Sản phẩm OCOP mang đến luồng sinh khí mới cho nông nghiệp Mường Khương

Địa phương
02:15 PM 02/11/2022

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được triển khai thực hiện mạnh mẽ, thực sự đã mang luồng sinh khí mới đến cho việc phát triển cho vùng đất có nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng như huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.

Là huyện vùng cao biên giới, cách trung tâm tỉnh Lào Cai 50 km về phía Đông Bắc, Mường Khương được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ. Trên diện tích rộng 55.614 ha của huyện mà có tới 3 tiểu vùng khí hậu nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới. Bởi vậy nên khả năng phát triển sản phẩm nông nghiệp rất đa dạng. Nơi đây có những sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng như gạo Séng Cù, đậu tương vàng, lợn đen, dứa Bản Lầu, chè Shan Tuyết Thanh Bình, mận hậu Cao Sơn, lê Pha Long, tương ớt, thảo quả, tam thất v.v. Với hướng phát triển bền vững, phần lớn những sản phẩm trên đang được xây dựng thương hiệu, gắn vùng nguyên liệu với các cơ sở chế biến.

Thời gian qua, huyện Mường Khương chú trọng tập trung vào phát triển các cây trồng chủ lực của huyện theo Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ  Tỉnh uỷ Lào Cai về Chiến lược Phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, huyện tập trung phát triển 5 cây, con chủ lực gồm: cây chuối, cây dứa, cây chè, kinh tế đồi rừng và phát triển đàn lợn đen bản địa.

Trong số 5 cây trồng chủ lực của tỉnh thì huyện có tới 4 cây với tổng diện tích hơn 8.157 ha. Trong đó, diện tích chè chiếm 50% diện tích, sản lượng đạt hơn 15.000 tấn, cung cấp nguyên liệu ổn định cho 7 nhà máy chế biến trên địa bàn. Sản phẩm chè sản xuất tại huyện Mường Khương chủ yếu cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước ở Đông Âu, Trung Đông, Đài Loan, nguồn thu hơn 100 tỷ đồng/năm. Cây chè có tiềm năng phát triển rất lớn, nhất là đối với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và trình độ lao động của người dân huyện Mường Khương.

Sản phẩm Quýt là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Lào Cai và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể Quýt Mường Khương. Huyện có khoảng 60 ha trồng quýt, trong đó có 50% được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, với sản lượng 120 tạ/ha. Gạo Séng Cù nổi tiếng bởi thơm dẻo, vị ngọt đậm bởi được trồng trên núi có khí hậu mát và nguồn nước sạch với phương thức canh tác truyền thống.

Thúc đẩy phát triển OCOP chính là giúp giảm nghèo bền vững

Theo Chủ tịch UBND huyện Mường Khương Lê Ngọc Dương, xác định rõ tầm quan trọng của chương trình "Mỗi xã một sản phẩm OCOP" sẽ tạo cú hích mạnh mẽ để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa nên huyện đặc biệt quan tâm triển khai, hỗ trợ các xã, các doanh nghiệp phát triển sản phẩm. 

Sản phẩm OCOP mang đến luồng sinh khí mới cho nông nghiệp Mường Khương - Ảnh 1.

Ông Lê Ngọc Dương – Chủ tịch UBND huyện Mường Khương

Giai đoạn 2018-2021, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện đã tổ chức đánh giá ý tưởng và phân xếp hạng cho 17 sản phẩm/06 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Các sản phẩm đăng ký tham gia đều là các sản phẩm chế biến từ đặc sản, chủ lực của địa phương. Đến nay, huyện có 10 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh. Trong đó có 03 sản phẩm đạt 4 sao là Trà Việt Ô Long, Việt Hồng Trà – sản phẩm của Công ty TNHH MTV Mường Hoa; Trà Shan tuyết cổ thụ Tả Thàng – sản phẩm của Công ty cổ phần chè Cao Sơn; có 07 sản phẩm OCOP đạt 3 sao là Gạo séng cù Mường Khương – sản phẩm của HTX kinh doanh tổng hợp Mường Khương; Quýt Mường Khương – sản phẩm của HTX Nông nghiệp CNC Mường Khương; Trà xanh kim tuyên Cao Sơn, Phổ Nhĩ Cao Sơn trà – sản phẩm của Công ty cổ phần chè Cao Sơn; Thịt lợn sấy bản, ruốc lợn bản, khẩu nhục Mường Khương –  HTX Sơn Hòa.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, có 04 ý tưởng sản phẩm của huyện Mường Khương đã được Hội đồng đánh giá cấp tỉnh chấp thuận gồm Dứa Mường Khương – HTX Thịnh Phong; Thịt nạc lợn bản sấy, thịt lợn sấy vị bò khô – HTX Sơn Hòa, lạp sườn Dung Sử - Hộ kinh doanh phùng Kim Dung. Các HTX, chủ hộ kinh doanh đã hoàn thiện hồ sơ đánh giá cấp huyện, tỉnh trong tháng 10/2022.

Sản phẩm OCOP mang đến luồng sinh khí mới cho nông nghiệp Mường Khương - Ảnh 2.

