Sẵn sàng nguồn vốn ưu đãi thực hiện Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp
Triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, người trồng lúa, HTX và doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết từ trồng trọt, thu mua, xuất khẩu lúa đều được hưởng lợi khi tiếp cận được vốn vay ưu đãi, không phải sử dụng tài sản thế chấp, được hỗ trợ xây dựng chuỗi khép kín...
Tại Hội nghị triển khai chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện Chương trình sản xuất lúa giảm phát thải trên quy mô lớn. Ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1490/QĐ-TTg phê duyệt Đề án: “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
NHNN và ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vùng ĐBSCL phát triển sản xuất kinh doanh nói chung và trong sản xuất lúa chất lượng cao nói riêng.
Hằng năm, NHNN Trung ương và các chi nhánh tại địa phương đều tổ chức các Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và các Hội nghị chuyên đề về tín dụng đối với ngành nông sản chủ lực và lúa gạo vùng ĐBSCL; đồng thời có nhiều văn bản chỉ đạo các TCTD tập trung cho vay, mở rộng hạn mức tín dụng, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay... để đáp ứng vốn từ khâu sản xuất (phân bón, giống, vật tư...) đến khâu chế biến, thu mua, tiêu thụ nông sản và lúa gạo; qua đó tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong quan hệ tín dụng cho hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo.
NHNN cập nhật đến cuối tháng 9/2024, tổng dư nợ tín dụng tại Đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 1,18 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của vùng đạt khoảng 643 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2023, chiếm 54% tổng dư nợ trên địa bàn. Riêng đối với ngành lúa gạo - là thế mạnh của vùng, luôn có mức tăng trưởng tín dụng cao, hiện đạt khoảng 124 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm 2023, chiếm khoảng 11% dư nợ tín dụng vùng và chiếm 53% dư nợ tín dụng lúa gạo toàn quốc.
Trong đó, nhiều tỉnh có dư nợ cho vay lớn. Như tại Đồng Tháp, thống kê đến cuối tháng 9/2024, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực lúa gạo đạt trên 15.200 tỷ đồng, tăng khoảng 1.800 tỷ đồng so với cuối năm 2023; Tại tỉnh Kiên Giang, dư nợ cho vay lúa gạo tính đến cuối tháng 9/2024 cũng đạt khoảng gần 10.400 tỷ đồng; Tại TP. Cần Thơ, dư nợ cho vay lúa gạo tăng trưởng 13,6%, đạt mức gần 21.000 tỷ đồng. Còn tại tỉnh Hậu Giang, tăng trưởng tín dụng lúa gạo thậm chí đạt mức 18,25%.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đang tham gia Đề án cho biết, người trồng lúa, HTX và doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết từ trồng trọt, thu mua, xuất khẩu lúa đều được hưởng lợi. Người nông dân sẽ được hưởng lợi nhờ sự liên kết với doanh nghiệp, còn doanh nghiệp cũng có lợi khi có nguồn hàng ổn định. Nếu đề án 1 triệu ha được triển khai tốt, chi phí đầu tư của doanh nghiệp và cả chi phí canh tác của nông dân sẽ giảm, trong khi chất lượng hàng hóa sẽ được nâng cao. Nhờ đó, gạo có chất lượng cao hơn sẽ giúp doanh nghiệp đạt được mức giá bán tốt hơn trên thị trường vừa giảm phát thải.
Ngân hàng tham gia Đề án sẽ giảm ít nhất 1% lãi vay cho khách hàng khi tham gia chuỗi liên kết.
Đáng chú ý, ngoài Agribank, các chi nhánh của VietinBank, Sacombank cũng cho vay hàng nghìn tỷ đồng vào lĩnh vực này với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 1,3 - 1,5%/năm so với các khoản vay thông thường cùng kỳ hạn.
Tuy nhiên, để yên tâm làm ăn lớn là đầu tư kho bãi, thu mua, xuất khẩu lúa thuộc Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, các doanh nghiệp, HTX có chung đề xuất các ngân hàng thương mại cho vay vốn trung và dài hạn.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, các nhu cầu vay vốn của HTX, thành viên rất thiết thực. Vì vậy, NHNN sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; kịp thời tham mưu cho NHNN, UBND tỉnh, thành phố xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai cho vay.
An Mai (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.