Sẵn sàng tâm thế, 'mở cửa' bầu trời
Theo các chuyên gia, việc chia giai đoạn mở lại đường bay quốc tế, bắt đầu từ quý 1/2022 là đủ thận trọng, đủ cần thiết, có lộ trình, tránh tối đa tình huống mở ra rồi lại đóng, tiêu hao nguồn lực.
Ngành hàng không đã sẵn sàng
Sau hơn một năm buộc phải ngưng các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Việt Nam đang chuẩn bị các điều kiện để có thể từng bước “mở cửa bầu trời” trở lại. Đây không chỉ là cơ hội giúp ngành hàng không thoát cảnh khó khăn mà quan trọng hơn còn là một trong những điều kiện tiên quyết góp phần phục hồi kinh tế.
Đến hiện tại, các hãng hàng không đã nỗ lực đáp ứng những yêu cầu khắt khe trong việc nối lại các đường bay quốc tế và luôn trong tâm thế sẵn sàng cất cánh.
Đơn cử, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) vừa được cấp chứng nhận Kiểm chuẩn y tế sân bay (Airport Health Accreditation - AHA) của Hội đồng sân bay quốc tế (ACI). Đây là sân bay thứ sáu thuộc Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (trước đó có Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc) được ACI trao chứng nhận AHA. Việc cấp chứng nhận AHA là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước và chính phủ các nước nghiên cứu mở lại đường bay quốc tế giữa các sân bay đã được cấp chứng chỉ, tạo hành lang xanh di chuyển an toàn bằng đường hàng không.
Các chuyên gia cho rằng, việc mở lại bay quốc tế của Việt Nam cũng nên theo hình thức xem xét cụ thể từng thị trường, chưa mở cửa ồ ạt, nhưng cần thực hiện sớm, tránh đứt đoạn thị trường quá lâu sẽ đánh mất nhiều cơ hội cạnh tranh điểm đến. Việc mở lại đường bay thương mại quốc tế không chỉ cần thiết cho sự hồi phục của ngành hàng không, mà còn là vị thế của Việt Nam và sự phục hồi của toàn bộ nền kinh tế.
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn đã khẳng định rõ, ngành hàng không đã sẵn sàng. Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ các hãng hàng không trong việc xây dựng kế hoạch để sẵn sàng nối lại ngay các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ khi được phép.
Theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam, việc mở lại các đường bay quốc tế thường lệ sẽ được thực hiện theo 4 bước. Cụ thể:
Giai đoạn I sẽ bắt đầu ngay từ quý IV/2021, với việc khôi phục các chuyến bay trọn gói, với thị trường dự kiến triển khai là: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Australia và các thị trường khác khi có nhu cầu luân chuyển lao động.
Giai đoạn II từ tháng 1/2022, với nhiều quy định được nới lỏng hơn.
Giai đoạn III dự kiến triển khai từ tháng 4/2022 với các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam, không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng cơ chế “hộ chiếu vaccine”.
Giai đoạn IV khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu từ tháng 7/2022.
Thị trường triển khai thực hiện sẽ theo nhu cầu của các hãng hàng không; tần suất khai thác không hạn chế, theo nhu cầu của các hãng hàng không.
Mở lại đường bay quốc tế an toàn
Tại tọa đàm "Cách nào mở lại đường bay quốc tế an toàn?", Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho biết, kế hoạch đề xuất của Bộ GTVT mở lại các đường bay quốc tế xuất phát từ thực tiễn, từ kinh nghiệm các nước và từ chính nhu cầu cuộc sống để tái lập các chuyến bay vì nhiều mục đích khác nhau như: đầu tư, thương mại, du lịch, nghiên cứu thị trường, ngoại giao…
Từ đầu tháng 2/2020 cho đến nay, đã gần 2 năm Việt Nam dừng các đường bay quốc tế, tương tự nhiều quốc gia. Hiện nay, các nước trên thế giới đã mở cửa hàng không, Việt Nam không phải ngoại lệ. Ngành Hàng không có thể tiếp tục các chuyến bay cứu hộ công dân, sử dụng rộng rãi hình thức khách tự trả chi phí cách ly nhập cảnh do Bộ Ngoại giao điều tiết, phù hợp với năng lực phòng chống dịch và khả năng tiếp nhận cách ly của các địa phương, từng bước tạo niềm tin cho khách quốc tế. Mở cửa bay quốc tế, ngành hàng không sẽ có đánh giá ban đầu về quy trình thực hiện chuyến bay chở khách quốc tế.
Phân tích về thời điểm nối lại các đường bay thương mại quốc tế, ông Vũ Tú ThànhPhó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, cho rằng, đây là thời điểm hoàn toàn khả thi bởi nhiều nước đã có độ phủ vaccine khá cao và kiểm soát dịch rất tốt. Đồng thời, các hãng hàng không có uy tín và Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cũng đã áp dụng những quy trình di chuyển hàng không bảo đảm hành khách an toàn với COVID-19 mà không phải mất nhiều chi phí tốn kém hay gây nhiều bất tiện như trước kia.
Bản thân một số hãng hàng không của Việt Nam cũng đã thiết kế và áp dụng mô hình “di chuyển xanh” hàng không giúp kiểm soát rất tốt rủi ro lây nhiễm. Vì vậy, sẽ rất lãng phí nguồn lực đầu tư vào triển khai các mô hình di chuyển xanh này khi chúng ta vẫn chưa cho phép mở lại các đường bay thương mại quốc tế thường lệ.
An MaiNăm 2024, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, cả 2 lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa đều tăng trưởng ấn tượng, vận tải hành khách và hàng hóa đều tăng trưởng 2 con số.