Sau dịch Covid-19 là thời điểm vàng kích cầu du lịch Việt Nam
Nhiều DN của ngành công nghiệp không khói đã nêu ra những khó khăn và hướng đi mới cho du lịch Việt Nam tại buổi tọa đàm trực tuyến “Thời điểm vàng kích cầu du lịch hậu Covid-19" do báo Tiền Phong phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức sáng 10/6.
Một ngày chỉ khai thác 3 - 4 chuyến bay
Sau hơn 3 tháng đóng băng do đại dịch Covid-19, du lịch đang trên đà vực dậy với liên minh kích cầu, chương trình “Người Việt Nam du lịch Việt Nam” do Bộ VHTT&DL phát động từ đầu tháng 5 giúp bức tranh du lịch dần chuyển sang gam màu tươi sáng. Đây cũng chính là thời điểm vàng để “kích cầu du lịch nội địa” sau dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới ngành công nghiệp không khói. Về lĩnh vực hàng không, theo Phó Trưởng Ban Tiếp thị & Bán sản phẩm của Vietnam Airlines Nguyễn Minh Tâm, thiệt hại của ngành hàng không lên tới 314 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019. Có tới 90% tầu bay không hoạt động trong suốt đại dịch.
Toàn cảnh buổi toạ đàm trực tuyến trong sáng 10/6.
"Doanh số của Vietnam Airlines giảm tới 5.000 tỷ đồng so với năm 2019. Trong tháng 3, 4 có ngày chỉ khai thác 3 chuyến bay. Vietnam Airlines tuân thủ số chuyến bay khai thác theo điều hành của Chính phủ" - ông Tâm nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại diện của Tập đoàn Sun Group Trần Nguyện tiết lộ, cho đến tháng 5/2020, lượng khách đến với các khu du lịch, vui chơi sụt giảm khoảng 3 triệu khách. Ước tính hết năm 2020 doanh thu chỉ đạt khoảng 70 - 80% so với cùng kỳ 2019, dự kiến đạt 70% so với kế hoạch kinh doanh của năm 2020.
"Hiện nay, sau thời gian mở cửa trở lại, lượng khách đến các khu vui chơi, khu du lịch do Sun Group vận hành chỉ đạt 20 - 30% so với cùng kỳ năm 2019 và chủ yếu vẫn là khách nội địa" - bà Nguyện chia sẻ.
Đại diện của DN Xuân Trường Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, đầu năm 2020, vào thời điểm lễ khai hội đã chuẩn bị rất kỹ càng để mở cửa đón du khách thì bất ngờ phải hủy bỏ hoàn toàn các chương trình. Hàng năm, ngày 4 - 5 Tết Nguyên đán là cao điểm du lịch mỗi ngày tiếp khoảng 10 triệu khách, nhưng từ khi dịch bùng phát chúng tôi cũng đã hoàn toàn đóng cửa.
Còn về lĩnh vực lưu trú, ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Công ty CP Flamingo Redtours, Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch cho biết, tất cả các hoạt động du lịch và các mảng kinh doanh liên quan của chúng tôi đều phải dừng ngay lập tức. Điều này khiến toàn bộ hoạt động đầu tư bị điều chỉnh, chi phí vận hành của DN thiệt hại rất lớn do phải duy trì bộ máy cảnh quan và nguồn nhân lực.
"Ở thời điểm hiện tại, một trong những việc mà DN phải làm là tăng cường đầu tư để nhận được sự đón nhận của thị trường; phải tiếp tục điều chỉnh tất cả các hoạt động vận hành theo tiêu chuẩn cao hơn thông thường, tái cơ cấu lại bộ máy. Đồng thời, chúng tôi cũng thay đổi thương hiệu từ Hà Nội Redtours thành Flamingo Redtours. Nhờ những thay đổi, cho đến giờ phút này tất cả các dịch vụ du lịch của chúng tôi đều hoạt động đến 90% công suất vào dịp cuối tuần và 40% đối với các ngày trong tuần. Lượng khách du lịch trong tháng 5 đã đạt gần bằng cùng kỳ năm trước" - ông Hoan chia sẻ.
Nhiều dịch vụ mới được mở
Phải khẳng định rằng, chưa bao giờ trong lịch sử nền du lịch quốc tế gặp phải khủng hoảng như thời gian qua. Theo thống kê toàn cầu đánh giá doanh thu từ du lịch trên toàn thế giới năm 2020 có thể giảm xuống 78%, cao hơn rất nhiều những lần khủng hoảng trước.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam phát triển du lịch trở lại. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh trên toàn thế giới lại là cơ hội vàng của du lịch Việt.
Ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Cty CP Flamingo Redtours chia sẻ tại buổi tạo đàm.
Được biết, các tập đoàn, DN du lịch bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề, 5 tháng khách quốc tế đạt 3,7 triệu lượt giảm 54% so với năm 2019 còn lượng khách nội địa giảm 58% so với năm 2019, 95% công ty lữ hành quốc tế nội địa dừng hoạt động trong thời điểm dịch diễn ra.
Theo dự báo, ngành du lịch nội địa đã trở lại từ tháng 6. Từ nay đến cuối năm, dự kiến khách nội địa đón khoảng 60 - 65 triệu lượt trong năm 2020. Với quý III có thể đón khách quốc tế từ 6 - 8 triệu lượt khách. Quý IV có thể đón được 4 - 4,5 triệu lượt khách quốc tế.
