Sắp “đóng cửa” cầu Thăng Long - Hà Nội
Trong tháng 7 tới, Tổng cục Đường đường bộ Việt Nam sẽ đóng cửa hoàn toàn cầu Thăng Long (Hà Nội) để sửa chữa quy mô lớn, các phương tiện sẽ di chuyển qua cầu Nhật Tân.
Cầu Thăng Long bị hư hỏng nặng sẽ được sửa chữa vào tháng 7 tới
Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho biết PV Dân trí thông tin trên hôm nay (17/6).
“Tổng cục đã mở thầu được 10 ngày, hiện chưa có nhà thầu nào tham gia nộp hồ sơ. Kết thúc đợt 1 nếu không có nhà thầu thì Tổng cục sẽ mở thầu tiếp đợt 2. Ở nhiều dự án đã từng làm cho thấy nhiều nhà thầu quyết định tham gia ở phút chót” - ông Huyện nói và khẳng định không có chuyện chỉ định thầu dự án.
Theo kế hoạch, trong tháng 7 tới đây dự án sẽ bắt đầu được triển khai thi công sửa chữa. Thời gian thi công kéo dài đến hết năm 2020.
“Để đảm bảo yêu cầu thi công sửa chữa mặt cầu Thăng Long, Tổng cục Đường bộ sẽ cấm lưu thông hoàn toàn qua cây cầu này, đóng cửa toàn bộ cầu Thăng Long. Chúng tôi đã xây dựng phương án tổ chức giao thông, phân luồng các phương tiện di chuyển qua cầu Nhật Tân” - ông Huyện cho hay.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cũng cho biết, để đảm bảo điều kiện thi công và tránh những vấn đề thời tiết mưa, nắng gây bất lợi trong quá trình thực hiện dự án, toàn bộ cầu Thăng Long sẽ được lập mái che bằng tôn.
Về công nghệ kỹ thuật sửa chữa mặt cầu Thăng Long lần này, ông Huyện thông tin dự án đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công công nghệ mới. Theo đó, dự án cầu Thăng Long sẽ sử dụng công nghệ của châu Âu, công nghệ này được sử dụng nhiều ở Mỹ và Trung Quốc nhưng là lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam.
Cầu Thăng Long sẽ đóng cửa hoàn toàn để phục vụ việc thi công, sửa chữa
“Chúng tôi mời nhóm chuyên gia gồm 5 người từ nước ngoài có chuyên môn kỹ thuật cao về thép, bê tông… để phản biện và đánh giá về công nghệ, giải pháp thi công sửa chữa. Đối tác nước ngoài sẽ chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Tư vấn giám sát là Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải. Nhà thầu sẽ được lựa chọn kỹ càng, đảm bảo về năng lực và kỹ thuật tốt nhất” - ông Huyện thông tin.
Khác với những đợt sửa chữa trước, ông Huyện cho biết lần này mặt cầu sẽ được sửa chữa các bản thép với kết cấu liên hợp siêu nhẹ. Đơn vị thi công sẽ cào bóc sạch lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép.
Đơn vị thi công sẽ hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép, lắp đặt lưới thép và đổ một lớp bê tông cường độ cao. Sau đó, sẽ thi công lớp phủ bê tông nhựa tạo nhám để đảm bảo êm thuận trong quá trình khai thác. Đồng thời, các khe co giãn trên mặt cầu đã hư hỏng sẽ được thay thế toàn bộ.
Tổng mức đầu tư Dự án sửa chữa cầu Thăng Long là gần 270 tỷ đồng. Hiện nay, Dự án đang trong quá trình mời thầu, cuối tháng 6 kết thúc lựa chọn thầu và bắt đầu thi công từ 1/7. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào cuối quý 4/2020.
Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long đã được sửa chữa lớn năm 2009; giai đoạn 2012 - 2013 cũng được thi công sửa chữa, khắc phục hư hỏng lớp bê tông nhựa bằng công nghệ của Mỹ, nhưng nhiều vị trí cũng hư hỏng trước khi hết bảo hành. Từ năm 2016 đến nay, đơn vị quản lý đường bộ cũng thực hiện sửa chữa cục bộ.
Châu Như QuỳnhKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.