Sau OPEC, đến lượt IEA lạc quan về nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2021

Thị trường
09:42 PM 15/04/2021

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) lạc quan về triển vọng nhu cầu dầu mỏ trong năm nay sau khi có hàng loạt tín hiệu cho thấy kinh tế thế giới đang hồi phục nhanh hơn dự kiến, nhất là ở Mỹ và Trung Quốc.

Trong báo cáo công bố ngày 14/4, IEA đã nâng dự báo về nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2021 thêm 230.000 thùng/ngày so với dự báo tháng 3, theo đó tổng nhu cầu dầu năm nay sẽ 5,7 triệu thùng/ngày so với năm ngoái, lên 96,7 triệu thùng/ngày.

Mặc dù nhu cầu dầu cuối năm nay dự báo vẫn thấp hơn 3% so với cuối năm 2019, song điều đó cũng đã cho thấy nhu cầu dầu mỏ thế giới đang trên đà hồi phục.

Năm 2020, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đã giảm 8,7 triệu thùng/ngày.

Theo IEA, kinh tế thế giới đang hồi phục "mạnh mẽ" nhờ việc triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19 một cách tích cực và những gói kích thích kinh tế khổng lồ, nhất là của Mỹ.

"Các nguyên tắc cơ bản của thị trường dầu mỏ đã vững mạnh lên nhiều" và "Trong năm qua, các kho dự trữ dầu trên toàn cầu đã tích tụ vô số dầu thừa do đại dịch covid-19, nhưng nay lượng dầu dư thừa đó đang được giải quyết dần dần. Các chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 giúp kinh tế thế giới hồi phục tốt hơn", báo cáo của IEA viết.

Mặc dù vẫn lo ngại về số ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở một số nơi, song IEA nhận định cung - cầu dầu mỏ thế giới sẽ tái cân bằng vào cuối năm nay, khi đó các nhà sản xuất cần tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày để đáp ứng nhu cầu dự kiến.

Sau OPEC, đến lượt IEA lạc quan về nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2021 - Ảnh 1.

Cán cân cung - cầu dầu mỏ

Trong báo cáo lần này, IEA đã nâng dự báo về nhu cầu dầu mỏ Mỹ trong 6 tháng cuối năm 2021 thêm khoảng 365.000 thùng/ngày so với dự báo trước, và nâng dự báo về nhu cầu của Trung Quốc trong cả năm 2021 thêm 160.000 thùng/ngày.

IEA cho biết tồn trữ dầu của OECD đã giảm 7 tháng liên tiếp tính đến tháng 2/2021, giảm được 55,8 triệu thùng, tương đương 2 triệu thùng/ngày, dẫn đầu đà giảm là tồn kho sản phẩm dầu. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy nhu cầu dầu đang tăng, và dự báo nhập khẩu dầu của thế giới sẽ tăng trong thời gian tới.

Tính đến cuối tháng 2/2021, tồn trữ dầu tổng cộng còn 2,977 tỷ thùng, giảm mạnh so với 3,216 tỷ thùng hồi tháng 5/2020, chỉ còn cao hơn mức trung bình giai đoạn 2016 - 2020 là 28,3 triệu thùng.

Trong tháng 3, các kho dự trữ dầu tại Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản đã tăng tổng cộng 15,3 triệu thùng.

Tuy nhiên, IEA lưu ý rằng, ngay cả khi sản lượng của các nhà máy lọc dầu toàn cầu tháng 3 đã về lại mức như đầu năm 2020 thì tổng công suất lọc dầu toàn cầu là 75,9 triệu thùng/ngày vẫn thấp hơn 4,4 triệu thùng/ngày so với tháng 3/2019.

