Sau khi ‘sửa sang’ lĩnh vực công nghệ, Bắc Kinh đang hướng tới chỉnh đốn thị trường xe điện, liệu Elon Musk có lo sợ?

Quốc tế
09:57 AM 16/09/2021

Tesla đang điều hành siêu nhà máy tại Trung Quốc nhưng ngày càng có nhiều vấn đề không chắc chắn đáng lo ngại.

Tờ Bloomberg đưa tin, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố sẽ bắt đầu củng cố ngành công nghiệp xe điện (EV) sau một thập kỷ khuyến khích phát triển, dẫn đến sự xuất hiện của quá nhiều công ty, một vài trong số đó hầu như không có tính khả thi.

"Trong tương lai, các công ty EV sẽ phát triển lớn mạnh hơn. Hiện tại, chúng ta đang có quá nhiều hãng xe điện trên thị trường", Xiao Yaqing, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ thông tin cho biết trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm thứ ai.

Ông nói: "Các công ty chủ yếu là nhỏ và phân tán. Vai trò của thị trường nên được tận dụng tối đa và chúng tôi khuyến khích các nỗ lực sáp nhập và tái cơ cấu trong lĩnh vực xe điện để tăng cường hơn nữa mức độ tập trung của thị trường".

Cổ phiếu của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc ngay lập tức đã giảm trong phiên giao dịch hôm thứ hai. Cổ phiếu Xpeng Inc. giảm 2,3% trong phiên giao dịch tại Hồng Kông còn cổ phiếu Li Auto Inc. giảm 1,4%. Trên các sàn giao dịch khác, cổ phiếu công ty BYD giảm 1,8% và công ty Công nghệ Năng lượng Mới BAIC BluePark giảm 4,6%.

Tờ Bloomberg nhận định, Trung Quốc - quốc gia có ngành công nghiệp ô tô điện lớn nhất thế giới, đang đặt trọng tâm mới vào việc củng cố hàng ngũ các nhà sản xuất xe điện, vốn đã tăng lên khoảng 300 đơn vị.

Các cơ quan quản lý đang xem xét đặt ra tỷ lệ sử dụng năng lực sản xuất tối thiểu cho ngành và các tỉnh không đạt yêu cầu sẽ không được phép phê duyệt các dự án mới cho đến khi công bố công suất dư thừa.

Sau khi ‘sửa sang’ lĩnh vực công nghệ, Bắc Kinh đang hướng tới chỉnh đốn thị trường xe điện, liệu Elon Musk có lo sợ? - Ảnh 1.

Bill Russo, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty tư vấn Automobility Ltd nói: "Quá nhiều công ty phân chia thị trường, làm phân mảnh chuỗi cung ứng cho các thành phần cốt lõi. Bắt buộc phải tập trung vào một số nhà sản xuất và nhà cung cấp chính các thành phần của xe điện".

Đây được cho là tín hiệu cho thấy Trung Quốc đang hướng sự tập trung vào việc đưa ngành công nghiệp xe điện sang phát triển bền vững hơn. Điều đáng nói là việc này diễn ra trong bối cảnh quốc gia tỷ dân cũng đang chỉnh đốn lại rất nhiều lĩnh vực từ dạy thêm tới bất động sản và công nghệ.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường xe điện ở Trung Quốc đã được thúc đẩy bởi các khoản trợ cấp của chính phủ nhằm khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang ô tô chạy năng lượng sạch hơn. Dữ liệu của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin cho thấy, tổng các khoản trợ cấp của chính phủ đối với việc mua xe sử dụng năng lượng mới là 33 tỷ nhân dân tệ (5,1 tỷ USD) trong 5 năm đến năm 2020.

Bên cạnh đó, chính quyền cấp tỉnh cũng đã đưa ra các biện pháp giảm thuế và các ưu đãi khác cho các nhà sản xuất xe điện để thành lập cửa hàng, dẫn đến tình trạng dư thừa cung. Ví dụ, tỉnh Giang Tô, phía bắc Thượng Hải hiện là nơi có khoảng 30 nhà sản xuất ô tô, một số trong số đó đã phá sản.

Tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất trung bình của các nhà sản xuất ô tô ở Trung Quốc nói chung là khoảng 53% vào năm ngoái.

Liệu có ảnh hưởng tới Tesla?

Trên thực tế, trước khi thông tin về việc các nhà chức trách Trung Quốc bắt đầu "để mắt" tới lĩnh vực xe điện, Tesla đã gặp phải nhiều rắc rối tại thị trường này.

Tháng trước, doanh số của Tesla ở Trung Quốc đã giảm mạnh. Đây là dấu hiệu cho thấy họ đang mất dần thị phần ở Trung Quốc vào tay cả những hãng xe điện khác và các hãng xe truyền thống.

Cụ thể, Hiệp hội xe chở khách Trung Quốc (CPCA) báo cáo rằng doanh số của Tesla ở Trung Quốc đã giảm xuống 8.621 xe vào tháng 7, giảm 70% so với tháng 6. Tuy nhiên, lượng xe xuất khẩu từ nhà máy của Tesla tại Thượng Hải lại tăng lên 24.347 chiếc vào tháng 7 so với mức 5.017 chiếc vào tháng 6. Điều này có nghĩa là tổng doanh số các dòng xe Tesla lắp ráp ở Trung Quốc chỉ giảm hơn 1%.

Các chuyên gia phân tích nói rằng, việc doanh số giảm mạnh ở Trung Quốc là một tín hiệu khác cho thấy ngày càng nhiều vấn đề Tesla đang gặp phải ở đất nước tỷ dân. Ngoài việc đang gặp phải cạnh tranh nhiều hơn từ các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc cũng như danh tiếng bị sụt giảm mạnh do những đợt thu hồi xe vì lỗi, công ty này còn phải đối mặt với làn sóng biểu tình của những chủ sở hữu xe Tesla. Điển hình như hồi đầu năm nay, tại Hội chợ ô tô Thượng Hải, 1 người phụ nữ đã nhảy lên nóc 1 chiếc xe Tesla và nói về chất lượng yếu kém của hãng này. Bên cạnh đó, còn những lo ngại về an toàn sản phẩm bởi chính quyền Trung Quốc.

Hồi tháng 6, chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh thu hồi gần như toàn bộ xe Tesla đang được bán trong nước, tức là hơn 285.000 chiếc, để xử lý lỗi phần mềm. Nguyên nhân là do giới chức lo ngại về việc xe Tesla có thể gửi dữ liệu về Mỹ. Hơn nữa, các hãng ô tô điện địa phương như Nio và Xpeng đang đặt ra thách thức về sự thống trị đối với Tesla.

Sau khi ‘sửa sang’ lĩnh vực công nghệ, Bắc Kinh đang hướng tới chỉnh đốn thị trường xe điện, liệu Elon Musk có lo sợ? - Ảnh 2.

Dĩ nhiên, những tình huống như vậy lại không hề xa lạ với hầu hết doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc. Tại quốc gia này, tâm lý người tiêu dùng rất dễ bị lung lay vì những "cơn bão" trên mạng xã hội. Và đây cũng chính là một vấn đề: "vầng hào quang" của Tesla và Elon Musk có thể không còn có thể giúp họ tránh được những rủi ro ở Trung Quốc.

Theo Bill Russo – cựu CEO của Chrysler, hiện là CEO của công ty tư vấn Automobility, bài học của Tesla là đây chính là phát súng cảnh báo doanh nghiệp nước ngoài cần biết rõ ranh giới và đừng quá phô trương với sự thành công của mình. Ông nhận định: "Họ không thể vươn xa nếu quá kiêu ngạo".

Hiện chưa rõ tiếp theo đây, liệu chính quyền Bắc Kinh sẽ có những hành động điều tiết mạnh hơn nữa với thị trường xe điện hay không. Tuy nhiên nếu có, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới tất cả các công ty trên thị trường, trong đó có cả Tesla.

Nguồn: Bloomberg, CNN

Vân Đàm
Ý kiến của bạn