Sắp trình Chính phủ về Chiến lược quốc gia về phát triển vi mạch bán dẫn
Để góp phần thúc đẩy công nghệ số, chuyển đổi số và công nghệ AI, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) dự kiến trong tháng 5, tháng 6 tới sẽ trình Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển vi mạch bán dẫn.
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương tại sự kiện vinh danh và trao giải thưởng Sao Khuê năm 2024.
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cho biết, suốt 2 thập kỷ vừa qua, Việt Nam tự hào về những bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành công nghiệp ICT. Một trong những điểm nhấn là tổng doanh thu của ngành năm 2023 đã gấp khoảng 240 lần so với năm 2000, tăng trưởng doanh thu bình quân từ 15- 20%, tức là gấp đôi tăng trưởng GDP cả nước.
Từ đó, định hướng của Bộ TT&TT trong năm 2024 là: “Phổ cập hạ tầng số, sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số, là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã định hướng chuyển đổi số năm 2024 đó là phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành, quản trị số và dữ liệu số tạo động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Trong đó, AI là công nghệ quan trọng nhất giai đoạn hiện nay. Do đó trong năm 2024, ngành thông tin và truyền thông sẽ tiếp tục thúc đẩy, phát triển ứng dụng AI, nhất là AI hẹp, tạo ra những ứng dụng AI trong từng lĩnh vực công nghiệp, cung cấp và phổ cập ứng dụng dịch vụ AI trên cả nước.
Trong thời gian qua đã xuất hiện hàng loạt giải pháp ứng dụng, nền tảng, trợ lý ảo AI “Make in Vietnam” do doanh nghiệp công nghệ Việt nghiên cứu, phát triển.
Điều này không chỉ mang lại sự bùng nổ ứng dụng AI trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, phục vụ chính quyền, người dân và doanh nghiệp, giúp tối ưu hóa nguồn lực, tăng hiệu quả hoạt động của tổ chức và năng suất lao động, mà còn giúp các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam thuận lợi trong công cuộc Go Global.
Để góp phần thúc đẩy công nghệ số, chuyển đổi số và công nghệ AI, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tập trung xây dựng và dự kiến trong tháng 5, tháng 6 tới sẽ trình Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển vi mạch bán dẫn.
Bộ cũng đang báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm tạo ra không gian phát triển mới cho công nghệ số, trở thành lực lượng sản xuất mới, nguồn lực sản xuất mới, yếu tố sản xuất mới và là động lực mới của đất nước.
Trong sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, Việt Nam là quốc gia được chọn cho chiến lược phát triển sắp tới với ưu thế lớn về nhân lực và địa chính trị. Những doanh nghiệp công nghệ số đang đứng trước những cơ hội rất lớn, và cũng đang cần những nỗ lực sáng tạo rất lớn, tinh thần và quyết tâm lớn hơn nữa.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA Sao Khuê 2024, kỳ vọng những năm tới, sẽ thấy những nền tảng, dịch vụ, giải pháp xuất sắc về bán dẫn, chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, tạo ra một kỳ tích phát triển mới của ngành, góp phần tạo ra kỳ tích tăng trưởng mới cho Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông kỳ vọng và sẵn sàng chung tay cùng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong việc thúc đẩy công nghệ số mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Minh An (t/h)Khi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.