Trước những cơ hội, thời điểm vàng để kích cầu du lịch sau đại dịch Covid-19, nhiều tập đoàn, DN đã xây dựng các sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo và đẳng cấp để gia tăng trải nghiệm cho du khách, đồng thời đón đầu làn sóng bùng nổ của du lịch nội địa và sau này là thị trường du lịch quốc tế.
"Chúng tôi đưa vào vận hành Khu nghỉ dưỡng suối khoáng cao cấp Onsen Quang Hanh mới đây, thung lũng hoa hồng lớn nhất Việt Nam tại Fansipan và Tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long tại Hải Phòng là những ví dụ điển hình nhất.
Từ giờ đến cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục cho ra mắt những sản phẩm, công trình mới như: Khách sạn sang trọng Hanoi Capella Hotel; Kem Beach Resort tại Phú Quốc… Đặc biệt, vào tháng 7 tới, chúng tôi sẽ vận hành trở lại Công viên châu Á (Đà Nẵng) phiên bản mới sau 4 tháng tạm dừng hoạt động để cải tạo, trùng tu" - bà Trần Nguyện đại diện của Tập đoàn Sungroup chia sẻ.
Còn đối với DN Xuân Trường - đơn vị sở hữu nhiều địa điểm du lịch khu vực phía Bắc cho rằng, trong thời gian nghỉ dịch, giãn cách xã hội với mong muốn đảm bảo việc làm đã cho nhân viên làm việc luân phiên, cố gắng tối đa hóa ngày công. Ngoài ra, tập trung cải tạo cảnh quan, kiện toàn lại bộ máy công ty. Hiện tại, sau khi nghỉ dịch cảnh quan các khu du lịch đẹp hơn, xanh mát hơn.
"Trong thời gian nghỉ dịch chúng tôi cũng đầu tư xây dựng chính sách đa dạng hóa sản phẩm hơn, có các gói dịch vụ khác nhau để du khách có nhiều lựa chọn hơn khi đến với các khu du lịch, tạo ra nhiều ưu đãi hơn. Hiện nay chỉ cần 125.000 đồng đã có thể du lịch trọn gói ở Tam Chúc bao gồm xe điện đi lại và nghỉ ngơi ăn uống buổi trưa tại nhà hàng" - bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Tự tin du lịch Việt sẽ trở lại mạnh mẽ
Từ góc nhìn của chuyên gia, ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch đã có những phân tích, đánh giá về lợi thế phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam sau dịch Covid-19. Cụ thể, trong giai đoạn hiện nay, có rất nhiều thuận lợi để phục hồi và phát triển du lịch Chính phủ đang có một số chính sách khuyến khích tạo điều kiện DN du lịch phát triển.
"Với những chính sách cụ thể từ Chính phủ, tôi mong rằng các doanh nghiệp sẽ đoàn kết, hợp tác phát triển và cùng thực hiện các kế hoạch truyền thông lan tỏa thông điệp "Yêu du lịch Việt Nam" và "Du lịch Việt Nam an toàn". Các khu du lịch địa phương cần cam kết thực hiện các chính sách của chính phủ thật nhanh, minh bạch, cam kết giữ gìn môi trường du lịch cảnh quan du lịch. Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ các DN chuyển đổi để nhanh chóng thích nghi với tình hình" - ông Trần Trọng Kiên nói.
Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch, Hội đồng Tư vấn du lịch đã thảo luận rất nhiều để mở cửa lại du lịch quốc tế. Hội đồng tư vấn cũng đề xuất phải đặt an toàn là trên hết. Quá trình đàm phán cùng bộ ngoại giao các nước đang được tiến hành.
"Trong thời gian hiện tại chúng ta đã đạt được thành tích quan trọng nhất là sự đoàn kết. không chỉ để tồn tại mà còn tận dụng được khủng hoảng để phát triển mạnh mẽ hơn. Vì chúng ta rất thành công trong việc khống chế dịch bệnh chúng ta có thể là nước đầu tiên mở cửa lại du lịch nội địa. Tôi tin rằng du lịch Việt sẽ trở lại mạnh mẽ hơn trong thời gian sắp tới" - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch nói.
Về phía Tổng cục du lịch, ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, sự đoàn kết của các cơ quan quản lý Nhà nước, các ban ngành, địa phương đã được thể trong thời gian qua, từ đó Tổng cục sẽ cùng các Sở VHTT &DL giám sát làm sao cơ chế, chính sách, bám sát hành lang chung để DN có thể vận hành tốt nhất, gặp khó khăn thì tháo gỡ các DN.
"Giai đoạn đầu chúng ta sẽ phát triển du lịch nội địa. Giai đoạn 2, vẫn là phát triển du lịch nội địa và thêm song phương với một số quốc gia. Ở giai đoạn sau sẽ xem xét mở rộng thêm các thị trường quốc tế khác. Ngoài ra, xúc tiến gửi thông điệp đến với hành khách quốc tế, Việt Nam là địa điểm an toàn" - ông Nguyễn Lê Phúc khẳng định.
Ngọc TúLượng hàng tồn kho bất động sản có dấu hiệu tăng tạo không ít gánh nặng cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh yếu hoặc dùng đòn bẩy tài chính cao.