Sản xuất công nghiệp tháng 10 hồi phục nhẹ
Hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 10 có những dấu hiệu phục hồi nhẹ khi chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 10/2021 ước tính tăng 6,9% so với tháng trước. Song tình trạng thiếu sự đồng bộ giữa các địa phương trong thực hiện Nghị quyết 128 đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất.
Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm của Tổng cục thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10/2021 ước tính tăng 6,9% so với tháng trước và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2021 ước tính tăng 6,9% so với tháng trước và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành khai khoáng giảm 7,2%; ngành chế biến, chế tạo giảm 1,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,4%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,5%.
Tính chung 10 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn tốc độ tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2020). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,5% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,1%), đóng góp 3,99 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,4%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7%, làm giảm 1,1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Về tình hình xuất nhập khẩu, ước tính tháng 10/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27,3 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 267,93 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng năm 2021 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63%).
Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước tính đạt 3,03 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước tính đạt 238,81 tỷ USD, tăng 17,3%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 19,2 tỷ USD, tăng 15,1%. Nhóm hàng thủy sản đạt 6,89 tỷ USD, giảm 0,8%.
Theo Bộ Công Thương, kết quả trên có được nhờ hiều địa phương đã nới lỏng các hoạt động so với thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ và ban hành các quy định nhằm điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới theo Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Tuy nhiên, nhiều tỉnh thành trong cả nước có những quyết định không thống nhất, thiếu đồng bộ trong công tác áp dụng Nghị quyết số 128/NQ-CP. Hiện vẫn còn một số địa phương tổ chức các biện pháp phòng chống dịch cao hơn quy định Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế; một số tỉnh như Tiền Giang, Cà Mau... chậm ban hành các hướng dẫn đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc dần hồi phục các hoạt động sản xuất, đặc biệt là các khó khăn về lao động.
Mặt khác, việc xử lý, tháo gỡ, khôi phục sản xuất tại một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức, hoạt động của doanh nghiệp đình trệ tác động đến phát triển sản xuất nói riêng và tăng trưởng nền kinh tế nói chung.
Theo Bộ Công Thương, từ tháng 11/2021, nếu đà kiểm soát dịch bệnh theo chiều hướng khả quan, các biện pháp hỗ trợ, khôi phục nền kinh tế được triển khai đồng bộ, khả năng sản xuất công nghiệp trong hai tháng cuối năm sẽ có sự tăng trưởng cao hơn.
Trong dài hạn, cần thống nhất nguồn lực từ Trung ương đến địa phương tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, ô tô, dệt may, da giày, điện, điện tử, chế biến thực phẩm...
Tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, khoa học và côn nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường; Cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó là việc xây dựng chính sách thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài các dự án công nghiệp quy mô lớn, có gắn với chuyển giao và làm chủ công nghệ, tận dụng đối đa dòng vốn dịch chuyển trong thời gian tới.
Ngoài ra cần tăng cường hợp tác quốc tế, xúc tiến thị trường ngoài nước tận dụng tối đa cơ hội từ các quốc gia có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu các ngành hàng chủ lực, liên kết doanh nghiệp trong nước và các chuỗi sản xuất toàn cầu.
Hoài ThươngMới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.