kỳ nghỉ, dịp lễ, các hoạt động trong dịp cuối năm. Mục tiêu này chúng tôi nghĩ sẽ hoàn thành được", ông Quân khẳng định.

Tổng thu từ khách du lịch cho đến hiện nay so với mục tiêu điều chỉnh báo cáo với Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đạt được 98%. Mục tiêu tổng thu từ khách du lịch là 650 nghìn tỷ đồng.

Phó Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ thêm: "Chúng tôi đánh giá hơn 100 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến và đi, luân chuyển qua các tỉnh thành là một thị trường lớn để tiêu thụ các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. Khi đã đủ tiêu chuẩn đặc trưng cho các vùng miền, đã đạt được các tiêu chuẩn về chất lượng, chúng tôi đánh giá rằng đây là một thị trường, một kênh tiêu thụ có nhiều tiềm năng, có nhiều doanh nghiệp để cùng tham gia thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP".

Sản phẩm OCOP gắn kết với ngành du lịch để phát triển, tăng thêm giá trị- Ảnh 2.

Các đơn vị ký kết thỏa thuận hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Trong vài năm gần đây, ngành du lịch với sự chỉ đạo của Bộ trưởng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã triển khai một số hoạt động.

Khách du lịch tới mỗi địa phương có sản phẩm OCOP, nghĩa là địa phương đó đã "xuất khẩu tại chỗ" được sản phẩm. Địa phương có thể tiêu thụ hàng hóa thông qua các sự kiện, chương trình, các kênh tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, nếu như với tiêu thụ hàng hóa thông thường sẽ phải trải qua rất nhiều công đoạn từ cung cấp thông tin, marketing, xúc tiến thị trường.

Đối với du lịch có một lợi thế là người tiêu thụ tự đến với các thị trường cung cấp sản phẩm. Đấy là bản chất của ngành du lịch là xuất khẩu tại chỗ, không phải xuất khẩu ra nước ngoài mà là khách ở các nơi ngoài cái vùng miền có sản phẩm đó đến với nguồn hàng mà chúng ta cung cấp.

Không chỉ dựa trên việc tiêu thụ mặt hàng đơn thuần, những sản phẩm này còn mang yếu tố văn hóa, mang yếu tố tri thức bản địa. Nó tạo ra một sức lan tỏa. Bên cạnh việc tạo nhiều công ăn việc làm để phục vụ cho ngành du lịch thì những giá trị từ các sản phẩm OCOP thông thường tạo ra một sự lan tỏa khác.

Sản phẩm OCOP gắn kết với ngành du lịch để phát triển, tăng thêm giá trị- Ảnh 3.

Đối với sản phẩm OCOP hiện nay với hơn 10.000 sản phẩm ba sao trở lên, việc tìm giải pháp thúc đẩy tiêu thị sản phẩm OCOP luôn được Bộ Công Thương chú trọng.

Ví dụ trong chương trình phối hợp và đi kiểm tra tại các địa phương, cùng một sản phẩm chè có rất nhiều vùng sản xuất, rất nhiều địa phương sản xuất. Tuy nhiên bên cạnh sản phẩm chè, ngành du lịch lại có một cái giá trị lan tỏa khác. Đó là đồi chè, làng chè, những vùng xen kẽ giữa cây chè cổ thụ và ruộng bậc thang như ở Hoàng Su Phì, … là vùng cảnh quan.

Hiện nay ở các địa phương lại có thêm những giá trị khác. Đấy là các làng chè là các làng có nghề truyền thống xuất phát từ các đội lao động sản xuất từ ngày xưa, rồi đến vùng đảo chè Thanh Chương, đó là những vùng mà các giá trị cảnh quan tạo thêm giá trị thặng dư cho sản phẩm chè ở tất cả các tỉnh, các vùng miền.

Ông Hoàng Hoa Quân phân tích, bên cạnh giá trị của sản phẩm OCOP trực tiếp, với ngành du lịch chúng tôi tạo ra được những giá trị thặng dư khác dựa trên những giá trị cảnh quan của các vùng chuyên canh, dựa trên các tri thức bản địa, các giá trị văn hóa được lồng ghép trong các sản phẩm OCOP. Đây cũng là yếu tố tạo thêm động lực để phát triển kinh tế của các địa phương.

