Sáp nhập Tiki - Sendo: Thỏi nam châm hút nguồn vốn mới
Khi sáp nhập, không chỉ tận dụng được nguồn lực, hệ sinh thái của nhau, mà Tiki - Sendo sẽ có lợi thế lớn trong việc thu hút dòng vốn mới để cạnh tranh với Shopee, Lazada.
Tiki và Sendo sáp nhập sẽ tăng sức cạnh tranh và thu hút nguồn vốn đầu tư lớn. Ảnh: Lê Toàn
Chờ sáp nhập, Tiki được bơm thêm 130 triệu USD
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, cơ quan này đã nhận được thông báo về việc sáp nhập của Tiki và Sendo.
Đại diện Cục đánh giá, việc hai sàn thương mại điện tử sáp nhập có thể tận dụng lợi thế của nhau để cùng phát triển, cân bằng thị phần với các sàn thương mại điện tử khác. Việc sáp nhập này sẽ khiến cuộc đua trên thị trường thương mại điện tử sôi động hơn.
Trong khi hoàn tất những bước cuối cùng để sáp nhập, thì nguồn tin từ tờ Dealstreet Asia cho hay, Tiki vừa huy động thành công thêm 130 triệu USD trong vòng huy động vốn mới nhất mà dẫn đầu là Công ty quỹ tư nhân Northstar Group (Singapore).
Trước thời điểm sáp nhập, Tiki đã là một trong các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam nhận vốn khủng. Tháng 5/2016, Tiki nhận khoản đầu tư 17 triệu USD từ VNG. Đến đầu năm 2018, Tiki đã huy động thành công 54,5 triệu USD từ ông lớn thương mại điện tử Trung Quốc JD.com, STIC từ Hàn Quốc và VNG. Đến tháng 1/2018, Sparklabs Ventures cho biết, đã đầu tư vào Tiki nhằm mở rộng sự hiện diện của mình tại Đông Nam Á. Số tiền cụ thể không được tiết lộ.
Tháng 9/2019, Innoven Capital cho biết, đã hoàn thành 2 thỏa thuận đầu tiên tại Việt Nam. Theo đó, công ty này cung cấp cho Tiki và start-up chia sẻ văn phòng UP Co-working một khoản vay nợ mạo hiểm, nhưng không tiết lộ giá trị của các khoản đầu tư.
Tuy nhận được khá nhiều và đa dạng các nguồn vốn đầu tư, nhưng cũng giống như các sàn thương mại điện tử khác, Tiki vẫn đang là “cỗ máy đốt tiền” khi đến năm 2019, Tiki đã lỗ lũy kế gần 1.800 tỷ đồng.
Sendo cũng được nhiều nhà đầu tư rót vốn trong các năm qua. Cụ thể, năm 2014, Sendo nhận khoảng 18 triệu USD từ một số công ty Nhật Bản; năm 2018, nhận 51 triệu USD của các nhà đầu tư tiếp tục đổ vào Sendo; tháng 11/2019, Sendo công bố đã huy động được thêm 61 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C. Nhưng cũng giống Tiki, dù được đổ nhiều tiền, song đến nay, Sendo vẫn lỗ lũy kế 1.253 tỷ đồng.
Tạo ra “kỳ lân mới” để hút vốn khủng
Có thể thấy, con đường Tiki và Sendo đang đi vẫn là vòng quay “đốt tiền” của thương mại điện tử: đầu tư - mở rộng thị trường - thua lỗ. Cả Tiki và Sendo không ngừng gọi vốn để tham gia hố đen không đáy đó. Tất nhiên, không chỉ Tiki và Sendo, hai ông lớn còn lại là Shopee, Lazada cũng chung số phận khi lỗ lũy kế lần lượt là 1.901 tỷ đồng và 1.773 tỷ đồng.
Song, xét trong số các trang thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam, cũng chỉ có Tiki và Sendo có thể đối đầu với Lazada, Shopee. Cả 2 trang thương mại điện tử này đều được đánh giá là có tiềm năng trở thành kỳ lân công nghệ tiếp theo của Việt Nam sau VNG. Nếu việc sáp nhập thành công, Việt Nam sẽ xuất hiện kỳ lân mới đủ sức “tay bo” với Shopee và Lazada.
Và việc sáp nhập Tiki - Sendo sẽ tạo ra một thỏi nam châm mới thu hút nguồn vốn đầu tư lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Đặng Đăng Trường, Trưởng ban Truyền thông của iPrice Việt đánh giá, nếu Tiki và Sendo sáp nhập thì khả năng gọi được các vòng vốn lớn hàng trăm triệu USD là rất cao.
“Kết hợp với nhau thì vẫn có thể đảm bảo cả hai có thể tiếp tục theo đuổi con đường từ đầu của mình, lại vừa có thể mở rộng thị trường, thu hút nguồn vốn đầu tư nhờ vào lượng khách hàng đông đảo từ cả hai bên”, ông Trường nhận định.
“Nếu sáp nhập, quy mô vốn và tổng tài sản sẽ không chỉ giúp Tiki - Sendo tăng sức cạnh tranh, mà còn giúp tiếp cận với những nhà đầu tư ở tầm khác so với trước khi sáp nhập, thậm chí là cả tỷ USD. Những thương vụ rót vốn với quy mô lớn hơn, đồng nghĩa với tiềm lực tài chính mạnh hơn, khả năng cạnh tranh cao hơn cho Tiki - Sendo”, một chuyên gia thương mại điện tử nhận định.
Cơ cấu cổ đông của Tiki và Sendo:
Tiki: Các nhà đầu tư trong nước nắm gần 50,3% (trong đó VNG chiếm 28,9%), cổ đông ngoại sở hữu 49,7% cổ phần (JD.com gần 22,2%; Ubiquitous Traders nắm 8,8%; Finup Asia Investment 4,5%; Sumitomo sở hữu 3,8%...).
Sendo: gần 35% cổ phần của Sendo đang được nắm giữ bởi các nhà đầu tư trong nước, trong khi 16 cổ đông ngoại nắm hơn 65% cổ phần. Trong đó, SBI E-Vietnam đang là cổ đông ngoại lớn nhất với 21,68%, Econtext Asia nắm 12,67%, Beenos Asia nắm 5,5%...
Nguồn: Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.