Sáp nhập Công ty vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn

Doanh nghiệp
07:42 AM 03/11/2024

Việc hợp nhất Công ty Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty Vận tải Đường sắt Sài Gòn là thực hiện chủ trương cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Công ty CP Vận tải đường sắt được sáp nhập từ 2 Công ty Vận tải Đường sắt Hà Nội và Sài Gòn đã chính thức hoạt động từ 1/11.

Sáp nhập Công ty vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: VNR

Cụ thể, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt (VTR), được hợp nhất bởi Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (HRT) và Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn (SRT). Trụ sở đặt tại địa chỉ 130 đường Lê Duẩn, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Công ty cổ phần Vận tải đường sắt được thành lập theo phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt.

Công ty có 8 phòng, 17 chi nhánh trực thuộc và cơ sở tại TP HCM, trong đó có 4 chi nhánh toa xe, 2 chi nhánh đoàn tiếp viên đường sắt và 11 chi nhánh vận tải đường sắt. Số lao động trong toàn công ty là hơn 4.800 người.

HĐQT có 5 thành viên do ông Đỗ Văn Hoan làm Chủ tịch, Ban điều hành có 5 thành viên do ông Đào Anh Tuấn làm Tổng giám đốc.

Sự kiện này đánh dấu sự thay đổi lớn đối với vận tải đường sắt nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh vận tải đường sắt, giúp bộ máy tinh gọn và đạt hiệu quả, giảm bớt các bộ phận trung gian, giảm chi phí, giảm giá thành vận tải. Việc sáp nhập cũng giúp tăng được doanh thu cho đơn vị, tăng thu nhập người lao động, sử dụng được các cơ sở vật chất của hai công ty hiệu quả.

Công ty cổ phần vận tải Đường sắt cũng tập trung nguồn lực, tài chính, phương tiện vận tải để tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tăng khả năng huy động vốn cho các kế hoạch phát triển vận tải đường sắt.

Trước mắt, công ty sẽ nỗ lực thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu đại hội đồng cổ đông giao, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước; từng bước nâng cao việc làm, đời sống cho người lao động; tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu từng bước mở rộng thị phần vận tải đường sắt cả về hành khách, hàng hóa.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt, công ty sẽ tập trung phát triển kinh doanh các dịch vụ hỗ trợ để gia tăng giá trị sản phẩm, tăng doanh thu tạo thêm việc làm cho người lao động. Công ty cũng sẽ nỗ lực trong việc bảo toàn vốn và tài sản của doanh nghiệp, đảm bảo lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận trên vốn của doanh nghiệp theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông công ty.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam phấn đấu đạt 6 tỷ USD Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam phấn đấu đạt 6 tỷ USD

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.