Sau hơn 1 năm không phát sinh giao dịch, Trần Anh (TAG) bất ngờ tăng trần 10 phiên liên tiếp
Cơ cấu cổ đông quá cô đặc khiến cổ phiếu TAG nhanh chóng "mất" thanh khoản. Hiện, Thế giới Di động (MWG) đang nắm giữ tới hơn 99% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Quán quân tăng điểm trong tuần vừa qua trên sàn UPCoM là cổ phiếu TAG của CTCP Thế giới số Trần Anh. Toàn bộ 5 phiên giao dịch trong tuần đều ghi nhận giá cổ phiếu TAG tăng hết biên độ để leo lên mức 61.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng tới 100% chỉ sau 1 tuần giao dịch.
Phải nói rằng đà tăng này đã xuất phát từ 1 tuần trước đó, khi mà giá cổ phiếu TAG chỉ cần 1 nhịp "nhún" tại phiên 12/11 khi giảm sàn tới 40% từ mức 27.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 16.200 đồng/cổ phiếu, để rồi sau đó bất ngờ tăng kịch trần 10 phiên liên tiếp, đẩy giá cổ phiếu tăng tới 273%. Mặc dù tăng sốc, song thanh khoản của TAG chỉ vỏn vẹn vài trăm cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên, nhiều nhất là 5.900 đơn vị được giao dịch trong phiên 26/11. Còn thời điểm trước đó, khoảng 3 năm dài cổ phiếu TAG hầu như không có giao dịch, thị giá đi ngang hàng tháng và chỉ lẻ loi một vài phiên có mấy trăm cổ phiếu được khớp lệnh.
"Chuyển nhà" sang hệ sinh thái Thế giới Di động
CTCP Thế giới số Trần Anh là doanh nghiệp từng sở hữu chuỗi Điện máy Trần Anh nức tiếng những năm 2005-2006 khi là nhà phân phối bậc nhất trong lĩnh vực thiết bị tin học và điện máy tại thị trường miền Bắc, lợi nhuận hàng năm tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, mải miết chạy theo chiến lược mở rộng quy mô bất chấp lợi nhuận, đến cuối năm 2017 Công ty thua lỗ hàng chục tỷ đồng để rồi đến đầu năm 2018, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) đã chi khoảng 850 tỷ đồng sở hữu hơn 23,6 triệu cổ phiếu TAG, tương đương 95% vốn, chính thức thâu tóm Trần Anh.
Khi đó, các siêu thị Trần Anh có quy mô lớn và nằm tại những vị trí đắc địa, nhưng lợi nhuận hàng năm thấp. Thương vụ M&A với Thế giới Di động hay cụ thể hơn là Điện máy Xanh được đánh giá là cơ hội tốt để Trần Anh cải thiện được hiệu suất hoạt động.
Đến tháng 9/2018, cổ phiếu TAG chính thức hủy niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), sau đó giao dịch trên Upcom kể từ ngày 23/11/2018. Kể từ thời điểm này, cơ cấu cổ đông quá cô đặc khiến cổ phiếu TAG nhanh chóng "mất" thanh khoản, ghi nhận chuỗi vài năm đằng đẵng hầu như không có giao dịch. Hiện tại, Thế giới Di động đang nắm giữ tới hơn 99% vốn điều lệ của doanh nghiệp, do đó lượng cổ phiếu lưu hành ngoài thị trường là không nhiều.
Về tình hình kinh doanh của TAG, sau khi "chuyển nhà", Trần Anh đã chuyển đổi mô hình kinh doanh sang hình thức hợp tác với Thế giới Di động, thông qua việc ghi nhận doanh thu là cho thuê mặt bằng, văn phòng, tài sản và thương hiệu. Hàng tồn kho không còn được ghi nhận và tài sản chủ yếu là tiền gửi tại ngân hàng để lấy lãi hằng năm. Điều này cũng khiến lợi nhuận doanh nghiệp chủ yếu đến từ doanh thu tài chính.
Cụ thể, năm đầu tiên sau khi về tay Thế giới Di động là 2018, Trần Anh vẫn báo lỗ hơn 4 tỷ đồng, tuy nhiên, mức thua lỗ đã thu hẹp nếu so với thời điểm cuối năm 2019 nhờ các loại chi phí được cắt giảm đáng kể, đặc biệt chi phí tài chính. Còn từ năm 2019 đến nay, Trần Anh đều đặn thu lãi vài tỷ đồng hàng quý.
Gần nhất trong quý 3/2021, doanh thu xấp xỉ 32 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước, đặc tính giá vốn chiếm phần lớn doanh thu nên Trần Anh báo lãi gộp gần 231 triệu đồng, gần gấp 3 lần so với khoản lãi hơn 73 triệu đồng trong quý 3/2020. Doanh thu tài chính đóng góp tới hơn 3 tỷ đồng qua đó lãi sau thuế đạt 3,4 tỷ đồng, tăng 15% so với lợi nhuận trong cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu ghi nhận 101,4 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Cộng thêm doanh thu tài chính và khấu trừ các chi phí liên quan, Trần Anh báo lãi sau thuế gần 10,3 tỷ đồng, tăng 14% so với thực hiện trong 9 tháng đầu năm 2021.
Khi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.