Sắp diễn ra Festival Bảo tồn và Phát triển Làng nghề Việt Nam 2023
Với mục đích bảo tồn, giữ gìn, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, lấy các làng nghề của thành phố Hà Nội làm trung tâm để lan tỏa sang các địa phương khác, Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 9/11 đến 12/11/2023 với 3 sự kiện chính.
Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 được tổ chức bởi Cục Kinh tế hợp tác và PTNT; Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương; Vụ Hợp tác Quốc tế; Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp; Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam; Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội; Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội.
Sự kiện chính của festival kéo dài từ ngày 9 - 12/11/2023 với 3 hoạt động trọng tâm là Lễ vinh danh khoảng 100 nghệ nhân, thợ giỏi; Lễ khai mạc Festival dự kiến tổ chức vào tối ngày 9/11/2023 tại Hoàng thành Thăng Long; Hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP với quy mô 300 gian hàng trưng bày được thiết kế đặc biệt.
Hện ban tổ chức đã nhận được sự đăng ký tham gia của trên 100 đơn vị, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Ngoài Hà Nội, còn có 42 tỉnh, TP khác trong cả nước tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Bên cạnh đó là một số gian hàng quốc tế đến từ Lào, Indonesia, Thái Lan, Nga…
Để thuận tiện cho khách tham quan giao dịch, gian hàng Hội chợ được phân chia thành các không gian trưng bày riêng biệt. Cụ thể, không gian sáng tạo làng nghề Hà Nội; Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Quốc tế; Không gian trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ; Không gian làng nghề di sản; Không gian trải nghiệm văn hóa ẩm thực OCOP vùng miền; Gian hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề của các địa phương trên cả nước; Triển lãm sản phẩm OCOP tại Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam...
Từ ngày 9/11/2023 đến 12/11/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì và phối hợp với các đơn vị tổ chức các sự kiện hưởng ứng Festival gồm: Đêm biểu diễn Chương trình nghệ thuật của các làng nghề văn hóa truyền thống; Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát triển làng nghề”; Hội thảo xây dựng vùng nguyên liệu dâu tằm tơ; Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023.
Về phía đơn vị đồng tổ chức, UBND thành phố Hà Nội cũng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Festival gồm: Lễ rước Tổ nghề và Tuần Văn hóa du lịch thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2023, chủ đề “Vạn Phúc - Sắc màu Hội nhập”; Lễ trao giải các sản phẩm Làng nghề Hà Nội đạt giải năm 2023; Giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hoá các tỉnh Nam Bộ; Lễ hội và trưng bày sản phẩm làng nghề huyện Phú Xuyên; Lễ hội mùa thu Hà Nội; Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2023; Tổ chức các hoạt động thăm quan, trải nghiệm tại các làng nghề ở Hà Nội: Bát Tràng, Vạn Phúc, Đường Lâm.
Ban tổ chức mong muốn thông qua Festival tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức sản xuất kinh doanh sản phẩm làng nghề; tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề; quảng bá, giới thiệu các làng nghề, phố nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước; từng bước thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển du lịch trong các làng nghề.
Ngô HuyTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.