Sản phẩm OCOP gốm sứ Bát Tràng sẵn sàng “vươn mình” ra biển lớn
Qua bàn tay tài hoa của những nghệ nhân với kinh nghiệm được truyền thụ qua nhiều thế kỷ, gốm sứ Bát Tràng vốn đã nức tiếng cả nước từ xưa. Những năm gần đây, với việc áp dụng chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), gốm sứ Bát Tràng đã ngày càng khẳng định giá trị thương hiệu ngàn năm văn hiến, sẵn sàng mọi điều kiện cho hành trình “vươn mình” ra biển lớn.
Nằm cách trung tâm Thủ đô chừng 15km, làng gốm sứ Bát Tràng từ lâu đã trở thành điểm đến quen thuộc của những tín đồ yêu thích sự cổ kính, hoài niệm. Làng gốm Bát Tràng toạ lạc tại ven sông Hồng thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Đây là một trong những địa điểm mà du khách trong và ngoài nước nhất định phải ghé qua nếu đến với Thủ đô.
"Bát Tràng" trong tên gọi làng gốm sứ Bát Tràng có nghĩa là "cái sân lớn", là mảnh đất dành riêng cho chuyên môn. Theo sử sách ghi lại, làng gốm Bát Tràng được hình thành vào khoảng thế kỷ XIV – XV ở thời Lê. Tính đến nay, đây là ngôi làng gốm có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam. Dọc các nếp nhà hoài cổ của làng gốm Bát Tràng, theo những con ngõ hẹp khám phá làng nghề truyền thống, du khách có thể ghé bất kỳ đâu để tìm cho mình những tác phẩm gốm đủ loại màu sắc, hình dáng, kích thước.
OCOP chắp cánh thương hiệu gốm sứ Bát Tràng vươn xa
Nhiều năm về trước, khi đất nước bước ra khỏi thời kỳ bao cấp, Bát Tràng cũng như nhiều làng nghề khác, đối diện với nguy cơ thất truyền. Thời kỳ đó, sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ do thời bao cấp, các sản phẩm đều được bao tiêu. Người dân phải đối mặt với nguy cơ mất nghề. Nhưng rồi, với những đôi bàn tay vàng của các nghệ nhân, nét đẹp văn hóa, nghề truyền thống của làng Bát Tràng vẫn được lưu giữ đến hiện tại.
Toàn xã Bát Tràng hiện có hơn 90% hộ làm gốm, số còn lại làm các dịch vụ bổ trợ về nguyên vật liệu, màu vẽ, thợ rót… và dịch vụ trung chuyển buôn bán tại các gian hàng trưng bày trong khu chợ trung tâm của làng nghề. Những năm gần đây, nhờ ứng dụng khoa học - kỹ thuật, cải tiến công nghệ mà các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng liên tục được thay đổi mẫu mã, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Đặc biệt, với việc áp dụng chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), gốm sứ Bát Tràng đã ngày càng khẳng định giá trị thương hiệu ngàn năm văn hiến. Sản phẩm OCOP trở thành nền tảng để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm sứ Bát Tràng đầu tư có chiều sâu vào chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, vươn ra thị trường ngoài nước.
Làng nghề gốm sứ Bát Tràng hiện có một doanh nghiệp có tới 4 sản phẩm được UBND TP Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao. Đó là Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh có trụ sở tại xóm 1, xã Bát Tràng. 4 sản phẩm đó gồm: Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ, bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen, bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng, bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen.
Doanh nghiệp này đã có nhiều năm làm nghề, sản phẩm bán tại 20 quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các thị trường khó tính như Bắc Âu, Tây Âu, Mỹ, Australia, Nhật Bản. Bộ sản phẩm được công nhận 5 sao OCOP của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh khẳng định giá trị của gốm sứ Bát Tràng, giúp người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, góp phần chắp cánh thương hiệu gốm sứ Bát Tràng vươn xa.
Bà Hà Thị Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh cho biết, để giữ được nghề như ngày hôm nay, bà đã trải qua vô vàn khó khăn, có những lúc tưởng phải phá sản, đóng cửa lò gốm. Chính vì thế, khi 4 sản phẩm của công ty được công nhận 5 sao OCOP, cá nhân bà và toàn bộ công nhân viên của công ty vô cùng vui mừng.
Làng gốm sứ Bát Tràng còn có Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh ở xóm 5, xã Bát Tràng, với bộ sản phẩm gốm sứ men Suối Ngọc vinh dự nhận được danh hiệu sản phẩm OCOP đạt 5 sao cấp Quốc gia năm 2023.
