Sau quy hoạch 2 thành phố trực thuộc, Hà Nội tiếp tục 3 trục phát triển quan trọng

Địa phương
09:06 AM 18/02/2023

Ngoài hai thành phố trực thuộc, ba khu vực không gian (ngầm, xanh, công cộng), thành phố Hà Nội dự kiến xác định 3 trục không gian phát triển quan trọng gồm: Sông Hồng, Hồ Tây - Ba Vì, Nhật Tân - Nội Bài.

Vừa qua, dưới sự chủ trì của ông Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Thường trực Thành ủy đã họp nghe báo cáo, cho ý kiến về tình hình, tiến độ xây dựng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Hà Nội định hướng thành phố phía Bắc là địa bàn 3 huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn sẽ có chức năng dịch vụ, công nghiệp. Còn thành phố phía Tây gồm Hòa Lạc, Xuân Mai sẽ có chức năng giáo dục, khoa học, công nghệ.

Đáng chú ý, ngoài 2 thành phố trực thuộc và 3 khu vực không gian (không gian ngầm, không gian xanh, không gian công cộng), thành phố dự kiến xác định 3 trục phát triển quan trọng, gồm: Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm; trục Hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh; trục Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị thông minh...

Sau quy hoạch 2 thành phố trực thuộc, Hà Nội tiếp tục phát triển 3 trục quan trọng - Ảnh 1.

Quy hoạch phải kết nối được Hà Nội với các tỉnh như Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc bằng đường sắt.

Phát biểu tại cuộc làm việc, các chuyên gia đều khẳng định, việc Hà Nội xây dựng và điều chỉnh những quy hoạch này là làm nhiệm vụ của quốc gia, phải đặt Hà Nội trong tâm thế là trung tâm, trái tim của cả nước và là đại diện, đầu tàu trong trong hội nhập, cạnh tranh quốc tế. Do đó, chất lượng, hiệu quả, tính khả thi của quy hoạch phải đặt lên hàng đầu.

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng lưu ý, đây là hai quy hoạch rất quan trọng, sẽ định hình chân dung, con đường phát triển của Thủ đô trong những năm tới. Do đó, dù tiến độ gấp, phải làm nhanh, nhưng chất lượng vẫn phải là hàng đầu. Theo ông Đinh Tiến Dũng, hai quy hoạch và Luật Thủ đô (sửa đổi) có quan hệ chặt chẽ, cái này là cơ sở của cái kia, do đó, quá trình xây dựng phải bảo đảm khớp nhau mới có tính khả thi.

Nhất trí về định hướng không gian với 3 trục phát triển quan trọng như đã nêu, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng lưu ý, trong tính toán không gian phải nghĩ rộng ra, đặt ra Hà Nội trong liên kết Vùng Thủ đô nên phải nghiên cứu thêm về hạ tầng, kết nối được Hà Nội với các tỉnh như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc bằng đường sắt. Đây chính là lý do khi đề xuất xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Hà Nội đã đề nghị kết hợp giải phóng mặt bằng luôn phần đất để tích hợp đường sắt quốc gia.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng lưu ý, các quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch lần này phải kèm theo các phụ lục nêu rõ danh mục các dự án, các dự án ưu tiên thực hiện, để làm căn cứ huy động nguồn lực, triển khai.

Bí thư Thành ủy đề nghị tăng cường quán triệt, tuyên truyền về các quy hoạch nêu trên nhằm thay đổi nhận thức về phát triển; cần thiết phải lấy ý kiến nhân dân; tổ chức các hội thảo huy động sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia; qua đó, vừa tiếp thu tinh hoa, trí tuệ của Nhân dân, vừa tạo sự thống nhất, đồng thuận chung để triển khai thực hiện.

Ngô Huy
Ý kiến của bạn
Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách

Thông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.