Sẵn sàng tiếp nhận du học sinh về nước học tập

Giáo dục
07:30 AM 24/07/2020

Chiều 23/7, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Sẵn sàng tiếp nhận du học sinh về nước học tập”. Tọa đàm góp phần làm rõ hơn các quy định cũng như sự chủ động của các trường đại học lớn, có uy tín trong việc tiếp nhận du học sinh bị gián đoạn học tập do ảnh hưởng của dịch Covid-19 có nguyện vọng được học tiếp tại Việt Nam.

    Tọa đàm "Sẵn sàng tiếp nhận du học sinh về nước học tập" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.

    Tọa đàm có sự tham gia của: PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo); GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Phó trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội; PGS.TS Vũ Thu Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Ngoại thương.

    Được biết, tình trạng lây lan và tỉ lệ tử vong của đại dịch Covid-19 tại nhiều nước tăng cao, cùng với đó một số nước tạm thời không tiếp nhận học sinh nước ngoài… đã khiến nhiều du học sinh Việt Nam mong muốn được trở về nước để học tập.

    Thực hiện Thông báo kết luận số 238/TB-VPCP ngày 12/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định hiện hành, để hỗ trợ các du học sinh và sinh viên quốc tế có nguyện vọng được học tiếp tại Việt Nam, ngày 15/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 2582/BGDĐT-GDĐH gửi các cơ sở giáo dục đại học về việc tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế không tiếp tục học tập ở nước ngoài do dịch Covid-19. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cơ sở giáo dục đại học xem xét, tiếp nhận các du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế có nhu cầu, có đủ điều kiện tiếp tục học tập vào các chương trình đào tạo quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.

    Trao đổi cụ thể hơn về nội dung này tại buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy (quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, dù du học sinh đã được tuyển đầu vào đại học ở nước ngoài nhưng khi về Việt Nam học vẫn phải đáp ứng yêu cầu đầu vào không thấp hơn điều kiện trúng tuyển chương trình đào tạo tương ứng của trường xin chuyển đến. Bên cạnh đó, các trường đại học của Việt Nam cũng cần căn cứ vào chuẩn đầu ra, nội dung và yêu cầu của chương trình đào tạo tại trường và số tín chỉ, nội dung học tập, kết quả học tập mà người học đã tích lũy trong thời gian học ở cơ sở giáo dục nước ngoài để xem xét miễn giảm tín chỉ, học phần cho người học theo các quy định hiện hành...

    Thủ tục khi cho du học sinh quay trở lại nước học tập đã ghi rất rõ trong thông tư 10/2014/TT-BGDĐT ban hành quy chế quản lý công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài, tại điều 10, khoản 3. Du học sinh có thể căn cứ theo thông tư này để làm thủ tục.

    Đại diện trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Ngoại Thương khẳng định đã ở tâm thế sẵn sàng với tình huống tiếp nhận, hỗ trợ để du học sinh Việt Nam không bị gián đoạn học tập.

    Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền (Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội), tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội có 12 chương trình dạy bằng tiếng Anh cho các ngành mũi nhọn về khoa học công nghệ và 10 chương trình liên kết quốc tế với 4 ngoại ngữ giảng dạy là Anh, Pháp, Đức, Nhật.

    Trường đã công bố các yêu cầu tiếp nhận du học sinh Việt Nam cũng như sinh viên quốc tế có nhu cầu chuyển trường đại học ở nước ngoài về học tại Việt Nam. Theo đó, trường sẽ căn cứ vào chương trình học tập và kết quả học tập của sinh viên ở nước ngoài để xem xét miễn và công nhận tín chỉ cho sinh viên theo quy chế đào tạo.

    Ngoài ra, các du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế có thể đăng ký học tập một số học phần theo nguyện vọng. Khi kết thúc học phần, sinh viên sẽ được nhà trường cấp chứng nhận hoàn thành học phần kèm theo kết quả học tập.

    GS.TS Nguyễn Tiến Thảo (Phó trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho biết, Đại học Quốc gia Hà Nội đã yêu cầu các trường thành viên, các khoa trực thuộc xây dựng chương trình học chi tiết hơn, đảm bảo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và công bố khung chương trình, từng loại hình đào tạo, hướng dẫn chi tiết chỉ tiêu bao nhiêu, đào tạo ngôn ngữ gì, điều kiện chương trình đào tạo để học viên nắm rõ.

    Đ.L - P.T
    Ý kiến của bạn
    Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững

    Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.