Trên mỗi sản phẩm, nghệ nhân thư pháp của làng gốm Bát Tràng đã chắp bút những câu danh ngôn, triết lý của cha ông để truyền tải cho thế hệ sau. Mỗi khách hàng sẽ tự lựa chọn những điều mà mình muốn viết lên sản phẩm gốm men Suối Ngọc. Bởi vậy, mỗi sản phẩm đó sẽ là duy nhất và mang theo cá tính, ngụ ý riêng của người sở hữu.
Hồi ức lại quá trình sáng tạo nên sản phẩm đạt 5 sao OCOP, nghệ nhân Trần Đức Tân - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh chia sẻ: “Suốt nhiều năm làm nghề, tôi chưa bao giờ ngừng học hỏi để hoàn thiện hơn sản phẩm gốm của Bát Tràng. Khi biết đến chương trình OCOP, tôi biết đó là một cơ hội, thách thức cho bản thân và thương hiệu gốm của HTX Tân Thịnh.
Với những động lực đó, chúng tôi đã sáng tạo nên bộ sản phẩm gốm men Suối Ngọc. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất liệu gốm sứ truyền thống với công nghệ mạ kim loại hiện đại. Vậy nên dòng gốm này có độ bền, lại vừa có tính thẩm mỹ cao, dễ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa”, ông Tân nói.
HTX Tân Thịnh vinh dự là một trong 2 doanh nghiệp được vinh danh sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia. Đây cũng là một trong 2 doanh nghiệp của làng gốm Bát Tràng được vinh danh sản phẩm OCOP 5 sao, góp phần nâng tầm thương hiệu gốm đã có hơn 1.000 năm lịch sử.
Từ năm 2019 đến nay, huyện Gia Lâm có khoảng 119 sản phẩm trong Chương trình OCOP, trong đó có 5 sản phẩm đạt 5 sao, còn lại là 4 sao và 3 sao, tập trung vào những sản phẩm lợi thế tại các làng nghề truyền thống như: Gốm sứ Bát Tràng, dát quỳ vàng, may da Kiêu Kỵ…
Bảo tồn nét đẹp làng nghề truyền thống kết hợp với phát triển du lịch
Qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, làng gốm sứ Bát Tràng đã có những bước phát triển mạnh mẽ về sản phẩm và quy mô từ những hợp tác xã, hộ kinh doanh nhỏ lẻ phát triển lên thành các hộ kinh doanh, công ty gốm sứ nổi tiếng. Bên cạnh những mẫu mã truyền thống, những mẫu mã gốm với phong cách hiện đại cũng được đưa vào sản xuất.
Song song với việc phát triển các sản phẩm đại trà, nhiều nghệ nhân, thợ giỏi tại Bát Tràng cũng đã phục chế những tác phẩm gốm sứ cổ được sử dụng trong thời kỳ phong kiến như gốm sứ đời Lý, đời Trần, đời Mạc, đồng thời khôi phục và chế tác thành công nhiều công thức men đặc sắc.
Cho đến nay, Bát Tràng đã có hơn 200 doanh nghiệp và hơn 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh nhiều mặt hàng phong phú cả về chủng loại và kiểu dáng. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm. Xã có 140 nghệ nhân và nhiều thợ giỏi. Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được nhiều quốc gia quan tâm, ưa chuộng và có mặt ở các thị trường lớn trên thế giới như: Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Italia… Bất chấp sự thay đổi nhanh chóng của Thủ đô, làng gốm sứ Bát Tràng vẫn giữ trong mình nét hoài cổ vốn có, với những bức tường điểm chấm rêu xanh, mang sắc màu vàng đã nhuốm màu thời gian.
Những năm gần đây, thông qua chương trình OCOP, Bát Tràng đang hướng tới hình thành một trung tâm giao lưu gốm sứ giữa Hà Nội với cả nước. Với các sản phẩm OCOP, người dân cũng như khách trong và ngoài nước cũng có nhìn nhận và đánh giá về sản phẩm của Bát Tràng cụ thể hơn, thiết thực hơn và giá trị của sản phẩm sẽ được nâng lên; không chỉ góp phần đạt mục tiêu đưa Bát Tràng thành làng nghề kiểu mẫu mà còn góp phần giúp làng nghề có thêm doanh thu từ du lịch.
Nắm bắt được tiềm năng và thế mạnh của làng nghề Bát Tràng, những năm qua, Thành phố Hà Nội đã có nhiều chương trình phát triển du lịch làng nghề Bát Tràng, gắn phát triển du lịch với phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Năm 2022, nghề gốm làng Bát Tràng là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và Bát Tràng vinh dự là một trong hai điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của huyện Gia Lâm. Điều này góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch Thành phố Hà Nội. Đồng thời, đây cũng là nguồn cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Bát Tràng nói riêng và Thành phố Hà Nội nói chung quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch.
Văn phòng nông thôn mới Hà Nội đồng hành cùng bài viết này.
Ngô HuyMới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.