Và mặc dù các số liệu kinh tế thế giới cho thấy sự lạc quan, song IEA cho biết sự hồi phục vẫn còn mong manh do số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục gia tăng ở một số quốc gia và khu vực quan trọng, trong đó có Châu Âu, Ấn Độ và Brazil. Hiện Châu Âu đang trong đợt phong tỏa mới, và IEA tin tưởng chương trình tiêm chủng vắc xin được tăng tốc trong những tháng tới sẽ giúp khu vực này sớm mở cửa trở lại nền kinh tế để hoạt động đi lại tăng lên vào nửa cuối năm nay.

IEA cũng cảnh báo rằng giá dầu vẫn có thể chịu "áp lực mới" trong những tháng tới khi nguồn cung dầu thế giới sẽ tăng mạnh và thị trường chuyển thị trường từ thâm hụt sang cân bằng.

Sau OPEC, đến lượt IEA lạc quan về nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2021 - Ảnh 2.

Cung dầu toàn cầu

Mặc dù Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh (gọi là OPEC ) ngày 1/4 đã thống nhất sẽ cắt giảm mức giảm sản lượng hơn 2 triệu thùng/ngày từ tháng 5 đến tháng 7 tới, song IEA ước tính nguồn cung sẽ cần bổ cung thêm gần 2 triệu thùng nữa mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu dự kiến cho năm nay.

Tuy nhiên, IEA lưu ý rằng thị trường dầu sắp tới sẽ không phải đối mặt với "cuộc khủng hoảng nguồn cung", bởi OPEC sẽ vẫn có khoảng 6 triệu thùng/ngày công suất sản xuất dự phòng, chưa kể 1,5 triệu thùng/ngày của Iran vẫn chưa tung ra thị trường do các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

IEA cho biết: "Việc điều chỉnh nguồn cung hàng tháng như hiện nay của OPEC có thể giúp cho các bộ trưởng OPEC linh hoạt trong việc tăng cường sản lượng tương đối nhanh chóng để lấp đầy bất kỳ khoảng trống đáng kể nào có thể xuất hiện".

Sau OPEC, đến lượt IEA lạc quan về nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2021 - Ảnh 3.

Thị phần đáp ứng nguồn cung dầu mỏ

IEA ước tính sản lượng dầu toàn cầu trong năm nay có thể tăng 1,4 triệu thùng/ngày, sau khi giảm 6,6 triệu thùng/ngày năm 2020. Trong đó, nguồn cung dầu ngoài OPEC dự kiến tăng 610.000 thùng/ngày trong năm 2021. Tại Mỹ, nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, IEA dự đoán nguồn cung sẽ giảm 100.000 thùng/ngày vào năm 2021 sau khi giảm gần 600.000 thùng/ngày năm 2020.

Là nước sản xuất và xuất khẩu dầu thô, nhu cầu dầu tăng trong thời gian tới sẽ giúp xuất khẩu dầu của Việt Nam tăng lên.

Theo xu hướng chung của thế giới, sản lượng khai thác dầu thô trong nước hai tháng đầu năm đạt 1,51 triệu tấn, tăng 112,6% so với kế hoạch là 1,34 triệu tấn, nhưng thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm 2020. Theo kế hoạch, sản lượng khai thác dầu thô trong nước năm 2021 là 7,99 triệu tấn, thấp hơn so với kế hoạch năm 2020 (8,83 triệu tấn).

Trong thời gian tới, một loạt mỏ dầu mới như Đại Hùng, Sư Tử Trắng có một số lô chuẩn bị đưa vào khai thác, cộng với nhu cầu dầu thế giới tăng lên sẽ giúp sản lượng tăng trở lại. Xuất khẩu xăng dầu cũng được kỳ vọng sẽ tăng lên sau khi giảm trong thời gian qua.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu xăng dầu 2 tháng đầu năm 2021 giảm cả lượng và kim ngạch so với 2 tháng đầu năm 2020, với mức giảm 45,8% về lượng và giảm 57,2% về trị giá đạt 291.002 tấn, trị giá 137,99 triệu USD.

Tham khảo: IEA, Spglobal

Vân Chi
Ý kiến của bạn