Sắp xuất sang Trung Quốc container khoai lang chính ngạch đầu tiên
Dự kiến trong vòng 1 tháng tới, container khoai lang đầu tiên của Việt Nam sẽ xuất sang Trung Quốc - thị trường sôi động bậc nhất thế giới.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa nhận công hàm từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) thông báo kết quả kiểm tra trực tuyến doanh nghiệp khoai lang Việt Nam xuất khẩu sang nước này.
Theo đó, thông qua kiểm tra trực tuyến và trao đổi kỹ thuật, các chuyên gia Trung Quốc xác nhận trong số 23 cơ sở đóng gói có 13 cơ sở đáp ứng các yêu cầu của nghị định thư.
Cùng với 13 cơ sở đóng gói này, danh sách 70 vùng trồng khoai lang đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc đã được đăng tải đầy đủ trên website của Cục Kiểm dịch Động thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Đây là cú hích quan trọng, góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường tiềm năng bậc nhất thế giới.
Tuy nhiên, 10 cơ sở đóng gói còn lại có các vấn đề cần khắc phục như: hệ thống quản lý chưa đạt tiêu chuẩn, thiết bị chưa hoàn chỉnh, thông số kỹ thuật không tốt hoặc cơ sở vật chất không đáp ứng các yêu cầu của nghị định thư. Tồn tại này cần được tháo gỡ trong thời gian sớm nhất, để các chủ sở hữu cũng như đơn vị liên quan xác định rõ nguyên nhân và tìm cách khắc phục để hoàn thiện lại hồ sơ kỹ thuật.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, việc khoai lang chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc được xem là cơ hội cho nông dân Việt Nam phát triển ngành hàng, gia tăng giá trị kinh tế cũng như chuyển dịch dần từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.
Đặc biệt, trong bối cảnh xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực giảm mạnh những tháng đầu năm, khoai lang được kỳ vọng sẽ là ngành hàng giúp xuất khẩu tăng tốc trở lại trong quý 2.
Hiện, Cục Bảo vệ thực vật đã chuẩn bị kỹ các phương án cho ngày container khoai lang đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc. Cục đã gửi văn bản thông báo tới các địa phương để chủ động thông tin cho chủ sở hữu mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Từ đó, những cơ sở này sẽ lập kế hoạch và chuẩn bị mọi điều kiện theo yêu cầu của Trung Quốc để kịp thời xuất khẩu trong vòng một tháng nữa.
Cục Bảo vệ thực vật còn lập kế hoạch và cam kết sớm tổ chức những lớp tập huấn hướng dẫn về các điều kiện cụ thể cho mã số vùng trồng, cũng như một số yêu cầu kỹ thuật liên quan.
Để ngành hàng phát triển bền vững, từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đến người sản xuất cùng phải có trách nhiệm. Địa phương sẽ phải bố trí thêm nguồn lực, đặc biệt là cán bộ kỹ thuật khi cùng tham gia vào khâu kiểm tra, giám sát.
Với doanh nghiệp, họ vừa phải hỗ trợ đối với các vùng trồng, hợp tác xã, người dân trong chuỗi, vừa đảm bảo hồ sơ, đăng ký đúng quy định của GACC. Doanh nghiệp cần xây dựng, hình thành những mối liên kết bền vững cả trong nước lẫn quốc tế, để tạo nhu cầu lâu dài, giúp người sản xuất yên tâm canh tác.
Với người sản xuất, việc chuẩn hóa không chỉ trên giấy mà cần cụ thể hóa bằng hành động thiết thực. Chẳng hạn như việc tách bạch giữa hàng hóa đã được đóng gói và hàng hóa mới được đưa về. Những việc làm dù nhỏ nhưng qua thời gian sẽ thay đổi đáng kể nhận thức của đại bộ phận người dân.
Minh An (t/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.