Bà Hà Thị Tuyến – GĐ Công ty TNHH MTV Mường Hoa

Trong quá trình tìm hiểu về sản phẩm OCOP của Lào Cai, chúng tôi đã có dịp đến thăm Công ty TNHH MTV chè Mường Hoa. Đây là doanh nghiệp có 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao là sản phẩm trà Việt Ô Long và Việt Hồng trà công nghệ Đài Loan. Dẫn chúng tôi đi thăm vùng nguyên liệu của Công ty, Giám đốc Công ty TNHH MTV Mường Hoa Hà Thị Tuyến cho biết: "Với ý tưởng làm ra loại chè có chất lượng cao, sau khi khảo sát lấy mẫu đất mẫu nước thấy phù hợp nên Công ty quyết định chọn xã Cao Sơn để liên kết với các hộ nông dân trồng và phát triển cây trà Ô Long. Đến năm 2011, Mường Hoa bắt đầu triển khai cho nông dân trồng chè chất lượng cao theo hướng hữu cơ. Bước đầu còn gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức của người dân (chủ yếu dân tộc H'Mông - PV) còn hạn chế, chưa biết đến giá trị của cây chè, nhiều người còn không muốn trồng. Với sự kiên trì của doanh nghiệp cũng như sự giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương, dần dần bà con cũng nhận thức được cây chè là cây có nguồn thu nhập ổn định lâu dài nên cũng yên tâm hơn để phát triển loại cây này. Đến nay, cây chè trở thành cây chủ lực của huyện".

Sản phẩm OCOP mang đến luồng sinh khí mới cho nông nghiệp Mường Khương - Ảnh 3.

Đại diện Công ty của Đài Loan về thăm và kiểm tra chất lượng chè của Công ty Mường Hoa

Sản phẩm OCOP mang đến luồng sinh khí mới cho nông nghiệp Mường Khương - Ảnh 4.

Nông dân xã Cao Sơn thu hái chè

Để không ngừng nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm chè, các hộ trồng chè đã được các cơ quan chuyên môn tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hái, nhờ đó sản lượng chè tăng lên từng năm. Người trồng chè cũng yên tâm hơn khi đầu ra ổn định. Từ đó, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân và đời sống ngày một khấm khá hơn, so với loại cây trồng khác như ngô, lúa thì lợi nhuận tăng gấp 7 đến 10 lần. Công ty TNHH MTV chè Mường Hoa hợp tác với các hộ nông dân xây dựng vùng nguyên liệu chè chất lượng cao, đồng thời công ty Mường Hoa đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hộ với giá ổn định từ 12 – 18 nghìn/1kg chè búp tươi. 

Công ty chuyển giao kỹ thuật và cung ứng 1 phần giống cho nông dân trong vùng dự án là giống chè Kim Tuyên để làm trà Ô Long chất lượng cao. Dự án thực hiện tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người dân. Nhiều gia đình bà con dân tộc thiểu số ở Cao Sơn đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm, thoát nghèo, có kinh tế vững chắc. Công ty còn nhận 20 người dân Cao Sơn vào làm tại Công ty, thu nhập bình quân của mỗi công nhân đến kỹ thuật từ 10 triệu – 20 triệu đồng/ tháng.

Đến năm 2022, toàn bộ 2 xã Cao Sơn và La Pán Tẩn đã trồng được 250 ha. Khu vực này thuộc vùng quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu chè chất lượng cao của tỉnh và được công ty Mường Hoa cam kết thu mua, chế biến và bao tiêu sản phẩm. Hiện nay 250 ha chè đang trong thời gian bắt đầu cho hái, trung bình khoảng 10 -15 tấn kg chè búp tươi/ngày.

OCOP sẽ mang thương hiệu nông sản Mường Khương bay xa

Đại hội Đảng bộ huyện Mường Khương nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định "Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa an toàn, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm gắn với giảm nghèo nhanh và bền vững, đặc biệt là các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao" là một trong những bước đột phá trong cả nhiệm kỳ. Do đó, Huyện xác định phải tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình OCOP chính là tạo luồng sinh khí mới để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển vững chắc. Chương trình OCOP có thể giải quyết được những nút thắt cơ bản của người sản xuất về chất lượng sản phẩm và xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết các sản phẩm sau khi được cấp sao OCOP đều có sự phát triển cả về quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khẳng định được vị thế trên thị trường.

Sản phẩm OCOP mang đến luồng sinh khí mới cho nông nghiệp Mường Khương - Ảnh 5.

Trà Việt Ô Long và Việt Hồng Trà là sản phẩm OCOP ưu chuộng trên thị trường

Tâm đắc với chương trình OCOP, Chủ tịch UBND huyện Mường Khương Lê Ngọc Dương cho biết: "Huyện tiếp tục phát huy thế mạnh vùng cây trồng đặc sản; tăng cường công tác quy hoạch, cơ cấu lại các vùng sản xuất hàng hóa; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu hàng hóa và gắn sản xuất với công nghiệp chế biến…Đồng thời, huyện tiếp tục chủ động tìm kiếm, thu hút các các nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm".

Chủ tịch UBND huyện Mường Khương trăn trở: Thực tế cho thấy, hiện nay, việc xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP tại các HTX có những khó khăn như thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, năng lực quản trị doanh nghiệp còn yếu và thiếu… Do đó, để phát triển các sản phẩm OCOP ngày càng hiệu quả và chất lượng, huyện Mường Khương rất mong tỉnh và các ngành tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP; đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hỗ trợ phát triển sản phẩm, thương hiệu của từng sản phẩm để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn.

Phương Loan
Ý kiến của bạn