Sắp diễn ra Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam 2023
Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam 2023 sẽ diễn ra từ tháng 10 đến tháng 11 năm nay, tại nhiều địa điểm trên địa bàn Hà Nội.
Thông tin này được nêu bật tại họp báo giới thiệu về chương trình diễn ra sáng 26/9 tại Hà Nội do Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (KTHT&PTNT) phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội, Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đồng tổ chức.
Thông tin về chương trình, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục KTHT&PTNT cho biết, Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 được tổ chức nhằm bảo tồn, giữ gìn, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hình thành các nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam, trong đó lấy các làng nghề của thành phố Hà Nội làm trung tâm để lan tỏa sang các địa phương khác.
Thông qua Festival, Ban tổ chức mong muốn tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức sản xuất kinh doanh sản phẩm làng nghề; tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề; quảng bá, giới thiệu các làng nghề, phố nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước; từng bước thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển du lịch trong các làng nghề.
Theo đại diện Ban Tổ chức: “Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023” sẽ diễn ra từ ngày 09 - 12/11/2023 với 3 sự kiện gồm: Lễ vinh danh các nghệ nhân, thợ giỏi; Lễ khai mạc Festival; Hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP.
Cụ thể, Lễ vinh danh các nghệ nhân, thợ giỏi dự kiến tổ chức vào sáng ngày 09/11/2023 với khoảng 100 đại biểu nghệ nhân, thợ giỏi của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đại biểu nghệ nhân, thợ giỏi sẽ được tham gia các hoạt động như: Vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm khu di tích nhà sàn Bác Hồ; gặp mặt Lãnh đạo Nhà nước; tọa đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Lễ khai mạc Festival, dự kiến được tổ chức vào tối ngày 09/11/2023 tại Hoàng thành Thăng Long với khoảng 300 đại biểu gồm: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành, TP. Hà Nội và các địa phương; đại diện một số tổ chức quốc tế và các nghệ nhân, thợ giỏi được vinh danh và tham gia Hội chợ.
Tại Festival, các các hoạt động chính như các đại biểu làm lễ dâng hương tại Điện Kính Thiên; tái hiện lễ rước Tổ nghề tại một số làng nghề truyền thống Việt Nam; khai mạc Festival và Hội chợ sản phẩm thủ công mỹ nghệ - OCOP; trao giải Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Đối với Hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP dự kiến được tổ chức từ ngày 09 - 12/11/2023 tại Hoàng thành Thăng Long với khoảng 300 gian hàng giới thiệu sản phẩm làng nghề của TP. Hà Nội và một số địa phương trên cả nước. Ngoài việc trưng bày các gian hàng giới thiệu sản phẩm làng nghề còn kết hợp các không gian trải nghiệm nghề để phục vụ du khách thăm quan.
Trong thời gian diễn ra Festival, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì và phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng như: Chương trình biểu diễn nghệ thuật của các làng nghề văn hóa truyền thống; Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát triển làng nghề” kết hợp với kết nối giao thương Việt nam - San Marino; Hội thảo xúc tiến thương mại Việt Nam – Mông Cổ; Hội thảo xây dựng vùng nguyên liệu dâu tằm tơ...
Đáng chú ý là hoạt động của Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023 trong khuôn khổ Festival. Theo ông Vũ Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục KTHT&PTNT, cuộc thi là hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và tôn vinh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam; khuyến khích các tác giả phát huy ý tưởng sáng tạo nhằm tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, vừa có tính kỹ thuật, mỹ thuật, ứng dụng cao và đáp ứng được các tiêu chí về phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Thông qua đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống và thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện thu nhập cho người lao động.
Dịp này, ông Vũ Văn Tiến đã thông tin chi tiết nội dung quy chế, thể lệ của Hội thi trong đó đề cập tới cơ cấu giải thưởng với 05 giải nhất, 10 giải nhì, 15 giải ba, 15 giải khuyến khích. Tùy theo tình hình thực tế, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi xem xét điều chỉnh cơ cấu và giá trị giải thưởng cho phù hợp.
Thông qua Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 nói chung và hội thi về sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói riêng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn muốn đề cao giá trị nghề, nhất là các nghề thủ công truyền thống mà ông cha đã gìn giữ bao đời nay. Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những giá trị ấy không bị mất đi mà được các thế hệ trẻ tiếp nối, mở rộng sản xuất và xuất khẩu. Trên hết, việc bảo tồn và phát triển làng nghề cần có cách nhìn mới, cách tư duy mới, hướng đến công tác hội nhập và lan tỏa tới những nước trong khu vực và toàn thế giới.
Ngọc MỹTheo Quyết định số 1046/QĐ-EVN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giá bán lẻ điện năm 2024 được điều chỉnh lên 2.103 đồng/kWh.