Đối với sản phẩm OCOP hiện nay với hơn 10.000 sản phẩm ba sao trở lên, hơn 5.000 chủ thể đã được khẳng định, đây vừa là cơ hội để phát triển cho kinh tế của các địa phương vừa là giá trị mang lại cho du lịch phát triển. Những sản phẩm OCOP này lồng ghép được các giá trị văn hóa, tri thức bản địa của các vùng, miền, làm tăng thêm giá trị các sản phẩm ngành du lịch.

Đi du lịch để khám phá thì khi đi đến một miền mới, một vùng đất mới, chúng ta biết thêm được những giá trị cảnh quan, biết thêm được giá trị nhân văn ở nơi mới. Chúng ta kể lại câu chuyện với mọi người sau khi đi về thì chính những sản phẩm OCOP là những vật thể để minh chứng cho câu chuyện.

Sản phẩm OCOP gắn kết với ngành du lịch để phát triển, tăng thêm giá trị- Ảnh 4.

Sản phẩm OCOP đồng hành với ngành du lịch để tăng thêm giá trị, tăng thêm sức bật và thể hiện thêm nét đặc trưng của mỗi một vùng miền khách du lịch đến. Với hơn 100 triệu lượt khách đi lại qua các vùng, miền trong một năm, đây là thị trường mà khách tự đến với từng điểm du lịch, với từng địa phương, chúng ta sẽ không mất quá nhiều công trong việc xúc tiến thị trường.

Để sản phẩm OCOP đồng hành với ngành du lịch, đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nói: "Chúng tôi có một số đề xuất để có thể phối hợp chặt chẽ hơn, có thể phát huy được giá trị của các địa phương và nâng cao hơn giá trị của từng sản phẩm OCOP.

Hiện nay nhu cầu đối với những tổ hợp du lịch vui chơi giải trí đã giảm đi nhiều. Khách du lịch tự tìm hiểu qua các thông tin trên mạng, tự chia sẻ và tự tìm đến những điểm đến mới. Xu thế hiện nay dịch chuyển dần về các vùng quê, đến những điểm đến mới, nơi khách du lịch tự khám phá và trải nghiệm".

Để tăng cường hiệu quả Chương trình OCOP, đại diện ngành du lịch đưa ra các gợi ý. Thứ nhất là về thông tin của các sản phẩm. Hiện nay ngành du lịch, cụ thể là các doanh nghiệp du lịch, các hiệp hội du lịch, các địa phương chưa có nhiều thông tin. Khách du lịch có thể tìm kiếm sản phẩm qua các trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, họ không cảm nhận được nét đặc trưng như khi họ đi du lịch. Nếu như tại các điểm đến du lịch có các thông tin, tốt hơn nữa là có được một vài điểm trải nghiệm thì giá trị của các sản phẩm OCOP sẽ được tăng lên rất nhiều.

Thứ hai là mặc dù chúng ta đã có hơn 10.000 sản phẩm OCOP, ở địa phương nào cũng có. Tuy nhiên điểm tập trung giới thiệu các sản phẩm OCOP ở các địa phương hiện nay chưa nhiều và đặc biệt để phục vụ được cho các đoàn khách du lịch thì lại càng hiếm. Để phục vụ cho khách du lịch không nhất thiết là phải có những tiêu chuẩn, quy định, ví dụ đạt tiêu chuẩn của Big C hay của AEON, … Tuy nhiên, phải có đủ điều kiện về hạ tầng cho các công ty du lịch đưa được khách du lịch như đường tiếp cận, có bãi đỗ xe lớn, tập hợp đa dạng các sản phẩm, … Như vậy vừa có thể giới thiện vừa kích cầu để tiêu thụ các sản phẩm OCOP của địa phương, đóng góp cho việc phát triển kinh tế, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ các sản phẩm tốt, quảng bá giá trị, tinh hoa đặc trưng cho các vùng miền của đất nước.

Mai Phương
Ý kiến của bạn