Sau 24 năm, tổng vốn hóa TTCK tương đương 67% GDP
Sau 24 năm sàn chứng khoán “khớp lệnh”, tổng giá trị vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM đã lên đến 6,9 triệu tỷ đồng, tương đương 67% GDP.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tháng 7/2000 đánh dấu một cột mốc lịch sử cho thị trường chứng khoán Việt Nam khi hai mã chứng khoán đầu tiên, REE của REE Corp và SAM của SAM Holdings, được giao dịch. Sự kiện này mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành chứng khoán nói riêng. Trải qua 24 năm, chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc, từ một thị trường sơ khai, non trẻ trở thành một thị trường năng động và thu hút đầu tư.
Đến hiện tại, thị trường có hơn 700 mã cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sàn chứng khoán HoSE và HNX, cùng hơn 800 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM. Tổng giá trị vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp trên 3 sàn khoảng 6,9 triệu tỷ đồng và tương đương 67% GDP năm 2023. Trong đó, có đến 49 doanh nghiệp tỷ USD cùng hàng trăm cái tên có vốn hóa trên 10.000 tỷ đồng.
Hơn 2 thập kỷ, có thể nói thị trường chứng khoán đã và đang đóng vai trò kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Giá trị giao dịch cũng ngày càng sôi động. Hiện thị trường đã có khoảng 8 triệu tài khoản chứng khoán. Với thanh khoản lên mức cao, có thời điểm đạt hơn 2 tỷ USD trong một phiên.
Những năm gần đây, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cơ quan quản lý đã rất nỗ lực tăng cường các giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ thị trường. Từ phái sinh, chứng quyền, ETF, hay từ năm 2022 chu kỳ giao dịch chứng khoán chính thức được rút ngắn từ T+3 xuống còn T+2 góp phần làm gia tăng sự linh hoạt trong đầu tư chứng khoán.
Trải qua nhiều thay đổi, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngày càng phổ biến và dễ tiếp cận hơn. Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, Việt Nam hướng đến mục tiêu đạt mốc 9 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên TTCK vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030. Trong đó, Chính phủ yêu cầu tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Để thu hút dòng vốn ngoại trở lại, một trong những nhiệm vụ quan trọng là hoàn thiện các tiêu chí để nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi. Sắp tới, nút thắt nâng hạng dự kiến sẽ sớm được tháo gỡ với dự thảo sửa đổi quy định về giao dịch ký quỹ cho nhà đầu tư ngoại đang được lấy ý kiến.
Minh An (t/h)VNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.