Sản phẩm OCOP Thủ đô: Khẳng định vị thế trong lòng người tiêu dùng
Hà Nội là đất bách nghệ với hơn 300 làng nghề và hàng trăm làng có nghề; cùng với đó là hàng nghìn sản vật nông nghiệp nức tiếng xưa nay. Đây là một lợi thế để thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”. Với cách làm năng động, sáng tạo ngành nông nghiệp Hà Nội đã đưa các sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng nhanh hơn bền vững hơn, dần dần khẳng định được vị thế và được thị trường đón nhận một cách tích cực.
Đa dạng phương thức tiếp cận thị trường
Hà Nội hiện có 1.649 sản phẩm OCOP, chiếm khoảng 20-21% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước (gồm 4 sản phẩm 5 sao của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.098 sản phẩm 4 sao, 534 sản phẩm 3 sao). Hà Nội không chỉ là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP (đạt từ 3 sao trở lên) mà số sản phẩm OCOP cấp quốc gia đạt 5 sao cũng nhiều nhất.
Khu trưng bày sản phẩm của các HTX, doanh nghiệp Hà Nội tại trụ sở của Liên minh Hợp tác xã (HTX) TP. Hà Nội. Ảnh: Đức Hiếu
Chương trình OCOP đã đánh thức tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Thủ đô; là "cú hích" làm đổi mới tư duy sản xuất, đánh đúng, trúng nhu cầu tiêu dùng, tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn.
Sau gần 4 năm triển khai, chương trình OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Nhằm quảng bá sản phẩm OCOP tới đông đảo người dân trong nước và quốc tế, thời gian qua, TP. Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, kết nối như mở các điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP; xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP thông qua các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, kênh thương mại điện tử… Những cách làm này đã và đang giúp cho sản phẩm OCOP tỏa sáng hơn và vươn xa hơn.
Với việc tăng cường xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ OCOP, nhiều sản phẩm làng nghề được công nhận OCOP có cơ hội vươn xa hơn ra thị trường trong và ngoài nước.
Như sản phẩm tơ tằm tự dệt thuộc xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đang được nhiều người tiêu dùng trong nước, quốc tế biết tới. Đặc biệt, từ khi sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của Hà Nội, sản phẩm lụa, vải có tơ tằm, sợi sen được tiêu thụ tốt hơn. Sản phẩm từ tơ tằm, tơ sen không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu tới Nhật Bản, Đức, Trung Đông...
Đến năm 2025, thành phố Hà Nội phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao có sản phẩm OCOP.
Việc xúc tiến sản phẩm OCOP của các chủ thể OCOP trên địa bàn TP. Hà Nội là một trong những nội dung, chương trình công tác của Sở và được triển khai thường xuyên, liên tục. Từ đầu năm đến nay, Sở đã phối hợp với các quận, huyện như: Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Oai, Thường Tín… liên tục mở Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Đến thời điểm này, TP. Hà Nội đã có hơn 85 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn gần 30 quận, huyện, thị xã; qua đó quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng, đưa du khách đến với Thủ đô.
Việc mở Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm có thế mạnh của địa phương; nhằm giúp các làng nghề, cơ sở sản xuất mở rộng cơ hội phát triển thị trường.
Các sản phẩm OCOP được trưng bày tại Cửa hàng thực phẩm sạch Phủ Quốc Oai rát phong phú và bao bì, mẫu mã khá bắt mắt người tiêu dùng. Ảnh: Đức Hiếu
Xúc tiến thương mại trên nền tảng số
Chia sẻ với báo chí, theo ông Phương Đình Anh, Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM Trung ương, dư địa phát triển sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội hiện còn rất lớn. Tuy nhiên, ngoài kết quả đạt được, sản phẩm OCOP Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Sản phẩm OCOP hiện vẫn chủ yếu từ các làng nghề truyền thống; những sản phẩm mới mang tính sáng tạo còn ít, thiếu các câu chuyện về sản phẩm, gắn với sản phẩm...
Do vậy, để sản phẩm OCOP của Thủ đô tiếp tục phát triển, mang hiệu quả kinh tế ngày càng cao, rất cần được các cấp, các ngành của thành phố quan tâm hơn nữa. Bên cạnh yêu cầu phải chuẩn hóa các sản phẩm (mẫu mã, bao bì, chất lượng) thì những ý tưởng sáng tạo để có sản phẩm mới cần phải chú trọng.
Ngoài ra, để Chương trình OCOP được thực hiện có hiệu quả, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tại Hà Nội đang nỗ lực ứng dụng công nghệ số để đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử.
Nếu giai đoạn 2018-2020, Chương trình OCOP của thành phố Hà Nội tập trung vào đánh giá, phân hạng sản phẩm thì đến giai đoạn 2021-2025, xúc tiến thương mại là một nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, việc xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trên các nền tảng số được coi là nét đặc trưng phù hợp với định hướng chuyển đổi số trong xây dựng NTM.
Hà Nội đã tổ chức quảng bá, kết nối giao thương trên nền tảng số như: Sự kiện “Ngày hội livestream đặc sản OCOP Hà Nội”, Diễn đàn trực tuyến “Kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn”, mô hình thí điểm “Chợ đêm trên mây” vào tối thứ 6 hằng tuần trên nền tảng Facebook, thay đổi phương thức tiêu thụ và tiếp cận sản phẩm OCOP.
Đặc biệt, ngày 31/8/2022, Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội đã ký kết hợp tác chiến lược với TikTok giúp các chủ thể OCOP ứng dụng công nghệ và các giải pháp tiếp thị sáng tạo vào quá trình tiêu thụ sản phẩm OCOP, như: Giải pháp thương mại điện tử toàn diện TikTok Shop và TikTok LIVE, tạo kênh tiêu thụ bền vững cho các chủ thể OCOP.
Thời gian qua, Trung tâm HPA thường xuyên phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) triển khai chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada, Sendo… Việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử vừa mở rộng thị trường tiêu thụ, vừa từng bước hoàn thiện khâu tiêu thụ sản phẩm.
Khác với kênh bán hàng truyền thống, kênh thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể giới thiệu, quảng bá và đưa thông tin đầy đủ, chi tiết về sản phẩm OCOP và những sản phẩm đặc sản vùng miền của Hà Nội đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Việc triển khai những hoạt động bán hàng tiếp thị thông qua các sàn thương mại điện tử đang là xu hướng tất yếu, bảo đảm duy trì tốt chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm… Do đó, để tăng cường đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, phát huy những kết quả đã làm được, thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ có tiếp tục nghiên cứu đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ việc quảng bá, tiếp thị theo hướng xúc tiến thương mại.
Có thể thấy, Hà Nội có trách nhiệm lan tỏa và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của cả nước. Đây cũng là việc làm thiết thực của Thành phố giúp sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề đến gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô.
Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Trong số đó, có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố Hà Nội công nhận.
Mỗi làng nghề Hà Nội đều mang một bản sắc riêng với sự kết tinh sáng tạo của những bàn tay người thợ và tình yêu nghề, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đó chính là lợi thế của Hà Nội để phát huy và bảo tồn các nghề quý của Hà Nội, tạo thương hiệu cho sản phẩm OCOP ngày một vươn xa. Đồng thời, các sản phẩm OCOP được tiêu thụ nhiều trên thị trường cũng góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới thành công của Hà Nội.
Với tinh thần "vì cả nước", Hà Nội đã, đang và sẽ thể hiện rõ vai trò "đầu tàu" trong việc hỗ trợ các tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề trên thị trường Thủ đô, tạo động lực để chương trình này phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.
Minh AnBộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.